Khai thác sản vật tự nhiên là một hoạt động kinh tế có từ thời xa xưa và được bảo lưu liên tục đến ngày nay. Cư trú trong môi trường biển đảo giàu tài nguyên như Cù Lao Chàm - Hội An, hẳn nhiên việc đánh bắt thủy hải sản và khai thác lâm thổ sản để phục vụ cuộc sống trở thành hoạt động kinh tế chủ yếu và mang tính truyền thống của cộng đồng cư dân sinh cư lập nghiêp tại vùng đảo này trong lịch sử cũng như hiện nay.
Trên văn đàn Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX nói riêng, trong suốt chiều dài văn học sử nước nhà nói chung, Cao Bá Quát là một gương mặt có ấn tượng sâu sắc và khác thường. Sâu sắc, khác thường bởi cuộc đời và bởi những sáng tác. Cuộc đời thì tài hoa nhưng thăng trầm và có kết cục bi thảm. Còn thơ văn thì nổi tiếng “Thần siêu, thánh Quát” với những tác phẩm đóng dấu son rực rỡ cho văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, đến nỗi một người khó tính như vua Tự Đức đã phải hạ bút: “Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán…”. Trong số đó, có những tác phẩm viết về Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng, Quảng Nam.
Trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trên mảnh đất Hội An thân yêu đã ghi dấu nhiều chiến công vẻ vang của quân và dân Hội An. Trong số đó không ít chiến công liên quan đến những người xuất thân làm nghề truyền thống của gia đình, rồi dưới vỏ bọc ấy đã tham gia hoạt động cách mạng hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó phải kể đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Đức.
Do có vị trí chiến lược trọng yếu nên hết thực dân Pháp rồi đến đế quốc Mỹ đều chọn Hội An làm tỉnh lỵ, nơi đặt các cơ quan đầu não để chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Cũng vì thế mà phong trào đấu tranh cách mạng ở Hội An trải qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến gặp không ít khó khăn, thử thách. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Hội An đã bám đất, bám làng, ngày đêm chiến đấu quyết tâm đánh đuổi kẻ thù theo chân lý Không có gì quý hơn độc lập tự do. Vững bước vượt qua những chặng đường kháng chiến đầy khó khăn để bảo vệ quê hương, bên cạnh nội lực là chủ yếu, quân và dân Hội An còn nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn từ các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng như cả nước. Điều này đã được Đảng bộ Hội An khẳng định khi đúc kết lại thành quả cách mạng trong suốt 45 năm (1930 - 1975) chiến đấu và chiến thắng. Một trong những lực lượng đó là tiểu đoàn 2 (V25) bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà (1) - một đơn vị từng tham gia cùng với lực lượng vũ trang Hội An chiến đấu và lập nên những chiến công vang dội trên chiến trường Hội An trong những năm 1967 - 1968.
Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, nhất là hơn 30 năm chiến tranh ác liệt, nhưng với nhiều cơ may, khu phố cổ Hội An vẫn giữ gìn được gần như nguyên vẹn nét cổ kính, vẻ đẹp quyến rũ của một đô thị thương cảng quốc tế sầm uất nhất Việt Nam thời trung đại. Và, trên hành trình đến với danh hiệu Di tích cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt, rồi Di sản Văn hóa Thế giới của khu phố cổ Hội An, cũng như để Hội An có được khuôn mặt rạng ngời, cuộc sống tươi đẹp như hôm nay, Hội An không bao giờ quên những người yêu Hội An, vì Hội An. Trong đó, có những người đầu tiên phải kể đến là nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An.
Chùa Hải Tạng hiện tọa lạc tại thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An. Căn cứ theo văn bia dựng năm Tự Đức 1848 hiện còn lưu giữ ở chùa cho biết: Chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng 19 (1758), tức là sau khi Phật giáo theo dòng Lâm Tế của Tịnh Độ tông đã được hình thành và phát triển ở Hội An không bao lâu.
Khi đến với Cù Lao Chàm - Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới, du khách không chỉ tận hưởng môi trường, cảnh quan sinh thái của quần đảo quyến rũ này mà du khách còn cảm nhận được đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
Di tích khu mộ tộc Hồ hiện nằm trên địa bàn thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, cách di tích Lăng Bà và khu di chỉ khảo cổ móng tháp Chăm khoảng 500m về hướng Nam.
Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, vấn đề lịch sử, văn hóa Việt Nam được nhiều học giả người Pháp quan tâm nghiên cứu và đã có những công trình, chuyên khảo khá sâu sắc. Riêng, liên quan đến lịch sử, văn hóa Hội An, đáng quan tâm là những nghiên cứu của A.Sallet đăng trên tập Những người bạn cố đô Huế, gọi tắt là BAVH như “Hội An cổ” trong tập VI, in năm 1919 và “Tổ chim én: Những con én biển và tổ ăn được của chúng” trong tập XVII, in năm 1930.
Vai trò của sách, nói như tiến sĩ Ngô Sĩ Liên (nhà sử học thời Lê sơ, sống vào thế kỷ XV) thì: “Những điều ghi chép trong sử sách luôn tỏ rõ sự phải trái, công bằng yêu ghét, vinh hơn hoa cổn, nghiêm hơn búa rìu. Đó đúng là cái cân, là cái gương của muôn đời vậy…”. Nhân Ngày sách Việt Nam 21.4, chúng ta cùng nhìn lại văn hóa đọc và cách phục hồi văn hóa đọc ở Hội An…
(QNO) - Quán mì Quảng cũng là nơi để… cãi lộn. Quảng Nam mà, phải cãi một chút cho vui! Bạn sẽ sống rất đơn điệu nếu cứ chỉ vào đó ăn mì rồi ra đi. Phải có một chút cãi vã thì mới ra… hương vị mì Quảng. Một sáng Chủ nhật, tôi đi ăn trễ, vào tiệm mì gà gần bên phòng công chứng thì gặp hai vợ chồng đang ăn. Chị vợ: “Răng tui thấy anh ở nhà ăn uống uể oải mà vô quán lại ăn ngon lành rứa?”. Anh chồng: “Ờ, thì ở quán món ăn lạ hơn ở nhà”. “Rứa là anh thích của lạ phải không?”. Anh chồng lỡ miệng: “Đúng rồi”. “Anh nói kiểu nớ thì đi tìm con khác đi, cưới tui làm chi?”. “Trời ơi, chuyện ăn khác chuyện ngủ, bà ơi”. “Khác cái chi mà khác? Ăn cũng rứa, ngủ cũng rứa, thứ mô mà anh không thích món lạ?”. Rồi chị vợ đùng đùng bước ra khỏi quán!
Họ là nông dân, nhưng là những nông dân hiểu biết của phố Hội. Có gia đình đã 4 đời thay nhau chăm sóc, hương khói những ngôi mộ cổ người Nhật; có người chỉ mới “tiếp quản” công việc chỉ mới năm, bảy năm nay…
(QNO) - Hiện nay, trong nhiều tiệm mì Quảng ở Quảng Nam, đặc biệt là ở Tam Kỳ và Duy Xuyên, có bán mì cá lóc, làm nhưn bằng thịt cá lóc. Khái niệm “cá lóc” để chỉ một loài cá ở Nam Bộ, rất to và rất dữ. Có hai thứ cá lóc là cá lóc đồng (hay đìa tự nhiên, không nuôi bằng thức ăn) và cá lóc bông, trôi theo con nước mùa nước nổi từ sông Mekong về. Có những con cá lóc bông to như cột nhà, nặng trên 10 ký. Người Quảng Nam trước đây thường chỉ nói cá tràu chứ không nói cá lóc. Tôi vào một tiệm “mì cá lóc” ở Tam Kỳ, nghe ông khách ngồi bàn bên cạnh gọi: “Cho tô mì cá tràu”. Bà chủ cười: “Thưa anh, anh ăn mì cá lóc chớ”. Ông khách cãi: “Quảng Nam mình làm chi có cá lóc? Cá lóc là cá ở trong Nam, nó to chần vần và dài như… chân mấy cô hoa hậu. Con cá ngoài mình nhiều lắm chỉ to và dài cỡ cườm tay. Nó là cá tràu chớ làm chi lên tới chức cá lóc được?”. Bà chủ chịu thua, phải làm cho ông tô mì cá tràu, dù bảng hiệu bên ngoài ghi là mì cá lóc!
Bạn có thể hỏi tôi: Đến một món ăn dân dã quen thuộc như mì Quảng mà cũng có triết lý sao? Tôi xin trả lời: Đúng vậy. Bản thân món ăn ấy hàm chứa nhiều điều mà ta cần tìm hiểu. Cái đạo ăn mì Quảng cũng khác xa so với cách ăn những món có nước khác như phở, hủ tiếu, bún bò giò heo. Nó có những nội hàm khiến ta có thể coi nó là một phần trong văn hóa đất Quảng Nam.
Trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII, đô thị thương cảng Hội An trở thành trung tâm buôn bán sầm uất của xứ Đàng Trong, ở nơi đây hoạt động giao lưu buôn bán diễn ra sôi nổi, tấp nập giữa các vùng miền trong cả nước, cũng như nơi các thương nhân nước ngoài đến trao đổi hàng hóa và buôn bán. Thời kỳ này, các hiệu buôn ở Hội An ra đời gắn liền với những nhà buôn nổi tiếng như La Thiên Thái, Diệp Đồng Nguyên, Tấn Ký, Hiệp Ký, Quân Thắng v.v…Trong đó, hiệu buôn Diệp Đồng Nguyên trở thành một địa điểm buôn bán sôi nổi và nhộn nhịp.
Văn học dân gian là kho tàng lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc và tính cách của con người từ ngàn xưa cho đến nay. Ca dao xứ Quảng cũng phản ánh toàn bộ truyền thống, đời sống, văn hóa... xứ Quảng, đặc biệt hơn cả là tính cách của người Quảng được thể hiện sâu sắc, độc đáo và đầy ấn tượng... Theo cách hiểu chung thì tính cách “là tổng thể những đặc điểm tâm lý ổn định trong cách cư xử của con người, biểu hiện thái độ điển hình của con người đó trong những hoàn cảnh điển hình. Từ ý nghĩa ấy chúng ta có thể suy ra rằng, tính cách của cư dân một vùng đất là tổng thể những đặc điểm tâm lý mang tính bền vững trong cách ứng xử của họ, có thể là của nhiều thế hệ nối tiếp nhau, được biểu lộ bằng những nét điển hình trong hoàn cảnh điển hình”(Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 205).
1. Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Môn thần Theo các học giả Trung Quốc, khởi nguyên của tín ngưỡng thờ Môn thần bắt nguồn từ quan niệm sùng bái tự nhiên và quan niệm tín ngưỡng thần linh của con người thời kỳ nguyên thủy. Vào thời kỳ này, con người chủ yếu cư ngụ trong các hang động tự nhiên. Khi xã hội phát triển cao hơn, họ mới dần dần học được kỹ thuật dựng nên nhà cửa. Từ đây, ngôi nhà và con người có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Bởi ngôi nhà là nơi có thể phòng ngừa được thú hoang và địch hại, cũng là nơi có thể che mưa che gió, cất giữ thực phẩm và tài sản... Cảm kích vì tác dụng to lớn này, mà trong tâm tưởng con người đã hình thành nên một vị thần của ngôi nhà (trong đó có Cửa) để cúng tế nhằm báo đáp ân đức. Đây chính là nguồn gốc đầu tiên của tín ngưỡng thờ Môn thần.
Trong chiến dịch Thu - Đông năm 1967, cùng với các địa phương trong Tỉnh, quân và dân Hội An đã liên tục tổ chức các trận tập kích có quy mô lớn vào những mục tiêu quan trọng của địch ở nội ô và giành thắng lợi giòn giã. Một trong số đó là trận tập kích vào tiểu đoàn công binh 102 của ngụy.