Một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của Cù Lao Chàm là nghề đan võng ngô đồng. Có thể nói đây là một nghề độc đáo, chỉ có ở Cù Lao Chàm. Gắn liền với nghề này là tên tuổi của cụ bà Nguyễn Thị Môn, người dân địa phương vẫn hay gọi là bà Rài. Theo bà Môn, năm nay bà 92 tuổi, được sinh ra và lớn lên trên xứ đảo này. Từ năm lên mười hai tuổi, bà đã học nghề đan võng bằng cây ngô đồng. Cũng theo bà Môn, nghề này đã có từ rất lâu đời, vốn là nghề của người Chăm sinh sống tại đây, từ khi bà lớn lên đã thấy ông bà của mình đan võng rồi, nhưng khi đó chỉ đan để sử dụng trong gia đình. Như vậy, bà đã gắn đời mình với nghề đan võng suốt gần ba phần tư thế kỷ.
Từ lời kể của bà Môn, để đan một chiếc võng ngô đồng phải trải qua nhiều công đoạn rất vất vả. Trước tiên, muốn có nguyên liệu để đan võng thì bà Môn phải lặn lội lên rừng đốn cây ngô đồng. Cây ngô đồng là một loại cây thân gỗ, mọc rất nhiều ở núi Cù Lao Chàm. Nhưng phải chọn loại cây nhỏ vừa phải, chứ loại cây to thì không sử dụng được. Sau đó, đập để lấy lớp vỏ bên ngoài, ngâm nước suối 10 ngày, rồi lại tiếp tục tước bỏ lớp vỏ bên ngoài và đem phơi thêm một nắng là có thể dùng để đan võng. Đáng quan tâm nhất là công đoạn đan. Để đan được một chiếc võng ngô đồng, đòi hỏi người đan phải có đôi tay khéo léo và tỉ mỉ, có như vậy thì người đan mới kết nối những sợi ngô đồng lại với nhau mà không hề thấy múi nối.
Để có một sản phẩm như mong muốn, phải mất một tháng trời, với điều kiện nguyên liệu đã có sẵn. Nhưng đó là trong khoảng đời bà còn trẻ, còn giờ đây khi tuổi đã qua cửu tuần mặc dù với đôi tay nhuần nhuyễn, thuần thục nhưng không còn thoăn thoắt như xưa nữa nên thời gian lại kéo dài thêm. Thế nhưng, đôi tay chai cứng của bà vẫn không chịu ngừng nghỉ, hàng ngày bà vẫn ngồi cặm cụi kết nối những sợi ngô đồng lại với nhau để đan thành những chiếc võng tạo thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Cù Lao Chàm.
Dó là một nghề vất vả nhưng đem lại thu nhập thấp nên ít người trên đảo Cù Lao Chàm gắn bó với nghề đan võng ngô đồng xuyên suốt như bà Môn. Vì thế, cách đây khoảng vài ba năm, ở Cù Lao Chàm chỉ có hai mẹ con bà Môn còn duy trì nghề này. Cho đến khi du lịch ở Cù Lao Chàm phát triển thì nghề đan võng đã dần được khôi phục do có đầu ra và giá cả cao, cho dù thỉnh thoảng mới có một người khách bị hấp dẫn bởi những chiếc võng độc đáo này. Hiện nay số người đan võng đã được nhân lên gấp bốn năm lần, tuy nhiên con số vẫn còn đếm trên đầu ngón tay và tên tuổi của cụ Môn vẫn được nhắc đến đầu tiên khi có một ai đó hỏi đến nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền