BẢO TÀNG GỐM SỨ MẬU DỊCH

Thứ hai - 16/03/2015 03:36

BẢO TÀNG GỐM SỨ MẬU DỊCH

Năm 1995 Bảo tàng chuyên đề Gốm sứ Mậu dịch được hình thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Với 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An
 
         Năm 1995 Bảo tàng chuyên đề Gốm sứ Mậu dịch được hình thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Với 368 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX -X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông-Tây-Á-Âu. Đây là ngôi nhà hai tầng tiêu biểu với ban công bằng gỗ xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Ở đây, có thể thấy được tổng thể không gian điển hình của kiến trúc nhà cổ ở Hội An, được chia làm 3 phần: nhà trước, nhà sau và nhà cầu. Sân trời được bố trí giữa nhà trước và nhà sau, bếp và khu vệ sinh ở phía sau cùng.
 

 
       NỘI DUNG TRƯNG BÀY GỒM 4 PHẦN:

            1. Giới thiệu tổng quan về đô thị cổ Hội An và nền gồm sứ mậu dịch ở Việt Nam

 
                      Giới thiệu tổng quan về đô thị cổ Hội An:
           Hội An, Haisfo, Haiso, Cotam, Faifo hay Đô thị - Thương Cảng Hội An, từ lâu đã đi vào lịch sử Việt Nam và đã được nhắc đến trong tư liệu nhiều nước Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Đô thị thương cảng Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu bồn, cách Đà Nẵng 30 km về phía Đông Nam. Phía Đông Đô Thị Cổ Hội An nối với biển qua Cửa Đại. Phía Nam giáp huyện Duy Xuyên, phía Tây giáp huyện Điện Bàn. Vào các thế kỷ trước, Hội An còn thông thương với Đà Nẵng bằng sông Cổ Cò. Thông qua sông Thu Bồn, Đô Thị Cổ Hội An nối với kinh đô Trà Kiệu, với khu thờ tự Mỹ Sơn ở thượng lưu và thông qua các đường sông, đường bộ, nối với núi rừng giàu lâm thổ sản ở miền Tây, cũng như với kinh đô Phú Xuân - Huế ở phía Bắc và các Dinh trấn phía Nam. Hội An ở giữa vùng đồng bằng giàu có của xứ Quảng và giữ một vị trí đầu mối giao thông thuận lợi với các thị trường trong nước và với hệ thống hàng hải quốc tế.
          Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15 - 16, thịnh đạt trong các thế kỷ 17 - 18, nhưng trước đó rất lâu (từ thế kỷ 2 sau công nguyên trở về trước) vùng đất Hội An đã nằm trong địa bàn phân bố tiền Sa Huỳnh - đến Sa Huỳnh và còn lại là một cảng thị trọng yếu của Champa (từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15). Cửa Đại Chiêm, Cù Lao Chàm cùng nhiều di tích văn hóa Champa cổ được phát hiện trong thời gian gần đây đã chứng minh về giai đoạn tiền đề trong lịch sử phát triển của đô thị thương cảng Hội An.
         Trong thời thịnh đạt, đặc biệt trong nửa đầu thế kỷ 17, Hội An là trung tâm mậu dịch lớn nhất của Đàng Trong và cả nước Đại Việt, là một trong những thương cảng sầm uất của vùng biển Đông Nam Á. Trung tâm hoạt động của thương cảng là vùng bến cảng cùng phố chợ buôn bán nằm trên bờ Bắc sông Thu Bồn, nay là vùng nội thị của Thành phố Hội An gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô. Nhưng phạm vi thương cảng lúc đó còn mở rộng ra cả hai bên bờ Bắc, bờ Nam dòng sông bao gồm những nơi neo đậu tàu thuyền như đầm Trà Nhiêu, Trung Phường, Trà Quế….Những làng thủ công ven đô như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà….Cảng Sông Hàn ở phía Bắc và có thể coi đó chính là các vệ tinh của Đô thị - thương cảng Hội An. Phía trên sông Thu Bồn là Dinh trấn Thanh Chiêm của Quảng Nam, nơi các tàu thuyền ngoại quốc muốn hoạt động buôn bán ở Hội An phải đến trình báo , làm các thủ tục hải quan. Có thế hình dung Đô Thị Cổ Hội An với không gian hoạt động rộng lớn như vậy.
          Nhờ ở vào vị trí địa lý thuận lợi nên hàng hóa từ bốn phương trong nước tụ về thương cảng Hội An. Rồi lại chính từ thương cảng này, hàng hóa trong nước với những sản phẩm nổi tiếng như tơ tằm, gốm sứ, trầm hương, yến sào…., được thuyền buôn các nước chuyển tải đến nhiều nước Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và một số nước phương Tây. Hàng hóa nước ngoài cũng từ  Hội An tỏa đi khắp mọi miền của đất nước.
.
 
         Hội An là cửa ngõ của Đàng Trong - Việt Nam thông thương với thế giới bên ngoài. Tàu thuyền của Trung Quốc, Nhật Bản, các nước vùng biển Đông Nam Á, Nam Á như Thái Lan, Philippin, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ,… và một số nước Châu Âu như Bồ Đồ Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia, Anh, Pháp…hàng năm cập bến mở hội chợ từ 4 đến 6 tháng liền. Nhiều kiều dân nước ngoài nhất là người Hoa, người Nhật đã được các Chúa Nguyễn cho phép ở lại lập phố, mở cửa hàng buôn bán, được sống theo phong tục riêng. Thế kỷ 17, Hội An có “Phố Nhật”, “Phố Khách”, có thương điếm Hà Lan…và đó là một trung tâm giao lưu kinh tế rộng lớn, một Đô thị - Thương Cảng có tầm cỡ quốc tế. Đó cũng là kết quả của một thời kỳ đất nước mở cửa trong bối cảnh phát triển của hệ thống buôn bán với khu vực và thế giới. Trong thời kỳ này, Hội An còn là trung tâm giao lưu văn hóa Đông - Tây, là một trong những cái nôi chính hình thành chữ Quốc ngữ, là trung tâm truyền bá đạo Thiên Chúa, đạo Phật ở Đàng Trong.
 
        Sang thế kỷ 19, do nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, do cả những biến đổi của địa hình sông nước, hoạt động kinh tế và vai trò của Hội An suy giảm dần kết thúc thời kỳ thương cảng thuyền buồm và nhường chỗ cho thương cảng thuyền máy Đà Nẵng phát triển (từ cuối thế kỷ 19). Nhưng cũng nhờ đó và như một cơ may lịch sử, Hội An tránh được những biến dạng của một đô thị cận đại để bảo tồn cho đến ngày nay - một quần thể Đô thị - Thương cảng cổ tương đối nguyên vẹn. Đó là di tích của các bến cảng, các phố cổ, các nhà ở kết hợp các cửa hàng của nhân dân, các hệ thống nhà thờ tộc họ, các đình chùa, đền miếu, hệ thống hội quán của người Hoa, những ngôi mộ mang tên người Nhật, người Hoa và chiếc cầu mang tên Cầu Nhật Bản…Những loại hình kiến trúc phong phú đa dạng đó cùng với lối sống, phong tục tập quán, lễ hội…của cộng đồng dân cư Hội An còn như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng Hội An vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hòa giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh.

         Đô Thị - Thương cảng Hội An với hạt nhân phố cổ là khu di tích lịch sử, là di sản văn hóa vô giá thuộc loại quý hiếm trên thế giới đã được Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận và xếp hạng di tích Quốc gia (năm 1985), được dư luận trong nước và thế giới trân trọng, đánh giá cao. Năm 1985, Hội thảo khoa học quốc gia và năm 1990, Hội thảo khoa học Quốc tế về Đô Thị Cổ Hội An đã được tổ chức ở ngay tại Hội An, tại Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1995, Hội Bảo trợ Di sản văn hóa - Kiến trúc Hội An được thành lập nhằm vận động những cá nhân và tổ chức nhằm hỗ trợ cho công việc bảo tồn, tôn tạo khu di tích phố cổ Hội An. Đặc biệt, vào ngày 04.12.1999, UNESCO công nhận Khu phố cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới đã là một khẳng định vị trí và sự góp mặt của Di sản Văn hóa Hội An trong kho tang Di sản Văn hóa nhân loại.
 
           
              Nền gốm sứ mậu dịch Việt Nam
 
              Gốm men Việt Nam đã có lịch sử dài non 2000 năm. Nhưng cho đến nay, các nhà khảo cổ mới chỉ tìm thấy gốm Việt Nam gia nhập vào thị trường gốm thương mại bắt đầu từ thế kỷ 14. Bằng chứng sớm nhất của gốm thương mại Việt Nam là mảnh gốm hoa lam tìm thấy trong ngôi mộ ở Dazaifu (Nhật Bản). Ngôi mộ này có niên đại 1.130. Hai thế kỷ sau - thế kỷ 15 và 16 có thể được coi là thời kỳ rực rỡ nhất của gốm thương mại Việt Nam.Trong hai thế kỷ này, gốm Việt Nam đã được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, các nước Đông Nam Á, Trung Cận Đông và chắc chắn đến cả các nước Châu Âu. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 32 địa điểm khảo cổ học ở Đông Nam Á có gốm Việt Nam bao gồm: Malaysia 9 địa điểm, Brunei 2 địa điểm, Indonesia 11 địa điểm, Phillipine 10 địa điểm.
 

 
            - Ở Nhật Bản, nhiều thành phố như Okinawa, Nagasaki, Hakata, Dazaifu, Osaka, Sakai, Hiroshima ... cũng đã phát hiện được gốm Việt Nam.
            - Ở Trung Cận Đông, gốm Việt Nam mới chỉ tìm thấy có 2 địa điểm là Fustat (Ai Cập) và Al-tur trên bán đảo Sinai.
            Gốm thương mại Việt Nam thế kỷ 15 - 16 đã được xác định là được sản xuất từ các trung tâm lớn như Hải Hưng, Bát Tràng ở phía Bắc và Bình Định ở phía Nam. Trung tâm Hải Hưng đã đóng vai trò chính trong việc sản xuất gốm thương mại Việt Nam ở giai đoạn này với các lò nổi tiếng như Chu Đậu, Hợp Lễ, Cậy... Sản phẩm của các lò này là gốm hoa lam, gốm vẽ màu trên men. Trung tâm gốm Bình Định với các lò: Gò Sành, Gò Trường Cửu, Gò Hời, Gò Cây Me... Sản phẩm các các lò này là gốm đơn sắc có màu xanh ngọc và màu vàng nâu. Bước sang thế kỷ 17, gốm thương mại Việt Nam đột nhiên vắng bóng trên thị trường thế giới. Cho đến nay mới chỉ tìm thấy gốm Việt Nam giai đoạn này ở Nhật Bản. Thị trường gốm Nhật Bản tiếp tục nhập các sản phẩm của lò gốm Hợp Lễ (Hải Hưng) với các loại bát, đĩa vẽ hoa cúc bằng màu lam lẫn rỉ sắt trên nền men trắng đục và đồ sành của các lò ở miền Trung như Mỹ Xuyên, Phước Tích...(Thừa Thiên Huế). Như vậy là trong vòng 4 thế kỷ, gốm thương mại Việt Nam đã góp phần không nhỏ thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các dân tộc.
 
 
                 2. Trưng bày, giới thiệu về kiến trúc nhà 80 Trần Phú

                     Gian trưng bày này giới thiệu tổng quan về kiến trúc nhà 80 Trần Phú, công tác trùng tu ngôi nhà để thích ứng thành Bảo tàng chuyên đề Gốm sứ Mậu dịch
 
                   3. Khai quật di chỉ tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm

 
                      Nhiều đồ gốm Việt Nam đã và đang được vớt lên từ một địa điểm dưới đáy biển cách Cù Lao Chàm 15 km về phía Bắc, cách bán đảo Đà Nẵng 20 km về phía Đông và cách đất liền khoảng 30 km. Di chỉ được xác định trên bản đồ ở vi trí 1080 31’ kinh Đông, 17074’ vĩ độ Bắc, có độ sâu khoảng gần 80 m. Những đồ gốm này có niên đại thế kỷ 15 -16 và được các lò gốm ở miền Bắc Việt Nam sản xuất. Rất nhiều đồ gốm của con tàu đã không bị phá hủy vì chúng nằm trong lớp bùn biển, chính bùn biển đã giữ cho chúng không bị phá hủy khi con tàu bị đắm. Một số lớn đồ gốm Việt Nam được phát hiện từ con tàu đã cho thấy đó là hàng mậu dịch và đó là một chiếc tàu buôn Việt Nam đang giương buồm đi về phía Nam gần đến vùng Cù Lao Chàm. Nhưng thật bất hạnh con tàu đã gặp tai họa và chìm xuống biển. Sau khi bị đắm thân tàu đã nhanh chóng chìm vào lớp bùn, nên một phần thân hoặc lườn tàu vẫn còn nguyên vẹn. Do vậy, nhiều đồ gốm vẫn có thể được phát hiện nguyên trạng trong lòng tàu. Rất nhiều kiểu dáng quen thuộc của đồ gốm Việt Nam như đĩa, bình có kích thước lớn trang trí hoa văn thảo mộc vẫn còn nguyên vẹn khi được vớt lên. Trong số ấy phần lớn là những chiếc bát. Tuy nhiên có một số đồ gốm lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, ví dụ như một chiếc bát hoa lam vẽ rồng. Những đồ gốm này đã được xác định là hàng xuất khẩu mà con tàu buôn đang chở đến các nước Đông Nam Á. Chiếc tàu đi xuống phương Nam theo con đường biển Đông, vốn đã được thiết lập dọc bờ biển Việt Nam.


.
Quang cảnh hiện trường khai quật di chỉ Tàu đắm

Một số hiện vật được khai quật tại di chỉ tàu đắm Cù Lao Chàm
Một số hiện vật khai quật được từ con tàu
 
                  Lý giải về vị trí tàu đắm (ngoài khơi), chiếc tàu buôn đã có thể được an toàn nếu nó đi theo hải trình ven bờ. Từ xa xưa, “Hải trình ven bờ” vẫn thường được sử dụng vì thủy thủ có thể nhận ra vị trí con tàu của mình nhờ các vật chuẩn trên bờ. Họ đã có những hiểu biết chính xác về địa lý của hải trình từ Việt Nam tới phía Nam trong những ngày này. Đi theo hải trình cách bờ 30 km còn có thể tránh được sự tấn công của bọn hải tặc. Con tàu buôn có thể trên đường đi về phía Nam trong biển Đông và các vật chuẩn trên bờ nằm trong tầm nhìn từ mạn phải của nó. Kết quả cuộc khảo sát, điều tra khảo cổ học về con tàu buôn bị đắm này cho thấy sự cần thiết phải sớm cho công luận được biết để góp phần vào việc nghiên cứu gốm thương mại và mối quan hệ kinh hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng ở Đông Nam Á.
 
             4. Giới thiệu các di chỉ trong Khu Phố Cổ Hội An
 
                   Di chỉ hội quán Triều Châu
 
              Nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Duy Hiệu. Tháng 7/1989, di chỉ đã được các nhà klhảo cổ học thuộc Trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội, Bảo Tàng Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý di tích Hội An đào 4 hố thám sát với mục đích nghiên cứu địa tầng và tìm vết tích những kiến trúc cổ. Tầng văn hóa ở các hố dày từ 1,6m đến 1,9m.
           + Hiện vật thu được gồm:
            - Gốm sứ Đại Việt thời Lê - Nguyễn, gốm sứ Trung Quốc thời Minh - Thanh và một số gốm sứ Nhật Bản (HIZEN). Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
            - Gốm sành: không rõ xuất xứ, có số lượng lớn, phong phú hình loại. Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
            - Gạch, ngói vụn: không xác định được niên đại và xuất xứ.
           - Tiền đồng: 6 đồng còn nguyên vẹn, 4 mảnh còn đoán được niên hiệu các triều vua Việt Nam, Trung Quốc. Tiền đồng đưọc phát hiện từ trên bề mặt đến độ sâu 1,35m.                       Khung niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20.
              Kết quả khai quật di chỉ cho thấy, tại đây từ lâu đời đã có cư dân sinh sống và cư trú liên tục cho đến nay.
 
                   Di chỉ Thanh Chiếm - Cẩm Hà
              Di chỉ Thanh Chiếm nằm ven dải cồn cát cao, bên cạnh bờ sông cổ, nay thuộc thôn 6, xã Cẩm Hà, cách trung tâm thị xã khoảng 2 km về hướng Tây - Bắc. Tháng 7/1989, di chỉ đã được các nhà khảo cổ học thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban quản lý di tích Hội An, điều tra và đào 3 hố thám sát với tổng diện tích 20m2. Trong các hố đào xuất hiện nhiều hiện vật gốm sứ, phong phú loại hình thuộc các thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 19. Đặc biệt, tại đây đã tìm thấy một số lượng lớn gốm sứ mậu dịch có nguồn gốc từ Trung Quốc (các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông..), Nhật Bản (Hizen), cùng với đồ gốm đất nung địa phương (Thanh Hà) có niên đại thế kỷ 17,18. Sự có mặt của các loại hình gốm sứ nhiều thời đại chứng tỏ rằng từ rất sớm vùng bến sông này đã có dân cư sinh sống và việc giao lưu buôn bán đã phát triển.
 
                  Di chỉ nhà số 129 - Phan Chu Trinh
          Nhà số 129 nằm ở phía Nam đường Phan Chu Trinh, cách Chùa Cầu 200m về phía Tây Bắc. Di chỉ đã được các nhà Khảo cổ học Nhật Bản (Trường Đại học Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Ban Quản lý di tích Hội An đào thám sát vào tháng 1 năm 1994. Hố thám sát có diện tích 6m2 nằm trong vườn nhà. Trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của một niên đại thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 cùng với nhiều mảnh gốm sứ Nhật (HIZEN), gốm sứ Trung Quốc và gốm sành Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19. Khu vực này chưa tìm thấy dấu vết cư trú của con người ở thế kỷ 16, 17.
 
                  Di chỉ nhà số 85 - Trần Phú
            Di chỉ nhà số 85 nằm phía Nam đường Trần Phú, cách chùa Cầu 300m về phía Đông. Di chỉ đã được các nhà Khảo cổ học Nhật Bản (Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban Quản lý Di tích Hội An và Viện khảo cổ học khai quật vào tháng 9 năm 1993. Trước khi tiến hành khai quật, di chỉ đã được đào thám sát vào tháng 3 năm 1993. Hố khai quật có diện tích khoảng 8 m2. Trong hố khai quật đã tìm thấy dấu vết của 3 lớp kiến trúc cổ.
           -  Lớp 1: Là nền của căn nhà, phía sau nhà số 85 hiện tại.
           -  Lớp 2: Dưới đáy cống ngầm của căn nhà lớp trên lộ ra một khoảng sân lát đá. Phía Đông sân đá là lớp nền của một nhà cầu cổ.
           -  Lớp 3: Bên dưới sân lát đá là một lớp nền được lát bằng gạch. Dưới lớp nền này 0.20m lại có thêm một lớp nền gạch nữa lát bên trên bề mặt lớp đất tạo nền.
            Theo các khế ước, văn tự của nhà số 85 phố Trần Phú cho biết căn nhà này được kê khai vào khoảng năm 1811. Do vậy, lớp kiến trúc thứ nhất có niên đại cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ thứ 20. Những mảnh gốm tìm thấy ở lớp nền thứ 2 và thứ 3 đều có niên đại cuối thế kỷ thứ 18. Đó cũng là niên đại của lớp kiến trúc này. Tại đây, đã không phát hiện được bất kỳ dấu vết cư trú nào của cư dân Hội An vào thế kỷ 16-17. Vì vậy, có thể đoán chắc rằng, khu vực phía Nam đường Trần Phú hiện nay không phải là phố cổ Nhật Bản ngày xưa.
 
                    Di chỉ Đình Cẩm Phô
            Di chỉ khảo cổ học đình Cẩm Phô nằm ở phía Bắc đường Nguyễn Thị Minh Khai, cách chùa Cầu 150 mét về phía Tây. Di chỉ đã được các nhà khảo cổ học Nhật Bản (trường Đại học nữ Chiêu Hòa) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Ban quản lý di tích Hội An và Viện Khảo cổ học đào thám sát ba lần.
              - Lần thứ nhất: Tháng 11 năm 1994, hố thám sát có diện tích 4m2 sau đó được mở rộng thêm 3m2. Trong hố thám sát đã tìm thấy dấu vết của một mương nước cổ cùng với nhiều  mảnh gốm sứ Nhật (Hizen) gốm sứ Trung Quốc (các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông) và gốm sành Việt Nam thế kỷ 16,17.
              - Lần thứ hai: Tháng 3 năm 1994, di chỉ được đào thám sát với diện tích 6m2 trên sân đình. Tại đây, cũng tìm thấy dấu vết của một rảnh nước cổ. Trong lòng rảnh nước tìm thấy nhiều gốm sứ Nhật Bản (Hizen), Trung Quốc và gốm sành Việt Nam thế kỷ 16,17.
              - Lần thứ ba: Tháng 8 năm 1994, hố thám sát được mở ở trước đình rộng 6m2. Tại đây chỉ tìm thấy gốm sứ Nhật Bản (Hizen), gốm sứ Trung Quốc, gốm sành Việt Nam thế kỷ 17.
            Những tài liệu thu được qua các cuộc đào thám sát ở đình Cẩm Phô đã khẳng định khu vực này đã có người cư trú từ cuối thế kỷ 16 và trở nên đông đúc hơn vào thế kỷ 17.

 
                 
              * THÔNG TIN CẦN BIẾT
                               - Địa chỉ: Số 80 đường Trần Phú - TP Hội An - Quảng Nam
                       - Điện thoại liên hệ: 0510.3862944
                       -
Bảo tàng mở cửa từ 7h00 đến 21h00 tất cả các ngày trong tuần. Riêng ngày 15 hàng tháng Bảo tàng đóng cửa thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ
                       -
Nội quy tham quan Bảo tàng:
                                +  Có vé tham quan
                                + Trang phục lịch sự khi tham quan bảo tàng
                                + Không sờ vào hiện vật
                                + Mọi hành vi gây hư hại, tài sản phải bồi thường
                                + Giữ gìn trật tự, vệ sinh chung
                                + Mọi yêu cầu, góp ý xin liên hệ với nhân viên quản lý hoặc ghi vào sổ góp ý
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Phòng Bảo Tàng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây