Tự Nhiên

Thứ ba - 22/09/2015 00:17
I. Vị thế địa lý: Thành phố Hội An, với diện tích tự nhiên 60km2, nằm ở vùng cửa sông - ven biển, thuộc hạ lưu, tả ngạn sông Thu Bồn. Trung tâm Thành phố có tọa độ địa lý 15053' vĩ Bắc, 108020' kinh Đông, phía Tây Bắc cách thành phố Đà Nẵng 30 km và phía Nam cách thành phố/tỉnh lỵ Tam Kỳ chừng 50km. Hội An được bao bọc bởi môi trường tự nhiên sông - biển và sự chở che, gắn bó của các huyện láng giềng: Đông và Đông Nam giáp huyện Duy Xuyên, Tây và Tây Nam giáp huyện Điện Bàn, Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông.
       
TOAN CANH HOI AN (ANH CHUP TU MAY BAY TRUC THANG)
 Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An 
 
           Vùng đất Hội An là nơi gặp gỡ, hòa lưu của các nguồn sông lớn ở xứ Quảng đó là: Nguồn Thu Bồn; Nguồn Ô Gia/Vu Gia; Nguồn Chiên Đàn; và sông Đế Võng1. Có thể nói, các nguồn sông này đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - văn hóa của cả xứ Quảng. Đó là huyết mạch giao thông, là nguồn phù sa vô tận bồi đắp lên nhiều vùng đất trù phú, cùng với trữ lượng về sản vật dồi dào. Đồng thời góp phần quan trọng tạo nên sắc thái văn hóa của xứ Quảng từ ngàn xưa. Các nguồn sông này hợp lưu với nhau - Hội thủy - để trước khi đổ ra biển cả qua Cửa Đại (Đại Chiêm Hải Khẩu). Hội An nằm trên con sông hợp lưu - Hội thủy đó. Cửa Đại, trong thời Tiền - Sơ sử đến Cổ - Trung, Cận - Hiện đại, luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với Hội An và xứ Quảng. Độ rộng và sâu của cửa biển rất thích ứng với thời kỳ thuyền buồm ở cả phương Đông và phương Tây2. Cách xa bờ khoảng 7 km có cụm đảo Cù Lao Chàm3, như những người lính gác khổng lồ làm "trấn sơn", che chắn, canh giữ bờ biển Hội An và là nơi trú ẩn cho các thương thuyền trong những ngày sóng gió. Đồng thời Cù Lao Chàm còn là điểm dừng chân để trao đổi hàng hóa, lấy nước ngọt, là điểm hoa tiêu cho các thương thuyền trên con đường hàng hải và ra vào Cửa Đại buôn bán với Hội An - xứ Quảng, Đàng Trong... Nhờ vào vị trí này mà Hội An có điều kiện thông thương với các vùng của xứ Quảng4.
 
IMAGE0004
Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

          II. Khí hậu - thủy văn: Vùng Xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng có hai mùa. Mùa khô từ khoảng tháng 2 đến tháng 8. Mùa mưa kéo dài từ tháng 9, tháng 10 đến tháng giêng năm sau. Về chế độ nhiệt ở Hội An, mùa đông nhiệt độ trung bình khoảng 23 - 240C, nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối khoảng 15 - 200C có năm xuống đến 110C thường xuất hiện vào tháng 12, tháng 1. Mùa hạ - mùa khô, nhiệt độ trong các tháng tương đối đồng đều nhau từ 28 - 300C, cao tuyệt đối 39 - 400C, thấp tuyệt đối 21 - 230C. Số giờ nắng trung bình trong năm 2.158 giờ, cao tuyệt đối trong năm là 2.976 giờ và thấp tuyệt đối trong năm là 1.440 giờ. Độ ẩm không khí mùa đông 82 - 84%, mùa hạ giảm còn 75 - 78%. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.069mm, phần lớn tập trung vào mùa đông - mùa mưa, trung bình mỗi năm có 120 - 140 ngày mưa. Lượng mưa cao tuyệt đối là 3.307 mm, thấp tuyệt đối là 1.110mm. Tháng có mưa nhiều nhất là tháng 9,10 trung bình 1.122mm, từ tháng 9 đến tháng 12 tổng lượng mưa chiếm 70 - 80% lượng mưa cả năm. Vào mùa khô từ tháng 2 - 8, lượng mưa trung bình dưới 100mm, chỉ có khoảng 8 ngày mưa một tháng5.
 
IMAGE0002
Hội An nhìn từ trên không - Ảnh Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
         III. Địa hình - Địa mạo: Dựa theo kết quả khảo sát của nhiều tài liệu địa chất cho biết, đợt biển tiến lần thứ nhất xảy ra trong khoảng từ 6.000 - 9.000 năm trước, sau đó biển lại lùi. Lần biển tiến thứ hai đạt mức cực đại vào khoảng đầu công nguyên(khoảng 2.000 năm trước) và do nhiều nguyên nhân, yếu tố tác động khác nhau mà địa hình ở khu vực Hội An có nhiều loại hình nguồn gốc khác nhau: Địa hình nguồn gốc sông; Địa hình nguồn gốc sông - đầm lầy; Địa hình nguồn gốc biển; Địa hình nguồn gốc sông biển; Địa hình nguồn gốc biển - đầm lầy; Địa hình nguồn gốc biển - gió; Địa hình nguồn gốc sông - biển - đầm lầy; Địa hình nguồn gốc hồ - đầm lầy.
 
IMAGE0038
Hội An nhìn từ trên không - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
          Có thể nói, các thời kỳ biển tiến, lùi ở khu vực Hội An, cùng với những hoạt động của hệ thống sông Thu Bồn, Vu Gia... ngày nay vẫn không ngừng tích tụ các trầm tích hỗn hợp sông biển, gây hiện tượng chuyển dời mạnh mẽ hoặc làm lấp đầy, chấm dứt việc lưu thông của các nhánh sông như các sông Đế Võng, sông Đò, sông Thanh Hà ở khu vực Hội An ngày nay6. Như vậy, địa hình, địa mạo Hội An rất phong phú, đa dạng: vừa có đồng bằng được chia cắt bởi hệ thống sông lạch, cồn - bàu, đầm chằng chịt, vừa có biển, có hải đảo, lại vừa có núi, có rừng,... Môi trường thuận lợi đó đã tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú. Đồng thời nó cũng tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh tế và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cư dân Hội An trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển.

          IV. Tài nguyên tự nhiên: Hội An có 7 km bờ biển, với bãi cát thoai thoải, trải dài, trắng phau, nước trong xanh, tạo nên những bãi tắm tuyệt vời. Nhiều con sông uốn lượn trên những bãi bồi, cồn sông thật thanh bình, thơ mộng. Sông còn bao quanh những cánh đồng, làng quê sinh thái đầy chất nhân văn. Cách đất liền 15 km và trung tâm Khu phố cổ 18 km về phía Đông là quần đảo Cù Lao Chàm - vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới có rừng và biển là tài nguyên sinh thái đa dạng, phong phú. Bờ biển có trên 300 loài san hô, có hải quỳ, hải sâm trên diện tích 311 ha thềm biển. Hơn 500 loại cá sinh sôi trên các rạn san hô, nhiều loài nhuyễn thể, cua đá với số lượng rất phong phú. Đặc biệt trong những hang vách đá có loài chim yến sinh sống, làm tổ. Tổ yến là một sản vật có giá trị dinh dưỡng cao và quý hiếm. Rừng trên đảo có độ che phủ trên 70% diện tích là rừng đặc dụng, với nhiều loại gỗ quý và nhiều loài động vật trong khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm. Hội An còn có khu rừng ngập mặn cửa sông ven biển khá đặc trưng và chủ yếu là hệ dừa nước ven sông, ven biển và các loài đước, mắm, cùng nhiều loài nhuyễn thể sinh sống vùng nước lợ7.
 
DSC 6748
Đảo Cù Lao Chàm - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
 
          Như vậy, khu vực Hội An nằm ở vị trí địa lý có lịch sử cấu thành địa hình - địa mạo, khí tượng - hải văn khá phong phú, đa dạng, độc đáo, thể hiện qua sự biến đổi về địa hình, về chế độ gió, bão, sóng, dòng chảy, nhiệt độ, lượng mưa, sương mù, mực nước biển, thủy văn lục địa... và tạo nên đặc điểm khá riêng biệt của vùng đất này. Bởi nó đã tạo nên Hội An - một địa hình sông nước, với hệ thống sông lớn, nhỏ chằng chịt và chia cắt bởi những bãi/nỗng/trảng/cồn cát...; bàu/đầm/hói/vũng nước... chúng được cấu thành bởi nhiều địa hình có nguồn gốc khác nhau của khu vực cửa sông - ven biển - biển đảo. Đặc điểm địa lý tự nhiên này đã có tác động chi phối mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành và phát triển của các lớp, khối cộng đồng dân cư ở đây trong đời sống sinh hoạt kinh tế - văn hóa. Đặc biệt là với vai trò một cảng - thị quốc tế trong lịch sử.

             Ghi chú: 
          1. Nguồn Thu Bồn được tạo bởi sông Tranh, sông Tiên, sông Tràm...; Nguồn Vu Gia được tạo bởi sông Bung, sông Vàng... chảy xuống Đại Lộc; Nguồn Chiên Đàn từ phía Nam chảy ra, được tạo bởi con sông Tam Kỳ chạy xuống sông Trường Giang; Sông Đế Võng hay Lộ Cảnh Giang (tục gọi là sông Cổ Cò, nối thông với Đà Nẵng).
            2.Theo "Đại Nam nhất thống chí" mô tả: "Cửa Đại rộng 160 trượng, thủy triều lên sâu 6 thước, thủy triều xuống 4 thước 5 tấc".
            3. Cù Lao Chàm còn được gọi hoặc ghi chú trên các bản đồ với nhiều tên gọi khác: Pulociam, Pulaucham, Polochiam pello, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bích La,...)
           4. Từ Hội An ngược theo nguồn Vu Gia/Ô Gia, Thu Bồn có thể đến được các vùng núi, trung du ở phía Tây; Theo nguồn Chiên Đàn có thể đến được cả vùng phía Nam; Theo sông Đế Võng có thể vươn lên phía Bắc nối thông Cửa Đại - Hội An với Cửa Hàn - Đà Nẵng. Hơn nữa, từ Cửa Đại theo những cánh buồm có thể lan tỏa, giao lưu với cả nước và cả thế giới Đông - Tây.
            5,6. Theo tài liệu nghiên cứu của Đoàn Địa chất 206 tại Hội An

 

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 3.2 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây