Một vài suy nghĩ về giao lưu tiếp biến văn hóa phương tây ở Hội An

Thứ ba - 08/04/2014 05:29
         1. Giao lưu và tiếp biến văn hóa:
          Văn hóa phương Tây xuất hiện được người dân Hội An đón nhận với nhiều cảm nhận, thái độ: xa lạ, mới mẽ, hiện đại, nhưng trong đó có cả chứa đựng hoài nghi, phản kháng. Để những giá trị văn hóa phương Tây gần gũi hơn, tiện ích hơn trong đời sống văn hóa, người Hội An đã có cách để tiếp biến văn hóa phương Tây. Chúng tôi xin giới thiệu những đặc điểm chung:
          - Đầu tiên là sự tiếp thu văn hóa phương Tây một cách hồ hởi, hồn nhiên có tác dụng đẩy mạnh giao lưu văn hóa hai chiều. Một “cậu bé” - có thể là người Hội An nhiệt tình giúp đỡ A. De Rhodes học tiếng Việt, kết quả là cậu ta nhanh chóng bị ảnh hưởng những giáo lý Thiên chúa giáo, không lâu sau đó cậu ta trở thành người trợ giảng rồi cha đạo. Ngược lại, A. De Rhodes cũng đã bị ảnh hưởng nhiều văn hóa Việt Nam, văn hóa Hội An, vì vậy tự điển Việt - Bồ - Latinh mới ra đời, trong tác phẩm này ông đã phiên âm trung thực giọng đọc tiếng Việt theo người Hội An qua các từ : Ngọc = ngăọc; thóc = thăóc, gạo = gôạo. Đó là quan hệ giao lưu theo tinh thần bằng hữu, thầy trò. Còn có nhiều mối quan hệ hôn nhân Pháp  - Việt diễn ra trên đất Hội An sinh ra thế hệ con lai Pháp - Việt. Hiện vẫn còn mộ con người Pháp ở khối I, phường Thanh Hà, xây dựng năm 1930.
          - Người Phương Tây cũng tiếp thu văn hóa Hội An một cách thụ động nhưng về sau đã ăn sâu vào tâm thức họ hoặc trở thành hành động của họ. A. De Rhodes đã kể về bí quyết giáo dân Đàng Trong chữa bệnh dạ dày cho ông bằng cách mổ bụng cá lấy những con cá bé trong bụng đó đem rán lên. Cảm nhận của ông là “thế là tức khắc hết đau dạ dày ngay ... từ đó tôi đem ra thực hành và không bao giờ đau bệnh này nữa. Đối với giáo sĩ Borri và bạn ông, hai người đau bệnh dùng thuốc Tây, thầy thuốc Tây chữa không lành, họ đã được chữa bệnh chấn thương hiệu quả bằng kỹ thuật giải phẫu phương Đông của người Hội An, Đàng Trong. Những tường thuật trên của hai giáo sĩ đã cho thấy y học phương Đông được người Hội An, Đàng Trong sử dụng rất hiệu quả và có nhiều điểm vượt trội so với phương Tây lúc bấy giờ và được các giáo sĩ phương Tây tiếp nhận với tinh thần thán phục.     
         - Sự tiếp nhận văn hóa có chừng mực hơn dựa trên nền kết hợp văn hóa Hội An và văn hóa phương Tây để làm phù hợp hơn thậm chí là ưu việt hơn trong đời sống văn hóa tinh thần vật chất Hội An là điều rất phổ biến. Lấy nền nhạc phương Tây đưa vào ngôn ngữ và thi tứ Việt Nam, những nhạc sĩ Tân nhạc đầu tiên của Hội An đã cho ra đời nhiều bản nhạc có giai điệu mượt mà, sâu lắng hoặc sôi nổi, tha thiết mà ngôn từ đậm chất thi ca lãng mạn Việt Nam. Đáng kể đến là bài Xuân và tuổi trẻ do La Hối phổ nhạc, nhà thơ Thế Lữ đặt lời, bản Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn... Trong kiến trúc, kiến trúc truyền thống 3 gian hai chái, mái lợp ngói âm dương được người Hội An áp dụng vào những ngôi nhà công sở kiểu Pháp để biến thành 3 gian hai phòng lồi làm tăng không gian sử dụng mà vẫn đảm bảo mỹ thuật ở hệ mái như nhà số 2 Phan Châu Trinh. Trong những công trình nhà phố, vẫn phân bố không gian nhà theo kiểu truyền thống và sử dụng bộ vì kèo chồng rường nhưng được nâng lên về chiều cao để làm hệ chịu lực chính cho những ngôi nhà hai tầng mặt tiền kiểu Pháp để tạo thêm diện tích sinh hoạt. Một số nhà như 151 Trần Phú; 23, 85, 106 Nguyễn Thái Học nằm trong trường hợp này. Dưới góc độ tiện nghi sử dụng thì điều này ưu việt hơn so với những ngôi nhà cổ truyền thống có không gian chật chội, ẩm thấp.
          Đây là điểm quan trọng thể hiện hiệu quả của sự thẩm thấu văn hóa phương Tây ở Hội An. Thường thì người Hội An có sự  tiếp thu chọn lọc và thể hiện sự tinh tế để tạo nên những giá trị văn hóa dung hòa mà hữu ích, thúc đẩy sự biến chuyển tích cực, phục vụ thiết thực cho đời sống văn háo Hội An.
         
          2. Những yếu tố phản kháng:
          Mặc dầu văn hóa phương Tây có những đặc điểm nổi bậc và nhanh chóng được nhiều người Hội An tiếp biến, ứng dụng. Nhưng văn hóa Phương Tây nhất là văn hóa Pháp được đến Việt Nam theo con đường xâm lược, cai trị hà khắc hoặc nếu không thì vẫn có một bộ phận dân cư Hội An có tư tưởng bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc mà chống đối, phản kháng.
         Sự xuất hiện của các giáo sĩ phương Tây với những triết lý xa lạ với tinh thần nhân quả, luân hồi, đa thần của người phương Đông đã đem lại sự nghi kỵ cho nhiều dân chúng và họ thường bị dân chúng gán tội, phá phách, đuổi bắt mỗi khi trong làng xóm xảy những thiên tai, địch họa. Đó là chưa nói đến những sắc lệnh cấm đoán hành đạo, truyền giáo bất thường xuất phát từ các chúa Nguyễn, vua Nguyễn.
        Đến đầu thế kỷ XX, thời kỳ người Pháp đô hộ Hội An, một số trí thức thủ cựu, kháng Pháp đã cương quyết cự tuyệt tiếp thu văn hóa phương Tây mặc dầu lúc đó là những trào lưu mới, được coi là tiến bộ. Theo hồi ký Hội An - quê tôi của Minh Hương, ở phố cổ thời ấy đã có ông Sáu Ngọ, cậu Tư... là những người phản kháng văn hóa Pháp thuộc dạng này. Đây là cách phản kháng bất bạo động của những trí thức yêu nước ở Hội An. Đồng thời, ở Hội An cũng là nơi có phong trào, Duy Tân  - những phong trào kháng Pháp bất bạo động phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu có cụ Châu Thương Văn, người đã ủng hộ tích cực tài chính cho phong trào Duy Tân hay sự tham gia trực tiếp, ủng hộ của người dân Hội An cho đoàn biểu tình kháng thuế của nhân dân các huyện trong tỉnh tụ về Tòa Công sứ đấu tranh cả tháng trời. 
           Phản kháng bạo động lại được thể hiện quyết liệt hơn, nổi bật hơn và liên tục hơn. Trước tiên phải kể đến hoạt động kháng Pháp theo phong trào Cần Vương của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, người làng Thanh Hà, ông là Phó bảng, Hồng Lô Tự Khanh, giảng tập cho vua Kiến Phước. Khi  quân Pháp đô hộ nước ta, ông từ quan về quê, cùng Trần Dư, Phan Bá Phiến lãnh đạo nghĩa quân ở vùng Tây Quảng Nam đánh tập kích các đồn của quân Pháp sau đó bị quân Pháp vây bắt và xử tử năm 1887 tại Huế. Hưởng ứng phong trào Cần Vương kháng Pháp, ở Cẩm Phô, Kim Bồng cũng có Trần Trung Tri cùng nhiều nghĩa sĩ khác đã lập trại kháng Pháp nhưng sau đó cũng bị đàn áp và hy sinh. Phong trào kháng Pháp theo khuynh hướng cách mạng Vô sản nổ ra sôi nổi và khá sớm ở Hội An. Từ năm 1927 với sự ra đời của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng, sau đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ Quảng Nam, Đảng bộ Hội An, Hội An đã trở thành một trong 5 địa phương trong cả nước đấu tranh giải phóng giai cấp, dân tộc thắng lợi sớm nhất vào tháng 8/1945.
          Từ những sự kiện lịch sử nêu trên thể hiện rằng sự phản kháng văn hóa phương Tây của người Hội An là có sớm, đi đầu ở nhiều giai đoạn kể từ khi văn hóa Phương Tây xuất hiện ở Hội An. Điều này ngoài sự biểu hiện truyền thống anh hùng của Hội An mà còn là chứng minh tinh thần bảo vệ truyền thống văn hóa ở Hội An cũng khá mạnh mẽ.            

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây