Mộ người Nhật trên đất Hội An

Thứ năm - 10/04/2014 22:32
Họ là nông dân, nhưng là những nông dân hiểu biết của phố Hội. Có gia đình đã 4 đời thay nhau chăm sóc, hương khói những ngôi mộ cổ người Nhật; có người chỉ mới “tiếp quản” công việc chỉ mới năm, bảy năm nay…

Người bạn là hướng dẫn viên những tour du lịch của người Nhật cho tôi biết, người Nhật Bản nào khi đến Hội An cũng muốn đi viếng những ngôi mộ cổ của cha ông họ tại đây. Khi đứng trước những ngôi mộ cổ hơn trăm năm tồn tại, nhiều người bạn Nhật không kiềm được nước mắt. Dự phần vào những cuộc viếng thăm đầy xúc động ấy là những người đã tình nguyện coi sóc những ngôi mộ Nhật suốt nhiều năm dài.


Ông Nguyễn Văn Nước với ngôi mộ thương gia Banjiro ngay trong vườn nhà. Ảnh: X.H
Ông Nguyễn Văn Nước với ngôi mộ thương gia Banjiro ngay trong vườn nhà. Ảnh: X.H

Tìm về mộ thương gia Nhật
 

       Gần 60 tuổi, nghĩa là khoảng chừng 30 năm thực hiện công việc của người coi sóc mộ nằm ngay trong vườn nhà mình, ông Nguyễn Văn Nước, người làng Trường Lệ (Cẩm Châu, TP.Hội An) đã quá quen với “công việc” mình làm. Khi nhìn thấy khách dừng chân nơi đầu ngõ, ông lại lật đật ra đón. “Sau giải phóng tới chừ, cứ khoảng hai ba ngày là có khách tới thăm mộ một lần. Riết rồi quen, không ai buộc mình phải đón tiếp hết, nhưng làm vậy coi sao được” - ông Nước cười nói. Vậy là chừng ấy năm, ngoài việc coi sóc, gìn giữ mộ, ông kiêm luôn “hướng dẫn viên”. Ông Trần Văn Hà và ông Đinh Văn Chất ở cạnh nhà cũng là hai người làm những phần việc như ông Nước. Họ - đều làm vì những tình cảm chân thành dành cho người đã khuất.
 

      Khá dễ dàng khi tìm đường đến ngôi mộ Nhật ngay trong vườn nhà ông Nước. Trên trục đường dẫn ra làng rau Trà Quế, du khách bắt gặp đầu tiên là biển chỉ dẫn tìm đến phần mộ của thương gia Banjiro được lập năm Ất Tỵ - 1665. Đến năm 1928, tức năm Chiêu Hòa thứ ba, “theo đề xuất của giáo sư văn học Kuroita Kasumi, cộng đồng người Nhật sống tại Đông Dương nhất trí đề nghị ông Nakayama cư trú tại Thuận Hóa phụ trách giám sát công trình tu sửa ngôi mộ này (theo bia ký phía sau ngôi mộ). Mộ còn tương đối nguyên vẹn với bia đá khắc chìm bằng tiếng Nhật và những thông tin liên quan. Cách đó không xa, giữa cánh đồng lúa, ngôi mộ của thương gia Tani Yajirobei được lập năm Đinh Hợi 1647. Nấm mộ vẫn còn giữ được lối kiến trúc truyền thống cơ bản của Nhật, khi phần mộ hướng ra biển lớn, tương tự như hướng của ngôi mộ thương gia Banjiro trong vườn nhà ông Nước. Ông Trần Văn Hà đã coi sóc ngôi mộ này gần 20 năm. Trước đó, mộ do cụ thân sinh ông Hà trông nom. Điều đặc biệt ở ngôi mộ thương gia Tani Yajirobei là trên bia đá còn ghi cùng một nội dung bằng 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp: “Do Nhật Hoàng chủ trương bế môn tỏa cảng buôn bán với hải ngoại, ông phải từ Hội An trở về quê hương nhưng sau đó ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Mộ ông hướng về phía Đông Bắc quê hương ông”. Cũng tại đây, một con đường thể hiện tình bang giao thân thiết Việt -  Nhật dẫn vào ngôi mộ được dựng lên giữa đồng ruộng mênh mông.
 

Ông Trần Văn Hà bên ngôi mộ thương gia Tani Yajirobei ngay giữa cánh đồng làng.
Ông Trần Văn Hà bên ngôi mộ thương gia Tani Yajirobei ngay giữa cánh đồng làng.

      Không chỉ có hai ngôi mộ trên, một ngôi mộ khác cũng được nhiều người Nhật hiện nay ghé thăm là mộ ông Gu Sikukun được lập vào năm Kỷ Tỵ - 1689, hiện nay nằm tại khối phố Tân An. Ông Gu Sikukun cũng là một thương nhân thường làm ăn tại Hội An. Cả ba ngôi mộ đều là những “chứng tích” quý giá về một thời giao thương sầm uất tại phố cảng Faifo cũng như mối bang giao giữa Việt Nam - Nhật Bản. Những cán bộ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, cả 3 ngôi mộ cùng nhiều mảnh gốm Hizen, cầu Nhật Bản, những đơn vị folklore cùng nhiều dấu tích kiến trúc Nhật đã được lập hồ sơ chi tiết để bảo tồn và có phương án trùng tu. Và không chỉ những cán bộ quản lý di tích mới thấu hiểu tầm quan trọng của việc gìn giữ những di tích quý giá, những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn cũng hiểu rõ thế nào là “tình bang giao”…
 

       Truyền thuyết quanh mộ cổ
 

        Ông Nguyễn Văn Nước chia sẻ với chúng tôi, ở dưới nấm mộ này, dù là người của quốc gia nào, ông cũng sẵn sàng coi sóc như một nấm mộ của tổ tiên. “Vì mộ nằm ngay trong vườn nhà mình, ít nhiều gì cũng là chỗ người đã khuất yên nghỉ, mình phải giữ làm sao để thật trang trọng, có như vậy việc làm ăn của mình mới thuận buồm xuôi gió. Mà đó cũng là đạo lý của người Việt mình” - ông nói. Trong giai đoạn chiến tranh, mộ thương gia Banjiro bị lấp kín, chỉ để lộ lên mặt đất 1/3 tấm bia. Sau giải phóng, cụ bà Hứa Thị Bọ - mẹ ông Nước, mới quyết định đưa cả gia đình về lại mảnh đất của cha ông, ngay trên đất Trường Lệ để cày cấy, làm ăn. Lúc ấy, khi vỡ đất ra mới phát hiện một ngôi mộ đồ sộ gồm cả bia ký, tường bao, đều cứng như đá. Khi được phát hiện, ngôi mộ nằm án ngữ một nửa lối vào nhà. “Cũng không hiểu sao lúc đó mới giải phóng xong, ai cũng nghèo đói, nhưng bà con chòm xóm đều góp công sức, nhường đất để khai phá đường đi mới vào nhà chúng tôi. Bắt đầu từ đó ngôi mộ là chốn linh thiêng, không ai dám tùy tiện qua lại. Mẹ tôi ngày nào cũng thắp một nén nhang trước mộ” - ông Nước kể. Trong lòng di tích luôn ẩn những câu chuyện nhuốm màu huyền hoặc, đặc biệt với những di tích có niên đại khá cao và cũng khá thiêng liêng như mộ cổ. Nhiều người ở làng Trường Lệ vẫn còn kể câu chuyện về cặp tượng cóc do những người dân nơi đây đào được sau 1975, người nào có duyên mua được 1 tượng thì ắt sẽ có ngày mua được cái thứ 2, bởi lẽ cặp tượng cóc này được chôn chung với người Nhật vào năm 1600 tại Hội An.
 

       Cũng ngay trên cánh đồng nơi có mộ thương gia Tani Yajirobei, ông Trần Văn Hà nói với chúng tôi rằng, rất nhiều nông dân tại đây tin rằng mùa màng tốt tươi, cây lúa lên xanh cũng nhờ một phần sự “phù hộ” của người đã khuất. Mỗi năm, đến ngày cúng cơm mới, những người nông dân nơi này đều mang đến đây 2 chén cơm. Tuy là vùng thấp lụt, nhưng cánh đồng Trường Lệ lại không bị ngập nước sâu. Những năm mất mùa, người nông dân lại họp nhau cùng làm một lễ tại ngôi mộ cổ, và kỳ lạ là khi làm xong lễ, những tín hiệu vui về một mùa xanh tốt lại bắt đầu hiển lộ. Một phần từ niềm tin “có thờ có thiêng”, một phần từ tấm lòng chân chất mà những người dân Hội An đã không ngại ngần để ngày ngày bỏ công coi sóc những ngôi mộ của người xa xứ. Ông Nước bảo với chúng tôi, có một đoàn doanh nhân Nhật đến viếng mộ nhiều lần để xin lấy tên Banjiro mở một nhà hàng món ăn Nhật tại TP.Đà Nẵng, và ông được họ nhiều lần mời đến thưởng thức. Chính ông cũng tự mày mò học tiếng Nhật, để “lỡ họ có vào thăm thì mình cũng biết đường mời”.
 

       Hằng năm, khi lễ hội Việt - Nhật bắt đầu, những người dân quê như ông Nước, ông Hà, ông Chất, lại lặng lẽ quét dọn những ngôi mộ cổ để đón tiếp những người bạn Nhật đến trình diễn các điệu múa truyền thống ngay trước những ngôi mộ này. Những ngày ấy, với họ, đầy niềm vui…

 


Tác giả: XUÂN HIỀN

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây