TỔNG QUAN VỀ BẢO TÀNG Ở HỘI AN

Thứ ba - 09/07/2013 23:24

TỔNG QUAN VỀ  BẢO TÀNG Ở HỘI AN

Hiện tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An đang trực tiếp quản lý 6 Bảo tàng chuyên đề: Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch, Bảo tàng Văn hóa Dân gian, Bảo tàng Lịch sử - Văn hóa, Phòng Truyền thống Cách mạnh Hội An và Nhà Lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh.
GIỚI THIỆU TỔNG QUAN CÁC BẢO TÀNG CHUYÊN ĐỀ
         
1. Bảo tàng Lịch sử Văn hóa (10B Trần Hưng Đạo - Hội An)
DSC 2009
            
           Bảo tàng này được thiết lập năm 1989 và trưng bày tại vị trí số 7 Nguyễn Huệ - Hội An. Đến tháng 8/2015, Bảo tàng này được chuyển về trưng bày tại vị trí hiện tại.  Hiện nay, bảo tàng này trưng bày 335 hiện vật, tư liệu liên quan đến lịch sử - văn hóa Hội An  trải qua các thời kỳ: Tiền - Sơ Sử (thế kỷ thứ II trở về trước),  Champa (thế kỷ thứ II - thế kỷ thứ XV), Đại Việt (thế kỷ XV-XIX).
           Với những hiện vật khảo cổ được phát hiện dưới lòng sông, lòng biển, trên mặt đất, cả trong lòng phố cổ và vùng ngoại ô, Bảo tàng Lịch Sử Văn Hoá đã minh chứng sinh động diễn trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất  Hội An. Đặc biệt những hiện vật thời Đại Việt (từ cuối thế kỷ XV - giữa thế kỷ XIX) được trưng bày ở Bảo tàng này  phần nào nói lên  vai trò Hội An với tính chất là một trung tâm thương cảng mậu dịch quốc tế ở Đàng Trong - Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.
             Hằng năm Bảo tàng đón gần bảy mươi nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần.
dsc 1993

Lộc bình - Hiện vật thời Đại Việt

Tượng Nữ Thần Champa

Khuyên tai 3 mấu thời Văn hóa Sa Huỳnh

Dấu triện - Hiện vật thời Đại Việt

 
2. Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch (80 Trần Phú - Hội An)

 

 
             Bảo tàng Gốm sứ - Mậu dịch thành lập theo Quyết định số 139/QĐ -VH  ngày 02/10/1995 của Phòng VHTT-TT Hội An. Nguyên đây là ngôi nhà hai tầng tiêu biểu với ban công bằng gỗ xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Ở đây, có thể thấy được tổng thể không gian điển hình của kiến trúc nhà cổ ở Hội An, được chia làm 3 phần: nhà trước, nhà sau và nhà cầu. Sân trời được bố trí giữa nhà trước và nhà sau, bếp và khu vệ sinh ở phía sau cùng. Năm 1995 Bảo tàng chuyên đề này được hình thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Với 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông-Tây-Á - Âu.
            Hằng năm Bảo tàng đón trên sáu mươi nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần , riêng ngày 15 hàng tháng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

 

Đĩa sứ Hizen Nhật Bản TK XVII

Gom Chu dau

Hiện vật gốm khai quật tại di chỉ tàu đắm
 

3. Bảo tàng Văn hóa Sa huỳnh (149 - Trần Phú)

 
                 Bảo tàng Văn hóa - Sa Huỳnh thành lập theo Quyết định số 36/QĐ ngày 8/6/1994 của Phòng VHTT-TT Hội An. Bảo tàng Văn hoá Sa Huỳnh thành lập năm 1994 trưng bày bộ sưu tập đầy đủ và độc đáo gồm trên một ngàn hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh (niên đại cách nay  2000 năm) - cư dân được coi là chủ nhân của tiền cảng - thị sơ khai Hội An, từng có quan hệ, giao lưu với cả khu vực Đông Nam Á, Nam Ấn Độ và Trung Hoa. Điều lý thú là các hiện vật đều có địa chỉ khảo cổ học rất tin cậy, vì cùng với hiện vật là hệ thống tài liệu, ảnh chụp,...minh chứng rõ ràng ví trí của chúng trong lòng đất. Qua tư liệu, hiện vật, Bảo tàng còn phản ánh nhiều thông tin khác về táng tục, quan niệm sống chết, nhận thức thẩm mỹ,  mối quan hệ giao lưu... của cư dân cổ thuộc hệ văn hoá Sa Huỳnh trên đất Hội An. Đặc biệt, Bảo tàng này còn trưng bày một số hiện vật phát hiện ở di chỉ Bãi Ông – Cù Lao Chàm, minh chứng từ thời tiền sử cách  nay khoảng hơn 3000 năm đã có cư dân bản địa sinh sống ở đây. Bộ sưu tập  hiện vật  về Văn hoá Sa Huỳnh ở Hôị An tại Bảo tàng được các nhà khoa học đánh giá là phong phú và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam.

               Hằng năm Bảo tàng đón gần hai trăm nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần , riêng ngày 10 hàng tháng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.


 



Đồ trang sức Văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An. Cách đây khoảng 2000 năm


Chum gốm thời Sa Huỳnh

Hiện vật ở Di tích Bãi Ông - Cù lao Chàm. Thời Tiền Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 3000 năm


 
4. Bảo tàng Văn hóa Dân gian (33 Nguyễn Thái Học - Hội An)
 

 
          Bảo tàng được hình thành theo Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 03/01/2002 của UBND thành phố Hội An.Bảo tàng Văn hoá Dân gian Hội An  được bắt đầu mở cửa đón khách vào ngày 24/3/2005. Nguyên đây là ngôi nhà cổ điển hình trong Đô thị cổ, có chiều dài 57m, chiều ngang 09m, gồm hai tầng, sàn bằng gỗ, thông hai mặt phố Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng. Ở tầng 2, Bảo tàng trưng bày 490 hiện vật, giới thiệu về bốn chủ đề chính: Nghệ thuật tạo hình dân gian, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ngành nghề truyền thống và sinh hoạt dân gian. Ở tầng 1, gồm các hoạt động trình diễn khá sống động minh hoạ cho những giá trị Văn hoá Dân gian Hội An. Bảo tàng được coi là thiết chế văn hoá đặc biệt và hiếm hoi trong khu vực. Bằng những hình ảnh, hiện vật gốc và các hoạt động trình diễn  Bảo tàng Văn hoá Dân gian đã thể hiện các giá trị thuộc văn hoá phi vật thể, giới thiêụ về bề dày truyền thống văn hoá, sự sáng tạo, những đóng góp của các thế hệ cư dân địa phương trong quá trình xây dựng phát triển vùng đất Hội An.
                 Hằng năm Bảo tàng đón trên mười nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Bảo tàng mở cửa tất cả các ngày trong tuần , riêng ngày 20 hàng tháng đóng cửa để thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Mô hình múa Thiên Cẩu


Gian trưng bày đời sống sinh hoạt truyền thống ở Hội An


Bộ sưu tập nhạc cụ cổ truyền


Bộ sưu tập nghề buôn



5. Phòng Truyền thống cách mạng:(10B Trần Hưng Đạo - Hội An)

 
                - Ngày 02/9/1977,  Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An được khánh thành, tại địa điểm 12 Phan Châu Trinh do Phòng VH TT quản lý. Công tác chuyên môn để chuẩn bị thành lập do Ty Văn hóa Quảng Nam Đà Nẵng  cử cán bộ vào giúp đỡ.
                - Tháng 10/1982, Phòng Truyền thống Cách mạng này được nâng cấp lần thứ nhất.
                - Tháng 2/1986, Ban QLDT và DVDL thành lập, Phòng Truyền thống Cách mạng được Phòng VH-TT giao về cho Ban QLDT và DVDL.
                - Tháng 4/1986, Ban QLDT và DVDL chuyển về 100 Trần Phú (Phòng Truyền thống vẫn đóng tại 12 Phan Chu Trinh).
                - Năm 1988, Phòng Truyền thống Cách mạng do đóng tại Phòng VH-TT nên giao Phòng VH-TT quản lý.
                - Năm 1992, Ban QLDT và DVDL nhập vào Phòng VH-TT, phòng Truyền Thống Cách mạng chuyển về 149 Trần Phú và do Ban QLDT và DVDL quản lý.
                - Năm 1996, Trung tâm QLBT Di tích thành lập và quản lý Phòng Truyền thống đến nay.
                - Năm 1998, Phòng Truyền thống Cách mạng được nâng cấp, bổ sung hiện vật lần 2 để phục vụ đón nhận Hội An Thị xã Anh hùng.
                - Năm 2010, Phòng Truyền thống Cách mạng chuyển về 10 B Trần Hưng Đạo
 
6.  Nhà Lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh (129 Trần Phú - Hội An)
               Nhà Lưu niện đồng chí Cao Hồng Lãnh được hình thành theo QĐ số 39 ngày 12 /01/2005 của UBND thành phố Hội An và khánh thành vào ngày 02/02/2010. Công tác quản lý Nhà Lưu niệm này có sự phối hợp giữa nhà nước và đại diện Gia Tộc Phan nên đã phát huy  tốt, đạt hiệu quả hơn.

 

Tác giả: Phòng Bảo tàng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây