Củi Lao

Thứ năm - 15/05/2014 22:36
Khai thác sản vật tự nhiên là một hoạt động kinh tế có từ thời xa xưa và được bảo lưu liên tục đến ngày nay. Cư trú trong môi trường biển đảo giàu tài nguyên như Cù Lao Chàm - Hội An, hẳn nhiên việc đánh bắt thủy hải sản và khai thác lâm thổ sản để phục vụ cuộc sống trở thành hoạt động kinh tế chủ yếu và mang tính truyền thống của cộng đồng cư dân sinh cư lập nghiêp tại vùng đảo này trong lịch sử cũng như hiện nay.
Củi Lao
 Năm 1695, vị thiền sư nổi tiếng người Trung Quốc - Thích Đại Sán đến Đàng Trong theo lời mời của Chúa Nguyễn đã có dịp ghé thăm Cù Lao Chàm và ghi chép khá chi tiết về vùng đảo này trong tập Hải ngoại kỷ sự, trong đó có đoạn: “Ghé vào một nhà tranh nghỉ tạm, nhà cửa rất thấp, đi vào phải khom lưng để tránh khỏi đụng đầu. Kiểu nhà gần biển sợ gió thốc nên đều làm như thế... Dưới chân núi, một bãi cát bằng phẳng hình bán nguyệt. Có rải rác chừng non trăm chiếc nhà tranh, trừ những người già và trẻ con, có chừng 300 tráng đinh, dân nội tịch, sanh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi. Cá mắm bay mùi hôi, nhà nào cũng vậy. Núi toàn đá, cây cối rậm rạp, hoa quả khắp núi, làm đồ ăn cho chim chuột và mục đồng...”. Theo ghi chép này, vào thế kỷ XVII, “Hái củi” trở thành một trong những nghề chính của cư dân Cù Lao Chàm. Củi là loại nhiên liệu truyền thống chủ yếu để đun nấu thức ăn và dùng vào nhiều hoạt động sản xuất khác. Hiện nay, dù đã phát hiện, phát minh ra nhiều loại nhiên liệu, chất đốt mới nhưng củi vẫn không mất đi vai trò đối với cuộc sống của con người, nhất là đối với cư dân vùng thôn quê. Với độ che phủ khoảng 70% tổng diện tích và có nhiều chủng loại cây khác nhau, rừng Cù Lao Chàm quả là nguồn cung cấp gỗ, lá dồi dào cho xây dựng cũng như củi, lá làm chất đốt cho sinh hoạt và sản xuất. Một số tư liệu cho biết, trong con đường hàng hải quốc tế trên Biển Đông vào các thế kỷ trước đây, Cù Lao Chàm giữ một vị trí quan trọng, là điểm trung chuyển, trạm dừng chân để các thương thuyền tích trữ thêm lương thực, nước ngọt và củi đốt cho cuộc hành trình tiếp tục của mình. Trong chương viết về Quảng Nam, sách Đại Nam Nhất thống chí chép rằng: “Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển gọi là đảo Ngoạ Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm; dân phường Tân Hợp ở phía nam núi; ruộng trên núi có thể cày cấy; thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đỗ ở đây để lấy củi, nước.”.

          Trong lịch sử cũng như hiện nay, cư dân Cù Lao Chàm đi rừng hái/đốn củi vừa dùng để phục vụ nhu cầu của chính mình vừa để bán cho tàu thuyền hoạt động trên biển và cho cư dân trong đất liền tại các chợ ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn như chợ Hội An, Nồi Rang, An Lương. Củi rừng Cù Lao Chàm có độ toả nhiệt cao, cháy lâu và đượm nên được cư dân trong đất liền rất ưa chuộng và đặt cho một thương hiệu riêng “Củi Lao”. Có lẽ do được nuôi dưỡng bởi sinh khí của đất trời biển đảo nên cây cối ở Cù Lao Chàm có những thớ gỗ rắn chắc để tạo nên loại củi mang những đặc tính như vậy.
 

          Hiện nay, số người đi rừng đốn củi làm kế sinh nhai ít hơn so với trước đây và hoạt động không thường xuyên. Khu vực lấy củi chính là rừng cây bụi ở Hòn Lao. Những cây khô được đốn và chặt thành những đoạn ngắn chừng 60-70cm, sau đó buộc lại thành từng bó tròn với đường kính khoảng 40-50cm gọi là ót củi. Những bó củi này được bán cho cư dân địa phương hoặc chở từng chuyến ghe vào bán trong đất liền.

         Xưa kia những người làm nghề đi rừng đốn củi, thường gọi là “đi củi” chỉ được vào rừng khai thác củi sau khi trưởng xóm/làng cúng lễ khai truông ở cửa rừng vào sáng ngày mồng mười tháng Giêng. Tuy nhiên, cũng có một số người đi đốn củi mở hàng vào ngày mồng 4 hoặc mồng 6, khi đi họ mang theo một số lễ vật đến vị trí đốn củi để cúng rồi mới đốn nhát đầu tiên. Theo kinh nghiệm, đi rừng đốn củi phải ít nhất 2 người, đi đốn củi vào những ngày nắng ráo, từ sáng đến hết giờ Ngọ thì về, kiêng đi vào những ngày sóc, vọng và ngày 19 hằng tháng cũng như vào ngày lễ Thanh Minh, ngày vía ông, Tết Đoan Ngọ, tết Nguyên Đán. Những ngày mồng 5, 14, 23 hằng tháng không nên đi đốn củi ở những khu vực xa khu dân cư hay vào rừng sâu, núi cao. Khi vào rừng đốn củi họ cũng kiêng xoả tóc và mặc áo trắng bởi vì quan niệm rằng nếu không thì thần núi và các lực lượng siêu hình sẽ quở trách. Khi vào rừng không được quở cây này hoa kia đẹp, xấu, thú vật này, kia to, nhỏ... Trước khi ăn trái cây rừng chín phải hái và đặt nó dưới gốc cây đó vái xin các đấng siêu nhiên. Nếu gặp phải rắn, tít… hãy gọi là “có đũa bếp” để người khác biết. Họ cũng quy định rằng muốn đi về hãy gọi là “tới hỉ”, trả lời “tới” là đồng ý đi về, còn ngược lại là “chưa tới”.

         Đi rừng đốn củi là biểu hiện của một trong những yếu tố thuộc hình thái địa sinh thái - văn hoá, góp phần tạo nên tính đa dạng, những giá trị riêng của di sản văn hoá Cù Lao Chàm. Trong bối cảnh hiện nay, việc sưu tầm, nghiên cứu những yếu tố thuộc hình thái địa sinh thái - văn hoá nói chung, tri thức địa phương - bản địa nói riêng là hết sức cần thiết để hướng đến thực hiện hoàn thành mục tiêu chung về kinh tế, văn hoá, xã hội của mỗi địa phương cũng như của cả nước.
 
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây