Xin được dùng danh từ xứ Quảng để chỉ thành phố Đà Nẵng (Thành phố trực thuộc Trung ương) và tỉnh Quảng Nam vì trong lịch sử hình thành, phát triển, nhất là về mặt văn hóa dân gian thì hai địa danh này không thể tách rời nhau như cách chia tách đơn vị hành chính (1997). Nhà nghiên cứu, TS. Mai Bá Ấn khẳng định: “Theo lý thuyết văn hóa học, muốn xác định vị trí của một nền (vùng) văn hóa cần phải xác định bằng một hệ tọa độ ba chiều: Thời gian văn hóa, Không gian văn hóa và Chủ thể văn hóa. Trong đó, Không gian văn hóa là một “khái niệm mờ”. Nó dựa trên không gian lãnh thổ nhưng hoàn toàn không đồng nhất với không gian lãnh thổ mà chấp nhận những vùng giao thoa, chồng khít lên nhau giữa các dân tộc, các vùng miền lân cận nhau”.
Xét về mặt văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng thì Quảng Nam và Đà Nẵng là một vùng hoàn toàn thống nhất trong tâm thức văn hóa từ ngàn đời nay. Việc nghiên cứu văn hóa dân gian trong một phạm vi hẹp (tỉnh) là vô cùng khó khăn vì những đặc trưng của văn hóa hoàn toàn không phụ thuộc vào ranh giới hành chính. Quảng Nam - Đà Nẵng lại nằm trong phổ văn hóa Nam Trung bộ, với sự đồng nhất cao độ về mặt văn hóa dân gian nên không thể tách rời. Trên cơ sở đó, tất cả tư liệu dân gian và kết quả nghiên cứu đều là của chung cho cả Quảng Nam và Đà Nẵng.
Thể thơ của ca dao là lục bát có cấu trúc ưu việt và hoàn hảo. Cứ một câu sáu tiếng lại một câu tám tiếng xen kẽ đều đặn lẫn nhau với cả yêu vận (vần lưng) và cước vận (vần chân), luật bằng - trắc rõ ràng làm tăng tính nhạc, nhịp điệu êm đềm sâu lắng, ngọt ngào... Tuy vậy, theo bước chân của đoàn người Nam tiến trong lịch sử, vào đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế... ca dao đã bắt đầu có sự biến thể. Đến xứ Quảng, ta thấy những câu ca dao biến thể ngày càng xuất hiện nhiều và rõ ràng hơn. Từ miền núi xuống đồng bằng ra miền biển, đâu đâu ta cũng thấy, cũng nghe những bài ca, câu hát vượt hẳn ra cái khung lục bát. “Điều ấy, vừa là biểu hiện sinh động của sự biến đổi ngôn ngữ, cách bày tỏ, mà cũng là biểu hiện rõ ràng cho cái khí chất của con người ở vùng đất này, không ưng sự câu thúc, không thích cứ đi theo đường cũ. Điều cần chú ý ở lục bát biến thể là về số chữ, câu 6 không còn là 6 tiếng, mà có thể nhiều hơn 6 tiếng, còn câu 8 thì có thể có tới 10, 12, 14 tiếng. Cách gieo vần cũng khác, tuy có những câu vẫn giữ theo cách gieo vần của thể lục bát” (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, 2001, tr 158). Nắm bắt được đặc điểm này, giúp cả người nghiên cứu và người đọc không còn bỡ ngỡ trước những câu ca dao biến thể “phóng túng hình hài”, mới mẻ về vần điệu và luật bằng - trắc của người Quảng.
1. Giản dị, cần cù, chịu khó, tiết kiệm
Nói về tính cách người Quảng, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian, Nguyễn Văn Bổn khẳng định: “Những cuộc đời gian khổ trên sóng nước cứ thế kéo dài, chẳng có bao nhiêu hi vọng ở ngày mai. Vậy mà họ vẫn kiên trì chiến đấu với sóng gió, mưa bão bất thường để sống, để xây dựng vùng đất biển này. Cái sức sống ấy thực sự là một sức mạnh tiềm tàng, nhưng mãnh liệt” (Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 38). Do điều kiện sống khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, cộng với bản chất chăm chỉ chịu thương chịu khó của những người gốc Bắc. Cư dân Quảng Nam ngày nay “phần lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đại đa số, đều có quê gốc ở miền Bắc mà chủ yếu là vùng Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An và một số từ Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên... vào đây theo những đợt di dân khác nhau” (Nguyễn Văn Bổn (Biên soạn), Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 26). Cuộc di dân này bắt đầu từ thế kỷ XIV bởi cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân với sính lễ là hai vùng đất Châu Ô và Châu Rí (Từ phía bắc sông Thu Bồn đến Đà Nẵng). Sau đó tăng nhanh trong đợt di cư theo cha con Hồ Quý Ly vào năm 1402. Sau nữa là cuộc di dân theo Lê Thánh Tông (1471), chúa Nguyễn vào thế kỷ XVI và XVII... Tất cả, tạo nên cho người Quảng một đặc điểm tính cách nổi bật là: giản dị, cần cù, chịu khó, tiết kiệm. Đây là đặc điểm chung của người Việt Nam nhưng ở người Quảng, nó được hội tụ một cách đặc sắc và nổi bật hơn hẳn.
“Đầu hè có buồng chuối non,
Để dành xáo, ghế cho con ăn lần.
Khoai từ, khoai choái, khoai nần,
Còn một vạt bắp trước sân chưa già.
Với hủ sắn lát trong nhà,
Để dành xáo, ghế cho qua tháng ngày”.
Bằng biện pháp liệt kê, các sản vật đặc trưng của vùng đất mưa lụt, nắng cháy xuất hiện một cách tăng dần đều với: “chuối non”, “khoai từ”, “khoai choái”, “khoai nần”, “bắp”, “sắn”... Các động từ “xáo”, “ghế” thể hiện cách chế biến món ăn từ các sản vật ấy làm rõ tính cách của con người “Tối ăn khoai đi ngủ, sớm ăn củ đi làm”. Đặc biệt nhất là hai động từ “để dành” nằm ở đầu đoạn và cuối đoạn càng khắc sâu hơn nữa đặc điểm tính cách của người Quảng. Các nông sản được liệt kê là những cây trồng rất dễ tính, có khả năng sinh trưởng và cho sản lượng cao trên các vùng đất cằn cỗi khắc nghiệt dưới bàn tay cần cù của người lao động. Tất cả sự giản dị, chịu thương, chịu khó, tiết kiệm được gói gọn một cách khéo léo trong động từ “để dành”. “Theo giáo sĩ Christofoco (người Ý) đến đây năm 1681: Dưới con mắt của người ngoại quốc, người Đằng Trong siêng năng, ưa làm lụng, tránh sự ăn không ngồi rồi, đàn bà khéo dệt vải và làm bánh trái” (Nguyễn Chí Trung, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 84).
“Con cò lặn lội bờ sông
Cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù.
Bãi xa, sông rộng, sóng to,
Vì lo cái bụng đi mò cái ăn”.
Thông qua thủ pháp ẩn dụ, hình ảnh người lao động xứ Quảng được khắc họa bằng biểu tượng con cò với những đặc điểm ngoại hình chỉ có trong ca dao xứ Quảng: cổ dài, mỏ cứng, cánh cong, lưng gù để thích nghi với điều kiện công việc nặng nhọc, khó khăn... Dân gian xứ Quảng tỏ ra vô cùng sáng tạo khi lựa chọn và sử dụng hình ảnh ngoại giới để thể hiện đức tính cần cù, chịu khó của con người. Điều này tạo ra hiệu quả rất cao trong việc khắc họa hình ảnh, bản chất người lao động, hiệu ứng thẩm mỹ và biểu cảm đối với người đọc. Người Quảng không chỉ cần cù, chịu khó mà còn sẵn sàng đối mặt với sự hiểm nguy, mạnh mẽ chinh phục và kiên cường chiến thắng thiên nhiên. Điều này vốn đã được tiền nhân ghi nhận trong sách Đại nam nhất thống chí: “Học trò chăm học hành, nông phu chăm làm ruộng” vì chính bản thân họ ý thức rằng:
“Muốn no thì phải chăm làm,
Một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi”.
Muốn sống trên vùng đất này, không còn cách nào khác là phải cần cù lao động, tiết kiệm trong đời sống và chi tiêu. Mỗi con người phải tự học tập rèn luyện cho mình sức mạnh, bản lĩnh và kỹ năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
“Làm trai phải biết trăm nghề,
Phòng khi lỡ vận thì về mót khoai.
Mót được củ chạc củ chài,
Củ giắt ngang bụng, củ nhai tức thì”.
Đôi tay và khối óc người Quảng là sản phẩm hoàn hảo, đa năng, đa dụng của sự kết hợp giữa tạo hóa và trí tuệ vì thế có khả năng ứng phó nhanh chóng và ưu việt trong mọi tình huống xấu nhất “phòng khi lỡ vận thì về mót khoai”. Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ở họ luôn toát lên bản chất tiết kiệm, phòng xa “củ giắt ngang bụng, củ nhai tức thì”.
“Bồng con đi dạo vườn cà,
Trái mô non chấm mắm, trái mô già làm dưa.
Làm dưa dưa mặn dưa chua,
Để dành ăn hết đừng mua tốn tiền”.
Bản chất tiết kiệm, chịu khó là một nét đẹp đặc biệt trong tâm hồn người phụ nữ xứ Quảng. Đây là nguồn gốc của sự đảm đang, khéo léo, giản dị mà thanh khiết, đạm bạc mà thắm thiết. “Bồng con đi dạo vườn cà/ Trái mô non chấm mắm, trái mô già làm dưa” là một bức tranh thôn dã thật đẹp và đáng yêu với đường nét mộc mạc, màu sắc bình dị nhưng không kém phần tinh tế khi có sự kết hợp giữa màu áo nâu của người phụ nữ bên cạnh màu xanh vườn cà điểm những bông hoa tím. Câu ca dao: “Làm dưa dưa mặn dưa chua/ Để dành ăn hết đừng mua tốn tiền” là đỉnh điểm bản chất tiết kiệm, trở nên đáng thương như hình ảnh người đàn ông cần cù lao động, mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào dưới trời nắng chang chang: “Chú kia nhổ đậu trên nà/ Nước non chẳng có miệng đà lấm lem”.
“Tay nâng đĩa muối sàng rau
Đặt lên quảy mẹ ruột đau chín chiều”.
Hình ảnh mâm cơm cúng mẹ ngày giỗ chỉ với “đĩa muối” và “sàng rau” càng làm rõ hơn bản chất giản dị, cần cù, chịu khó và tiết kiệm. Người Quảng không chỉ giản dị trong đời sống, sinh hoạt và lao động hằng ngày mà còn giản dị trong quan niệm, trong suy nghĩ về mọi thứ, nhất là suy nghĩ về tình yêu và hôn nhân, hạnh phúc gia đình.
“Hai tay bứt dạt chè tàu,
Vừa đôi thì lấy nghèo giàu làm chi”.
Ở họ không có cái tinh tế, hào hoa, kín đáo tế nhị như người miền Bắc khi mượn cớ để làm quen: “Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen” mà rất giản dị, thật thà “Vừa đôi thì lấy nghèo giàu làm chi”. Tình yêu của họ luôn gắn với lao động và nảy nở, phát triển cùng lao động.
“Mưa từ Bà Rén mưa ra,
Mưa khắp thiên hạ, mưa qua Cẩm Hà.
Đôi ta không cửa không nhà,
May mô lại gặp cũng là nợ duyên”.
Mỗi đôi nam nữ gặp gỡ và yêu thương bao giờ cũng gắn với một hoàn cảnh cụ thể, gắn với lao động nông nghiệp. Họ thương yêu vì đồng cảm với hoàn cảnh của nhau “đôi ta không cửa không nhà” và đến với nhau để cùng nhau chia sẻ, vượt qua mọi khó khăn “Tội chi đứng sá ngồi đàng/ Sương sa lụy nhỏ, cảm thương hàn ai nuôi” và vươn tới hạnh phúc đơn sơ, bình dị...
2. Lạc quan, yêu đời, tự hào về quê hương đất nước
Có thể nói tinh thần lạc quan, yêu đời tạo nên sức mạnh phi thường cho con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này đặc biệt đúng với người Quảng - những cư dân sống trên vùng đất cằn cỗi quanh năm lũ lụt, mưa nắng, bão gió thất thường. Họ đã và đang mạnh mẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thiên nhiên và ngoại xâm là nhờ một phần rất lớn vào sự lạc quan, yêu đời luôn chất chứa trong tâm hồn họ.
“Vốn xưa anh ở trên trời,
Đứt dây rơi xuống mới làm người trần gian.
Vốn xưa anh vẫn đi hàn,
Nồi đồng mâm rách, ai muốn hàn đem ra.
Anh hàn từ nồi bảy tới nồi ba,
Con gái mười tám đem ra anh cũng hàn.
Cô này to lỗ tốn than,
Đồng đâu mà đổ cho tràn lỗ ni.
Hết đồng anh lại pha chì,
Anh hàn chín tháng thì làm gì không có thai.
Sinh ra được thằng con trai,
Về sau nối nghiệp gặp ai nó cũng hàn”.
Những câu ca dao về anh thợ hàn nói riêng và người Quảng nói chung đầy lạc quan, vui vẻ và hài hước. Người đọc thực sự bất ngờ và đầy thú vị ngay từ những câu đầu tiên, giới thiệu về thân thế người thợ hàn “Vốn xưa anh ở trên trời/ Đứt dây rơi xuống mới làm người trần gian”. Đây chỉ có thể là kiểu suy nghĩ và diễn đạt của những tâm hồn vui vẻ, trẻ trung, yêu đời. Các động từ “đứt dây”, “rơi xuống” được đặt liền kề nhau càng tăng tính hài hước và bất ngờ. Người đọc mà nhất là người đọc không phải ở xứ Quảng thì thật sự bị cuốn hút vào công việc của anh thợ hàn: “Nồi đồng mâm rách, ai muốn hàn đem ra/ Anh hàn từ nồi bảy tới nồi ba” để rồi bất ngờ bật cười đến mức không thể ngừng lại được với câu nói đầy hài hước tinh nghịch và táo bạo: “Con gái mười tám mang ra anh cũng hàn”. Sở dĩ, người đọc không thể ngưng tiếng cười là vì các hình ảnh mang tính ám thị đầy hài hước liên tục được đưa ra: “Cô này to lỗ tốn than/ Đồng đâu mà đổ cho tràn lỗ ni/ Hết đồng anh lại pha chì/ Anh hàn chín tháng thì làm gì không có thai”. Đỉnh điểm của bản tính lạc quan, vui vẻ, yêu đời, hài hước và dí dỏm của người Quảng được kết tinh ở câu cuối: “Sinh ra được thằng con trai/ Về sau nối nghiệp gặp ai nó cũng hàn”. Đặc biệt, là chữ “hàn” không còn là một động từ chỉ hoạt động mà trở thành một động từ ám thị, người đọc không cần phải ngẫm nghĩ cũng có thể hiểu ngay ra được ý đồ hài hước và tinh nghịch của dân gian.
“Những người thở ngắn than dài
Nghĩ đời sầu khổ, hơn ai bao giờ”!
Vốn có bản chất lạc quan, vui tươi, yêu đời luôn tin tưởng vào cuộc sống, người Quảng không thích những người u buồn, thiếu niềm tin, ghét những người hay than thở, yếu đuối trước cuộc sống. Muốn vượt lên và thành công trong cuộc sống con người cần nghị lực, trí tuệ, cần cù, chịu khó, kiên cường...nhưng không thể thiếu được bản chất lạc quan, vui vẻ, yêu đời. Nếu không có được hoặc đánh mất điều đó, con người sẽ lún sâu vào vũng lầy sầu khổ, đau thương. Bên cạnh bản chất lạc quan, yêu đời, người Quảng từ ngàn xưa cho đến nay còn luôn tự hào về quê hương nói riêng và truyền thống dân tộc nói chung.
“Quảng Nam là đất quê mình,
Núi đồi, sông biển rành rành từ lâu.
Thương yêu đùm bọc trước sau,
Cùng trong Đại Việt chung nhau cơ đồ”.
Niềm tự hào về đất và người xứ Quảng luôn được đặt trong mối quan hệ biện chứng với đất nước như mẹ với con, như máu với thịt. Đây cũng là một điểm sáng trong tâm hồn người Quảng. Đó là tinh thần đại đồng, bác ái, đoàn kết, không phân biệt vùng miền. Trên cơ sở đó, người Quảng cũng ý thức cao độ về địa giới của mình trong mối quan hệ ân tình với các tỉnh anh em. “Bắc Thừa Thiên giáp Hải Vân/ Nam thì Quảng Ngãi giáp gần núi Phong/ Tây thì giáp bến sông Bung/ Rừng cao rừng thấp, mấy tầng núi xanh/ Đông thì biển rộng thênh thênh/ Đất đai trăm dặm rành rành như ghi”. Trong phạm vi này, người Quảng luôn tự hào về quê hương mình.
“Đá than thì ở Nông Sơn
Bông Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía tre Đa Hòa
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng”.
Mặc dù là một vùng đất cằn cỗi, khắc nghiệt nhưng người Quảng vẫn đầy tự hào về các sản vật, nghề và làng nghề của quê hương mình như: “vàng”, “chè”, “mía”, “bông”, “ngói Thanh Hà”, “mộc Kim Bồng”, “rừng Ô Gia”, “đúc Phước Kiều”, “Lụa Duy Xuyên”… Trong sách Loại Ngữ, Lê Quý Đôn viết: “Các núi ở phủ Thăng Bình đều có sản xuất vàng…ở đảo Đại Chiêm có yến, ở nguồn Thu Bồn có quế, huyện Diên Phước có được thạc khối, đường băng hoa, đường đen, đường mật… Ở nguồn Ô Gia có sáp ong, tại nguồn Chiêm Đàn có mật ong… Lại có danh mộc rất nhiều, hải sản cũng lắm” (Dẫn theo Nguyễn Chí Trung, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 82).)
“Điện Bàn gạo trắng nước trong,
Hễ ai đến đó thì không mong về.
Một mai mai một có về,
Tay bồng tay bế, đề huề thất gia”.
Với những sản vật từ thiên nhiên và bàn tay khối óc con người tạo ra, người Quảng luôn tự hào và tự tin mà khẳng định với mọi người rằng đây là vùng đất không chỉ nuôi sống mà còn là nơi hấp dẫn để mọi người có thể gắn bó cả đời và xây dựng gia đình, sự nghiệp đề huề, sung túc.
“Học trò trong Quảng ra thi,
Mấy cô gái Huế chân đi không đành.
Võ Huy, Võ Uất, Võ Hoành,
Quảng Nam ba Võ kinh thành đều ghê”.
Tự hào về quê hương bao nhiêu, họ càng hãnh diện về con người xứ Quảng bấy nhiêu. Những chàng trai xứ Quảng hiền lành, chất phác, chăm chỉ, phong trần đi đến bất cứ nơi đâu cũng làm mê đắm tâm hồn người. Những con người kiệt xuất như: Võ Huy, Võ Uất, Võ Hoành không chỉ có danh tiếng và được nhiều người ở kinh thành nể trọng mà còn có phạm vi ảnh hưởng sâu sắc trên cả nước. Đất Quảng còn là nơi sinh ra “Ngũ phụng tề phi” và nhiều danh nhân kiệt xuất. “Nói đến xứ Quảng – Quảng Nam, người đọc sử - hậu thế không khỏi ngưỡng mộ về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”; nơi yết hầu quan trọng đối với công cuộc Nam tiến mở mang, phát triển đất nước của dân tộc Việt của các chúa Nguyễn đằng trong và các vua triều Nguyễn; nơi sinh ra nhiều danh nhân chí sĩ yêu nước của dân tộc: Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Châu Thượng Văn, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài; quê hương của Ngũ Phụng tề Phi, tiến sĩ Phạm Tuấn, tiến sĩ Phạm Liệu, tiến sĩ Phan Quang, phó bảng Dương Hiển Tiến, phó bảng Ngô Lý (Ngô Chuẩn) ...; Rồi Quảng Nam của chiến khu Nam Ngãi nổi tiếng đánh Pháp năm xưa, cho đến những năm tháng “Trung, dũng, kiên cường đi đầu diệt Mỹ”(Nguyễn Chí Trung, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 79)...
“Khi mô vật đổi sao dời,
Đất Quảng Nam hết nước mới hết người tài hoa”.
Ở bất cứ thời kỳ nào, đất Quảng cũng là nơi sinh ra biết bao người tài hoa, kiệt xuất. Người Quảng luôn tự hào: cho đến khi nào trái đất vẫn còn tồn tại, sự sống vẫn cứ sinh sôi thì đất Quảng vẫn còn nhiều người tài hoa. Tự hào về quê hương, đất nước mình, người Quảng luôn biến nó thành những hành động thiết thực. Đúng như bản chất trọng tình nghĩa, thật thà, ngay thẳng, nói ít, làm nhiều...
“Nương dâu xanh thắm quê mình,
Nắng lên Gò Nổi, đượm tình thiết tha.
Con tằm dệt kén cho ta,
Tháng năm cần mẫn làm ra lụa đời.
Tiền dư thì bớt ăn quà,
Để may chiếc áo gửi ra chiến trường.
Áo dư chớ chất đầy rương,
Nỡ quên chiến sĩ gió sương lạnh lùng”.
Những con người cần cù, thật thà, chất phác, tiết kiệm chỉ có thể là những người hiền từ, yêu hòa bình, yên ổn để ngày đêm miệt mài trên mảnh đất quê mình, chăm sóc cho “nương dâu xanh thắm”, nong tằm nhả tơ, dệt nên tấm lụa cho đời no ấm, an vui. Nhọc nhằn, khó khăn và tiết kiệm từng hạt bắp, ngọn rau nhưng vì trách nhiệm với quê hương đất nước khi bị giặc cướp bóc, không cần phải ai nhắc nhở, không cần ai kêu gọi. Đàn ông - trai tráng tự nguyện băng mình vào nơi lửa đạn nguy hiểm nhất để chiến đấu bảo vệ đất đai, mồ mả và truyền thống cha ông mình. Phụ nữ ở nhà đã tần tảo sớm hôm lại càng cố gắng nhiều hơn nữa để vừa thay chồng làm ra hạt bắp, củ khoai nuôi dưỡng mẹ già - con thơ vừa góp một phần gửi ra chiến trường. “Chỉ có những con người với những tình cảm sâu đậm, nặng nghĩa, nặng tình, thủy chung, son sắt như thế mới dành cho cách mạng một sự cống hiến lớn lao và cao cả đến vậy, là biểu hiện cụ thể về tính chất kiên cường và thái độ yêu ghét rõ ràng của người dân xứ Quảng”(Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 211).
“Con ơi nín ngủ đi con,
Cha con trả nợ nước non chưa về.
Đau thương chồng chất tràn trề,
Vì quân gian ác bội thề nước non.
Thương chồng mẹ giữ lòng son,
Thủy chung sắt đá không mòn thời gian”.
Đôi vai gầy guộc mong manh của người phụ nữ xứ Quảng cùng một lúc phải đảm nhận hai gánh nặng. Một là của chính mình từ bao đời nay vẫn thế hai là của người chồng đã từ giã gia đình lên đường đi cứu nước. Không chỉ nỗi cực khổ, vất vả tăng lên gấp ba lần mà họ còn phải gánh chịu bao đau thương vì sự dã man, tàn ác, bất lương của quân cướp nước và bán nước. Dẫu có bị đọa đày đến tột cùng nỗi thương đau, họ vẫn giữ trọn tấm lòng son sắt, thủy chung bởi tinh thần lạc quan, yêu đời, tự hào về quê hương đất nước luôn chất chứa trong tâm hồn.
3. Trọng tình nghĩa, thủy chung, tin tưởng vào tương lai và chính mình
Điều đặc biệt và thú vị nhất của các nhà khoa học khi nghiên cứu về văn hóa, văn học xứ Quảng là mặc dù luôn sống trong cảnh cực khổ, thiếu thốn, đói rách quanh năm nhưng người Quảng lại rất coi trọng tình nghĩa, tin tưởng vào tương lai và chính mình. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn ghi nhận “Cuộc đời của người dân vùng cát Quảng Nam khổ nhiều hơn sướng, đói khát nhiều hơn no đủ, nhưng tấm lòng của họ vẫn tràn đầy nghĩa tình và vẫn tin vào ngày mai. Điều ấy quả thật là một sự kỳ diệu” (Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, 2001, tr 42).
“Nghèo tiền, nghèo của không nghèo,
Nghèo nhơn, nghèo nghĩa oán theo có ngày”.
Ở đâu có người Quảng, ở đó có “sự kỳ diệu” này. Mặc dù sống trên mảnh đất “chưa mưa đã thấm”, chưa nắng đã cháy da, quanh năm vất vả, đói, rách nhưng chưa bao giờ họ coi việc thiếu thốn về mặt vật chất “tiền”, “của” là “nghèo”. Cái nghèo thực sự chỉ đến khi thiếu đi cái “nhơn”, cái “nghĩa”. Đây là thứ cốt yếu, quan trọng và cần thiết nhất trong đời sống của họ. Có “nhơn”, có “nghĩa” con người trở nên giàu có, thanh tao, đáng kính, đáng nể. Đây vừa là chuẩn mực đạo đức, vừa là triết lý sống cao đẹp của người Quảng. Nó có vai trò bảo vệ và duy trì đời sống con người, và hướng dẫn dư luận xã hội... Nếu thiếu đi cái “nghĩa”, cái “nhân” thì toàn bộ nhân cách, đạo đức, các mối quan hệ, đời sống của con người và xã hội sẽ bị dồn vào thế chênh vênh như đứng một chân trên bờ vực thẳm... Vì thế, người Quảng luôn nhắc nhở con cháu và tự nhủ chính mình bằng bài học giản dị.
“Làm người phải nhớ cha ông,
Như cây có cội như sông có nguồn.
Bà con vì tổ vì tiên,
Không phải vì tiền, vì gạo người dưng”.
Bài học làm người đầu tiên và đơn giản nhất là phải nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha ông, phải biết tổ tiên, cội nguồn của mình. Tôi chưa bao giờ được thấy ở bất cứ nơi đâu mỗi khi có giỗ quãy, hậu mã...mà con cháu cả nội lẫn ngoại dù đang công tác, sinh sống hay làm ăn ở bất cứ nơi đâu cũng bằng mọi cách sắp xếp công việc, tranh thủ thời gian về với ông bà, tổ tiên, họ, tộc một cách đầy đủ, đông vui, ân tình và đầy trách nhiệm như ở xứ Quảng. Trân trọng tình nghĩa gia đình, làng xóm, bà con, dòng họ... đã trở thành sợi dây liên kết, thành ánh sáng soi đường, thành lời thầm thì kêu gọi người Quảng trở về với ân tình xứ Quảng. Phương châm sống cao đẹp: “Bà con vì tổ vì tiên/ Không phải vì tiền, vì gạo người dưng” đã tạo nên tính cách, nét đẹp tâm hồn của người Quảng. Dù có phải vất vả mưu sinh ở bất cứ nơi đâu, họ vẫn ngày đêm hướng về quê hương, về gia đình, người thân và bà con lối xóm.
“Ngó lên Hòn Kẽm, Ðá Dừng Thương cha, nhớ mẹ, quá chừng bậu ơi, Chiều chiều, ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”.
“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn, nước mắt và trộn cơm”.
Quê hương nơi xa ấy là “Hòn Kẽm”, “Đá Dừng” quanh năm mây phủ, là “Sơn Trà” âm vang tiếng sóng… Ở đó, có cha, có mẹ, có anh, chị em, có cô gái nhà bên thưở nhỏ tắm mưa mà ta thương thầm nhớ vụng, có những người hàng xóm thật thà, mộc mạc nhưng ân tình “tối lửa, tắt đèn có nhau”… Tất cả luôn hiện hữu trong tâm hồn, trong suy nghĩ làm cho nỗi nhớ của ta luôn cháy bỏng, làm cho tình nghĩa trong ta càng nhiều đến mức “ruột đau chín chiều”. Vì thế, dẫu cho:
“Cuộc đời lắm lúc đổi thay,
Nhưng tình quê chẳng đổi thay bao giờ.
Cẩm An xinh đẹp như thơ,
Có dòng sông nhỏ bên bờ dừa xanh”.
Trọng tình nghĩa là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi biến cố của cuộc đời, lịch sử và xã hội để sống thủy chung, son sắt, vẹn toàn.
“Bao giờ Cầu Mống gãy đôi, Sông Thu hết nước, em mới thôi thương chàng”.
“Bao giờ con sóng bỏ ghềnh
Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”
Dùng cái khách quan để nói cái chủ quan, lấy cái vô hạn để diễn tả cái hữu hạn là một biện pháp vô cùng sáng suốt, hiệu quả và biểu cảm cao của dân gian xứ Quảng. Dùng các danh-động từ chỉ thực thể khách quan tồn tại vĩnh hằng và vô hạn: “sông Thu hết nước”, “con sóng bỏ ghềnh”, “Cù lao bỏ biển”… để bất tử hóa, vĩnh hằng hóa tình yêu đôi lứa thì đúng là một tuyệt chiêu trong nghệ thuật diễn đạt. Chưa bao giờ lòng thủy chung, tình yêu son sắt của con người lại được thể hiện một cách tinh vi, điêu luyện và sống động đến như vậy.
“Trăm năm lòng gắn dạ ghi,
Dầu ai đem bạc đổi chì cũng không.
Trăm năm một gánh non sông,
Dầu ai xe ngựa cũng không đổi dời”.
Bản chất thủy chung của người Quảng được thể hiện trong mọi phương diện cuộc sống. Thủy chung trong tình yêu đôi lứa, tình cảm quê hương, xóm làng. Thủy chung với đất nước, với dân tộc... Cha ông ta thường nói “Một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”. Điều này càng được thể hiện rõ nét hơn trong tâm hồn người Quảng “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đà say/ Thương nhau chưa đặng mấy ngày/ Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi”. Dù chung sống, ăn ở với nhau chỉ một ngày hay đơn giản chỉ là một lời hẹn ước thì người Quảng không thể nào quên được. Dẫu có bao cám dỗ: “đem bạc đổi chì”, “xe ngựa” thậm chí là cái chết cũng không thể nào làm cho họ thay đổi vì “Trăm năm lòng gắn dạ ghi”. Tính cách trọng tình nghĩa, son sắc, thủy chung của người Quảng luôn đi đôi với sự tin tưởng vào tương lai và chính mình.
“Đừng buồn gặp buổi trắng tay,
Đi mua gạo chịu có ngày ngựa xe”.
Lúc rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, tưởng như con người sẽ mất hết nghị lực và niềm tin, cũng chính là lúc niềm hi vọng vào tương lai của người Quảng phát sáng, vực họ đứng lên, vượt qua “buổi trắng tay”, đối mặt và chống lại bi kịch bằng cách “đi mua gạo chịu” để nhìn thẳng và tiến về tương lai với lòng quả quyết “có ngày ngựa xe”. Để điều đó dần trở thành hiện thực, tự bản thân mỗi con người phải nỗ lực chiến đấu và chiến thắng mọi khó khăn, thử thách. “Tin vào chính mình, tin vào sức lao động cần cù của mình, đó là một triết lý sống giản dị, chơn chất nhưng vô cùng thực tiễn” (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, Tr 53).
“Chớ nên trông đợi ở trời,
Hãy tin vào sức con người sớm trưa”.
Sinh ra đã thấy cát trắng hoang vu, mưa rát mặt, nắng phơi nâu dáng người, chưa quen với con chữ đã quen với việc nhà, việc đồng áng, người Quảng tự ý thức được rằng chỉ có mình mới giúp được chính mình và mình chỉ có thể trông đợi vào chính mình mà thôi. Trông đợi vào người khác là một điều ngu xuẩn vì “Muốn no thì phải chăm làm/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho”, trông đợi vào trời lại càng ngu xuẩn hơn vì đó là hành động “Há miệng chờ sung rụng”. Chỉ có chính bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó của mình mới có thể đem lại cho mình miếng cơm, manh áo... Một nhà tâm lý học đã nói rằng: Niềm tin là thứ quý giá nhất trong số tài sản ít ỏi mà không phải ai cũng có được. Có niềm tin sẽ dần có được những thứ khác, thậm chí là có tất cả. Không có niềm tin, những thứ đã có sẽ biến mất và không bao giờ có thêm bất cứ thứ gì. Nhờ có niềm tin vào tương lai, tin tưởng vào chính mình mà bao đời nay người Quảng luôn nổi tiếng là những người kiệt xuất hơn hẳn, trung dũng, kiên cường, thông minh, sáng tạo... trong mọi mặt đời sống, xã hội mà nhất là trong lao động và chiến đấu chống ngoại xâm.
4. Cương trực, thẳng thắn, ham học hỏi
Bàn về tính cách người Quảng, sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Quân tử thì giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh, tiểu nhân thì khí khái mà hay kiện tụng. Dân ven núi sinh nhai về nghề hái củi, đốn cây mà tính chất phác, dân ven biển sinh nhai về nghề tôm cá, mà tính tình nóng nảy”(Dẫn theo Giáo sư Trần Viết Ngạc, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 237). Việc “hay kiện tụng” là biểu hiện rõ nhất của tính cương trực, thẳng thắn. Chính nó tạo nên một đặc điểm nổi bật của người Quảng trong giao tiếp, cũng như trong công việc hằng ngày. “Nói đến người Quảng Nam là nói đến một số nét tính cách khá điển hình như bộc trực, chất phác, thẳng thắn, ít biết quanh co”(Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 206).
“Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Ðịnh nằm co, Thừa Thiên ăn hết”...
Nói về đặc điểm “hay cãi”, cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân viết: “Người Quảng Nam không giống đồng bào ta ở nhiều tỉnh là ít nặng về cảm tính mà nặng về lý tính. Do nặng suy tư muốn tìm ra lẽ phải cuối cùng (mà ít khi đạt được), người Quảng Nam hay bàn luận và thiên về bàn luận có khi đến xô xát, quyết liệt dầu phải dẫn tới mất mát quyền lợi quan trọng nhất đời” (Sức sống văn hóa xứ Quảng, Nxb Hội Nhà văn, 2011). Người Quảng hay tranh luận, nhiều khi tranh luận một cách gay gắt, nảy lửa không phải vì họ thích lý sự mà xuất phát từ bản tính cương trực thẳng thắn. Họ không chấp nhận những điều chưa rõ ràng, chưa đi đến sự thật cuối cùng. Nghiên cứu đặc điểm này, Mai Văn Mô giải thích: “Rõ ràng, không phải ngẫu nhiên mà con người Quảng Nam được mệnh danh là con người “hay cãi”. Điều này vừa biểu hiện khí tiết, bản lĩnh của con người xứ Quảng, đồng thời còn chứng tỏ sự hiểu biết, của cái tư duy thiên về mặt lý luận của họ. Bởi vì, nếu không có hiểu biết, không có cơ sở, không có lý, không có bản lĩnh thì cũng không thể nào cãi được”(Mai Văn Mô, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 208). Đây cũng là biểu hiện của tinh thần cương quyết đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong đời sống và xã hội.
“Thấy ăn chạy đến nhận phần,
Còn thấy việc mần thì bỏ chạy xa”.
Mọi hành động, biểu hiện dù là nhỏ nhất của những thói xấu trong mọi mặt đời sống, thói quen và nhân cách của con người đều bị người Quảng kịch liệt lên án một cách thẳng thắn và từng bước loại trừ nó. “Đối với người dân xứ Quảng, sống đẹp chính là phải biết làm điều lành, tránh điều ác; biết chống lại cái xấu, chống lại sự bất công” (Nguyễn Văn Bổn, Văn học dân gian Quảng Nam (Miền biển), Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 54).
“Khoai lang củ sượng, củ trân, Siêng ăn nhác mần lại lựa củ to. Một em nói rằng thương, Hai em nói rằng nhớ, Trách ông trời làm lỡ duyên anh, Anh ngồi gốc cây chanh, Anh đứng cội gốc cây dừa, Nước mắt anh nhỏ như mưa, Ướt cái quần cái áo, Cái quần anh vắt chưa ráo, Cái áo anh vắt chưa khô, Thầy mẹ gả bán khi mô, Tiếc công anh lặn suốt giang hồ, Trời cao anh kêu không thấu, Đất rộng anh kêu nỏ thong, Những người bòn của bòn công, Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về”.
Cái xấu, không chỉ bị người Quảng nhất quyết loại bỏ trong đời sống hằng ngày mà cả trong quan hệ tình cảm, nhất là trong tình yêu. Dù tình nghĩa sâu nặng, dù anh đã phải tốn biết bao tâm sức để vun đắp cho tình yêu. Mặc dù “Tiếc công anh lặn suốt giang hồ” để tìm được em, nhưng khi phát hiện em không phải là một cô gái ngoan hiền, thật thà, thủy chung, trong sáng như bao cô gái xứ Quảng khác mà sự thực chỉ là một trong số “Những người bòn của bòn công” thì anh quyết dứt ruột “Nam mô A Di Đà Phật, anh phủi tay không anh về”. Trên cơ sở đó, người Quảng đưa ra quan niệm sống:
“Đừng khôn ngoan, chớ vụng về,
Đừng để ai lận, chớ hề lận ai”.
Đây là lối sống hài hòa trong mọi mối quan hệ gia đình, dòng họ và xã hội. Người Quảng không chấp nhận những con người có cách sống “khôn ngoan” – quỷ quyệt, chỉ biết đến cái lợi của cá nhân mình mà quên đi, thậm chí chà đạp lên quyền lợi của người khác. Ngược lại, cũng không nên quá khờ khạo, vụng về để cho người khác có cơ hội lợi dụng hay làm điều xấu. Sống trên đời phải sáng suốt, phải biết phân biệt phải – trái, đúng – sai, tốt – xấu để không ai có thể lừa gạt được mình. Phải cố gắng sống cho thật tốt, thật nhân từ, giữ tròn đạo của người lương thiện “chớ hề lận ai”. Rõ ràng, đức tính cương trực, thẳng thắn là yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến cách sống, lối ứng xử giữa người với người trong mọi mối quan hệ của người dân xứ Quảng. Họ làm được tất cả những điều kể trên là nhờ bản chất hiếu học.
“Không tham bị lúa anh đầy
Tham ba hàng chữ làm thầy thế gian”
“Không phải đến bây giờ chúng ta mới khẳng định truyền thống hiếu học, học giỏi và thành đạt của người Quảng Nam, mà cách đây một thế kỷ, sử triều Nguyễn đã nhận xét Quảng Nam là một vùng đất “núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh, dễ học”. Ngày nay cũng vậy, học trò Quảng Nam đi học xa ở Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội…thường được các thầy cô cùng các bậc trí giả khác khen ngợi, khích lệ” (TS. Ngô Văn Minh, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 242). Quý chữ nghĩa, trân trọng người thầy, quý yêu người có học là đặc điểm nổi bật trong tính cách của những con người nơi đây. Cùng với nhân cách, đạo đức, người Quảng coi tri thức là những tài sản quý giá nhất của con người. Đối với họ, học không chỉ trong nhà trường mà phải học mọi lúc, mọi nơi ngoài xã hội, trong cuộc sống, từ những người sống quanh mình… “Chính vì hiếu học, học giỏi nên Quảng Nam có nhiều trí thức. Căn cứ vào Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều Đăng khoa lục ghi lại các khoa thi dưới triều Nguyễn, chúng tôi làm một bảng thống kê với các con số như sau: Trong số 32 khoa thi Hương ở trường Thừa Thiên từ năm 1817 đến 1918 có tất cả 911 người đăng khoa, thì trong đó Quảng Nam có tất cả 252 người đỗ liên tiếp cả 32 khoa, chiếm tỷ lệ 27,7% tổng số người thi đỗ trường này, bằng 5,9% số người thi đỗ trong cả nước”… “Về đại khoa, Quảng Nam có 14 vị tiến sĩ và 25 vị phó bảng trong tổng số 558 vị cả nước” (TS. Ngô Văn Minh, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 244).
Với những đặc điểm tính cách nổi bật cộng với trí tuệ và lòng quyết tâm, ngày nay xứ Quảng không còn nghèo nàn, thiếu thốn như xưa mà đã trở nên phồn vinh, tươi đẹp. Đà Nẵng trở thành một trong ba thành phố phát triển và hiện đại nhất Việt Nam. Hội An không chỉ được người dân trong nước mà khắp thế giới biết đến như là một thành phố của nền văn hóa Việt đặc sắc với những di sản vật thể và phi vật thể độc đáo... “Phố cổ Hội An như một biểu trưng văn hóa truyền thống và hội nhập, đồng thời cũng là điển hình cho một phong cách văn hóa thương mại và công nghệ, một hướng suy nghĩ, một cách làm ăn có thể gợi ra nhiều bài học để phát triển kinh tế thương mại trong “thời mở cửa” hôm nay”(TS. Phan Ngọc Thu, Văn hóa Quảng Nam những giá trị đặc trưng, Kỷ yếu hội thảo 2011, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam, tr 76). Nhận xét về sự phát triển của xứ Quảng, Lê Phước Trịnh viết: “Trên vùng cát trắng mênh mang, những khu nhà mọc lên. Từ xa trông như những ngôi biệt thự tươi tắn giữa vùng cát đầy gió lộng. Đó là những xí nghiệp tuyển rửa cát và một công nghệ mới là công nghệ tuyển rửa cát xuất khẩu” (Những lối đi trên cát, Tạp chí Văn hóa Quảng Nam, số 11 (Tháng 10/1998).
Trên đây, là những kết quả thu được từ việc tìm hiểu tính cách của người Quảng bằng nguồn tư liệu ca dao của cá nhân tôi. Việc nghiên cứu một cách có hệ thống và quy mô về vấn đề này là một vấn đề rất cần thiết và thú vị đối với các nhà khoa học và những người yêu mến văn hóa, con người xứ Quảng. Nó là cơ sở, là nền tảng, có vai trò định hướng cho quá trình xây dựng và phát triển mọi mặt: kinh tế, chính trị, giáo dục... mà nhất là văn hóa, xã hội và du lịch xứ Quảng.