Tình hình nghiên cứu Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh ở Hội An

Thứ ba - 20/05/2014 21:12
Tình hình nghiên cứu Thiền phái Lâm tế Chúc Thánh ở Hội An
           Trong quá trình Nam tiến dưới thời các chúa Nguyễn, tuy không lấy Phật giáo làm quốc giáo như thời Lý - Trần, nhưng các chúa Nguyễn lại lấy Phật giáo làm chỗ dựa cho chính sách an dân trị quốc. Đi đến đâu người Việt cũng được chúa Nguyễn cho xây dựng chùa để thờ Phật. Đây là một vấn đề tất yếu, bởi lẽ tinh thần Phật giáo đã thấm sâu vào trong tư tưởng tình cảm của mỗi người dân Việt. Vì thế, kể từ khi đất Quảng Nam thành lập, chúng ta đã thấy có bóng dáng của những ngôi chùa cũng như các vị Thiền sư đến đây hoằng hóa. Tại nơi đây, các dòng Thiền được truyền bá và phát triển mạnh mẽ, trong đó có Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những chi nhánh của dòng Thiền Lâm Tế tại Trung Hoa. Dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh được Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo khai sáng vào những năm cuối thế kỷ XVII tại chùa Chúc Thánh ở Hội An.

          Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đóng vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Hội An và Quảng Nam. Vì vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thiền Phái này là một việc làm có ý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Từ trước đến nay, đã có một số tác phẩm đề cập đến Thiền sư Minh Hải và Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh của một số tác giả, chẳng hạn như Nguyễn Lang với tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận, tập II, Nxb Văn Học Hà Nội năm 1992; Thích Minh Tuệ với tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh năm 1993; Mật Thể với tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử lược, Nxb Tôn giáo, năm 2004; Nguyễn Hiền Đức với tác phẩm Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb TP.HCM năm 1995; Chơn Phát với tác phẩm Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (giáo trình lưu hành nội bộ) năm 1998. Trong những tác phẩm này, các tác giả đã đề cập đến Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, riêng chỉ có cuốn Lịch sử Phật giáo Đàng Trong của Nguyễn Hiền Đức là đề cập nhiều đến Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh hơn cả.

       Gần đây, tác giả Thích Hạnh Thiện với luận văn “Thiền sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh”, đề tài tốt nghiệp Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Huế - Khóa I (1997 - 2001) cũng đã nghiên cứu rất công phu. Tuy nhiên, tác giả chỉ giới hạn sơ lược về Thiền sư Minh Hải và Tổ đình Chúc Thánh chứ chưa đi sâu, làm sáng tỏ hơn những đóng góp của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh đối với lịch sử Phật giáo Hội An nói riêng và Phật giáo Quảng Nam nói chung.

       Tại Hội An, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh được nhiều tác giả, nhiều nhà nghiên cứu địa phương đề cập đến. Trong đó nổi bật là Đại đức Thích Như Tịnh đã xuất bản nhiều tác phẩm, ấn phẩm liên quan đến Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam như tác phẩm Hành trạng chư Thiền đức xứ Quảng, Nxb Tôn giáo, Hà Nội năm 2008; Lịch sử truyền thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông năm 2009; Biểu đồ truyền thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông… Tất cả các tác phẩm này đã trình bày khá công phu về tiến trình hình thành và phát triển của Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An. Bên cạnh đó còn các bài viết, bài nghiên cứu của một số tác giả trên các tạp chí, đặc san văn hóa ở Hội An.

       Nhìn chung, nguồn tài liệu này giúp chúng ta bước đầu nhận thức được quá trình hình thành, phát triển Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam. Qua những nguồn tư liệu này, chúng ta có thể khái quát một số vấn đề về Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An.

        Về mặt thời gian, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ra đời cuối thế kỷ XVII, do Thiền sư Minh Hải - Pháp Bảo, đời 34 Lâm Tế khai sơn Chúc Thánh ở Hội An. Thiền sư Minh Hải pháp danh thượng Minh hạ Hải, tự Đắc Trí hiệu chùa Pháp Bảo, người tỉnh Phúc Kiến Trung Hoa, là một trong những vị Thiền sư được Thiền sư Nguyên Thiều mời qua Việt Nam dưới thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 – 1691). Vì vậy, dòng Thiền này còn có tên gọi khác là Thiền phái Minh Hải - Pháp Bảo.

          Về không gian, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh phát tích tại Hội An, Quảng Nam và nhanh chóng được truyền bá rộng rãi tại các tỉnh miền Trung và Nam Việt Nam, thậm chí còn phát triển mạnh tại nước ngoài. Hiện nay, tại Hội An có hơn 10 ngôi chùa thuộc Thiền phái này như chùa Chúc Thánh, chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, chùa Long Tuyền….. Trong số đó Tổ đình Phước Lâm đóng vai trò quan trọng trong sự truyền thừa và phát triển “nếu như Chúc Thánh là chiếc nôi khai sinh, thì Phước Lâm là trung tâm truyền giáo của dòng thiền Lâm Tế Chúc thánh trên phạm vi cả nước”( Lịch sử truyền thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh -  Thích Như Tịnh).
           
           Về truyền thừa, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An dùng bài kệ của thiền sư Minh Hải:
Bài kệ pháp danh:
Minh Thiệt Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường
Bài kệ pháp tự:
“Đắc Chánh Luật Vi Tông
Tổ Đạo Giải Hành Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhân Thiên Trung
 
          Trong quá trình truyền thừa và phát triển, trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, tại Hội An, Quảng Nam đều có các vị Thiền sư đóng vai trò chủ đạo của tông môn. Các vị Thiền sư tiêu biểu trong sự nghiệp truyền thừa như Thiền sư Minh Lượng (1626 – 1709) khai sơn chùa Vạn Đức, Thiền sư Ân Triêm (1712-1796) khai sơn chùa Phước Lâm, Thiền sư Phổ Thoại (1875 - 1954) khai sơn chùa Long Tuyền…

         Về Tôn chỉ hành đạo, kể từ ngày Tổ sư Minh Hải khai sơn cho đến nay vẫn không thay đổi. Tùy vào quá trình hành đạo và giữ đạo luôn được áp dụng tùy từng hoàn cảnh đã thể hiện được bản hoài của người Phật tử theo tinh thần“Phụng sự chúng sanh tức là cúng dường chư Phật.”

         Về phương pháp hành trì, cũng như Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh các tỉnh thành trong cả nước, Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh Hội An lấy thiền định làm chủ yếu. Muốn thiền định phải áp dụng hai cách điều Thân và điều Tâm, không nghĩ đến điều ác, cứu thế giúp đời, rèn luyện thân được thanh tịnh.

         Về tổ chức sư môn, môn phái lâm tế Chúc Thánh đặt trụ sở chính tại tổ đình Chúc Thánh Hội An. Cơ cấu tổ chức bao gồm 2 Hội đồng. Hội đồng trưởng lão và Hội đồng điều hành. Hội đồng trưởng lão gồm các vị tiêu biểu cho giới luật, có nhiệm vụ chứng minh các đại lễ, đàn giới của môn phái. Hội đồng điều hành có trách nhiệm điều hành mọi công tác Phật sự của môn phái.

          Về lễ nghi và thờ tự, hàng năm môn đồ các chùa thuộc Thiền phái này đều tổ chức những ngày lễ tế lớn như Vía Phật Đản sanh (15/4); Vía Quan Thế âm (19/6); Vu Lan báo hiếu (15/7); Vía Đức Phật thành đạo (12/12)… Bên cạnh đó, môn đồ còn tổ chức kỵ tổ các Thiền sư khai sơn và có công trùng tu xây dựng chùa. Cách thờ tự của Thiền phái này nhìn chung theo mô típ như sau tại Đại hùng bảo điện thờ Đức Phật Thích ca, Di Đà tam tôn gồm tượng Phật Di Đà ở giữa, bên phải là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái là Đại Thế Chí Bồ Tát. Gian bên phải của án thờ chính thờ tượng Phổ Hiền Bồ tát. Gian bên trái của án thờ chính thờ tượng Bồ Tát Văn Thù. Hai bên hành lang thờ Thập Bát La Hán. Ở tiền đường thờ Tiêu diện Đại sĩ và Hộ Pháp Vi Đà. Sau cùng là Tổ đường thờ Bồ đề đạt ma và long vị các vị trụ trì chùa.

         Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh còn có những đóng góp to lớn đối với Đạo pháp, Dân tộc và Văn hóa. Đối với Đạo pháp, với hơn 300 năm hình thành và phát triển, các môn đồ thuộc Thiền phái này tích cực tu tập, mở các giáo đàn để truyền và giảng đạo. Các Thiền sư đã đào tạo những thế hệ kế tục xứng đáng làm cho Phật giáo Hội An, Quảng Nam khởi sắc, ổn định và phát triển song hành cùng với Phật giáo các tỉnh trong nước. Đối với Dân tộc, tích cực tham gia vào công cuộc đấu tranh chung của dân tộc, che chở các cán bộ cách mạng góp phần đánh thắng các kẻ thù xâm lược, giải phóng quê hương Hội An, Quảng Nam. Đối với Văn hóa, một số ngôi chùa như Chúc Thánh, Phước Lâm, Viên Giác, Long Tuyền v.v… lần lượt ra đời và trở thành những ngôi chùa Tổ đình có giá trị lớn về mặt kiến trúc, lịch sử - văn hóa. Đây còn là một địa điểm sinh hoạt tôn giáo đặc trưng của phái Lâm Tế Chúc Thánh, góp phần làm phong phú thêm đời sống tôn giáo Hội An.

          Tóm lại, việc nghiên cứu, tìm hiểu Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh ở Hội An là việc làm có ý nghĩa thiết thực, góp phần khẳng định những đóng góp của Thiền phái này đối với sự phát triển của Phật giáo Hội An, Quảng Nam. Qua việc tìm hiểu này tạo điều kiện để đi sâu vào nghiên cứu về thiền phái này đầy đủ hơn trong tương lai♥

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây