Bảo tàng Lịch Sử - Văn Hoá Hội An nằm tại số 10B Trần Hưng Đạo. Trước đây, bảo tàng này tọa lạc tại số 7, Nguyễn Huệ, là ngôi chùa của dân làng Minh Hương được xây dựng vào thế kỷ XVII để thờ Phật bà Quan âm. Hiện bảo tàng trưng bày 335 hiện vật, hình ảnh, tư liệu liên quan đến các thời kỳ phát triển của Đô thị cổ Hội An từ thời tiền - Sơ sử cho đến nay: Tiền- Sơ sử (Thế kỷ thứ II sau Công nguyên trở về trước), Champa (Thế kỷ thứ II đến thế kỷ XV), Đại Việt ( Thế kỷ thứ XV - Thế kỷ thứ XIX) - Đại Nam - Việt Nam.
Các chủ đề trưng bày tại bảo tàng:
1. Thời kỳ tiền - sơ sử (là tiền Sa Huỳnh và giai đoạn hậu kỳ văn hoá Sa Huỳnh) cách ngày nay khoảng 2000 năm. Ở chủ đề này, bảo tàng trưng bày 102 hiện vật gốc và hình ảnh về các hố khai quật gồm các loại hình công cụ sinh hoạt, lao đông sản xuất, chiến đấu, trang sức…bằng các chất liệu: gốm, đồng, sắt, đá, thuỷ tinh. Những tiền đồng Trung Quốc: Ngũ Thù (Từ thế kỷ thứ II trước Công Nguyên đến Thế kỷ thứ I sau Công Nguyên), Vương Mãng (thế kỷ thứ I sau Công Nguyên) cùng với đồ trang sức mã não, thuỷ tinh có gốc gác từ Nam Ấn Độ hoặc Trung Đông, phần nào chứng tỏ rằng cách đây khoảng 2000 năm, những chủ nhân của mảnh đất này đã sinh sống bằng nghề nông trồng lúa nước, khai thác chế biến sản vật sống - biển, làm các nghề thủ công: rèn, dệt vải, mộc, chế tác đồ trang sức…Đồng thời cũng thể hiện rõ nét mối quan hệ, giao lưu văn hoá trong nước từng có hoạt động trao đổi buôn bán với phía Bắc, phía Nam và cả ở khu vực để lập nên một tiền Cảng – Thị sơ khai, tạo dựng nền móng cho Cảng - Thị các thời kỳ sau tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, một loại hình hiện vật đặc trưng của thời kỳ này là chum gốm (mộ chum) được phát hiện trong khu nghĩa địa Tin Lành, di chỉ Hậu Xá, Cẩm Hà năm 1990. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một dạng quan tài của cư dân Sa Huỳnh cách đây hơn 2000 năm và được chôn theo người chết, phần nào thể hiện được tục cải táng người chết của cư dân này. Tuy mới chỉ là những thông tin khoa học gặt hái bước đầu, nhưng phần nào gợi mở cho chúng ta những sự nhận biết về tiến trình, về diện mạo lịch sử - văn hoá của cư dân cổ ở Hội An thời Tiền - Sơ sử. 2. Thời kỳ Champa tồn tại từ thế kỷ thứ II – thế kỷ XV với nền văn hoá rực rỡ, khởi đầu thời kỳ vàng son cho một cảng - thị hưng thịnh. Thời kỳ này nổi bật lên những địa danh Chiêm Bát Lao (Cù Lao Chàm), Đại Chiêm Hải Khẩu (Cửa Đại) cùng với những tượng đá, giếng gạch và dấu vết nền tháp, đặc biệt trong di chỉ khảo cổ học với hiện vật gốm sứ Champa, Islam, Trung Quốc… thuỷ tinh (đồ trang sức, vật dụng) có nguồn gốc từ Trung Cận Đông, Nam Ấn Độ…và nguồn tư liệu thư tịch cổ Trung Hoa, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư… xác định vùng Cửa Đại xưa là Hải cảng chính của nước Champa. Nơi đây, có Lâm Ấp phố ( Phố của người Lâm Ấp - Champa) với nhiều chiến thuyền và thương thuyền Trung Hoa, Ả Rập, Ấn Độ, Ba Tư… thường xuyên ghé đậu lấy nước ngọt từ những giếng Chàm rất ngon, rất trong và đổi trao sản vật, mua từ đây trầm hương, quế, đồ vàng ngọc, đồ thuỷ tinh, tơ lụa, đồi mồi, xà cừ… Trong thời kỳ này, bảo tàng trưng bày 18 hiện vật gốm gồm các loại mảnh gốm, gạch Chăm, hoa văn gốm và kèm 9 hình ảnh minh chứng cho thời kỳ này. Nổi bật là bức tượng vũ công Grandhara và tượng thần tài lộc Kuberra. Hai bức tượng được chạm khắc sắc xảo, tinh tế mang đậm nét văn hoá ChămPa huyền bí. Phần nào thể hiện được một thời kỳ phồn thịnh của kinh đô Champa xưa. Người Champa có tầm nhìn về biển đúng đắng, biết cấu trúc ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, tuy còn thô sơ nhưng vấn biết khai thác mọi tiềm năng trên rừng, dưới biển, trong lòng đất để xây dựng hưng thịnh Chiêm cảng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - văn hoá cho thời kỳ lịch sử tiếp theo.
3. Thời kỳ Đại Việt ( Thế kỷ thứ XV - Thế kỷ thứ XIX), tiếp sau thời Champa, muộn nhất là từ cuối thế kỷ thứ XV, mảnh đất Hội An đã định hình những hoạt động của cư dân Đại Việt. Ở vào buổi đầu thời kỳ này, bên cạnh việc khai hoang lập làng canh tác nông nghiệp, người Việt ở Hội An còn linh hoạt sáng tạo mọi số ngành nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên – xã hội từng vùng đất: Làng Thanh Châu với nghề khai thác yến sào. Các làng chài Võng Nhi, Đế Võng với nghề đánh bắt, chế biến hải sản. Làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà với nghề thủ công, xây dựng. Làng Hội An, Cẩm Phô với nghề buôn bán. Từ thế kỷ XVII, cộng đồng dân cư Hội An được bổ sung thêm các kiều dân là thương khách Hoa, Nhật và một số từ các nước khác đến đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề vốn có thêm tích ứng với cư dân thương nghiệp, nông nghiệp và vùng quê sinh sống.
Ở vị trí địa lý phù hợp lại có thêm nhiều yếu tố nội sinh, ngoại sinh khác nên bên cạnh sự hội tụ dân cư, tụ tập tinh hoa văn hoá, kinh nghiệm nghề nghiệp từ mọi miền đất, Hội An nhanh chóng trở thành nơi phong phú hàng hoá, sản vật, phát triển nội thương tạo đà thúc đẩy ngoại thương đi lên để làm nên sự phồn thịnh ở Đô thị - Thương cảng Hội An suốt trong nhiều thế kỷ. Trong chủ đề này, bảo tàng trưng bày một số lượng lớn hiện vật gốc và hình ảnh tư liệu phong phú được tìm thấy ở Hội An qua từng giai đoạn, đặc biệt có sự so sánh rõ rệt giữa gốm Việt Nam với gốm của một số nước có mối quan hệ giao lưu buôn bán với Hội An lúc bấy giờ như: Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, bảo tàng còn trưng bày một số tư liệu viết về Hội An và một số bản đồ cổ của Hội An với các tên gọi khác nhau như Faifo, Haiso, Faisfo…Một số dụng cụ dùng trong giao thương buôn bán như cán cân, quả cân, ang….Giúp cho khách tham quan phần nào hình dung được một Đô thị thương cảng tấp nập và phồn thịnh của những năm thế kỷ XVI – XVIII.
Đến giữa thế kỷ thứ XIX, nền kinh tế ngoại thương Hội An nhanh chóng suy thoái bởi những nguyên nhân bất lợi: Sự bồi cạn, chuyển dời của dòng sông, cửa biển – Chính sách kinh tế hạn chế của triều đình phong kiến - Sự phát triển kỹ thuật giao thông hàng hải bằng cơ khí hơi nước vượt xa thuyền buồm. Bên cạnh đó Đà Nẵng- Cửa Hàn nổi lên thay thế dần vai trò Hội An-Cửa Đại. Thương cảng thuyền buồm Hội An nhường bước cho cảng thị tàu máy cơ khí Đà Nẵng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền