NHÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HỘI AN

Thứ bảy - 10/08/2013 04:20

NHÀ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HỘI AN

Nhà Truyền thống Cách mạng, nơi trưng bày những tài tiệu hiện vật liên quan đến lịch sử cách mạng của quân và dân Hội An trước khi có Đảng đến ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng.
      
 Phòng truyền thống Cách mạng trước đây tọa lạc tại số 12 Phan Chu Trinh  (Phòng văn hóa Thị xã Hội An), đến năm 1995, Phòng truyền thống Cách mạng trưng bày ở tầng 2, số 149 Trần Phú. Hiện nay, Phòng truyền thống Cách mạng Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số 10B - Trần Hưng Đạo – TP. Hội An. Phòng truyền thống Cách mạng hiện đang trưng bày 323 hiện vật theo từng giai đoạn như sau:
 
         1. Giai đọan lịch sử cách mạng 1925 - 1929

            Trong giai đoạn này, Hội An là nơi diễn ra các cuộc vận động dân tộc dân chủ rất sôi nổi tạo điều kiện cho những thanh niên tiến bộ tìm cách bắt liên lạc với những tổ chức cách mạng. Trong đó phải kể đến sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Vào tháng 10/1927, “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” Hội An ra đời tại nhà Đức An , do đồng chí Phan Thêm (tức Cao Hồng Lãnh) làm bí thư. Sự ra đời của “Hội Việt Nam cách mạng thanh niên” ở Hội An là sự tiếp nối cho sự ra đời của “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập vào tháng 6 năm 1925 nhằm truyền bá đường lối cách mạng vào trong nước, mở ra thời kỳ mới cho cuộc đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc.
Sau khi thành lập “Hội Việt nạm cách mạng thanh niên”, ở Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động để xây dựng phong trào như: mở hiệu sách Vạn Sanh, lập Đội bóng đá, gánh hát cải lương để tuyên truyền,…tạo cảm tình tốt với đông đảo quần chúng, qua đó có nhiều hội viên được rèn luyện, thật sự trở thành những “hạt Giống đỏ” của phong trào cách mạng ở Hội An sau này.

 
        2. Giai đọan lịch sử cách mạng 1930 - 1945:  Đây là giai đoạn nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hội An nói riêng phải đối phó với sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp

            *
Sự ra đời của Đảng Bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam năm 1930 và Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam Thị xã Hội An năm 1930: Mùa Xuân năm 1930, lịch sử dân tộc bước sang một bước ngoặt mới, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội Nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng, Trung Quốc vào ngày 3/2/1930. Ngày 28/3/1930, tại cây Thông Một xã Cẩm Hà (nay thuộc khối Tân Thanh, phường Tân An) Hội An tỉnh ủy Lâm thời đã ra thông cáo tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam. Đồng chí Phan Văn Định được bầu làm Bí thư tỉnh ủy (đồng chí Phan Văn Định quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, công nhân lái xe). Chỉ gần một tháng sau, vào tháng 4 năm 1930 Chi bộ cộng sản của thị xã Hội An đã được thành lập gồm 4 đồng chí Đảng viên, do đồng chí Hà Mùi làm bí thư, và các đ/c Huỳnh Lắm, Nguyễn Vỹ, Nguyễn Thị Dư. Chi bộ Đảng ở Hội An vừa mới ra đời đã có quan hệ gắn bó chặt chẽ với các tổ chức quần chúng nên đã trở thành đội quân tiên phong của cách mạng. Chi bộ Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động xây dựng phong trào nên đã từng bước nâng cao được uy tín của Đảng trong các tầng lớp nhân dân. 


              * Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở Hội An: là giai đoạn cao trào của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau hơn 10 năm hoạt động, trải qua các cao trào đấu tranh 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939 - 1941, đến tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng ở Hội An phát triển mạnh. Trong khi đó, chính quyền thực dân tay sai bị suy yếu do chịu tác động của tình hình trong nước và thế giới. Tháng 8/1945 thời cơ cách mạng đã đến, Ban bạo động khởi nghĩa ở Hội An thành lập. Tỉnh ủy đã cử đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công ) và đồng chí Phan Thị Nễ về tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An. Đêm 17 rạng sáng 18/8/1945, lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Hội An được ban bố. Từ Ngọc Thành, đoàn quân khởi nghĩa tiến xuống Hội An theo lối chùa Cầu, chiếm Bưu điện, đồn lính Bảo An và nhiều vị trí quan trọng khác của địch. Đến 6 giờ sáng cùng ngày, đoàn quân cách mạng chiếm lĩnh tòa tỉnh trưởng. Tỉnh trưởng Tôn Thất Giáng giao nộp ấn tín cho ủy ban khởi nghĩa, tuyên bố đầu hàng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ Thực dân phong kiến ở Hội An. Lúc 6 giờ sáng ngày 18/8/1945 nhân dân Hội An được chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước dinh tỉnh trưởng, chứng kiến giờ phút thiêng liêng của ngày hội cách mạng lật đổ ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến, xây dựng chính quyền công nông đầu tiên ở Hội An.
               Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền thành công, Hội An là nơi đóng trụ sở của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời, Ủy ban Việt Minh của Tỉnh. Ngày 3/9/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Lâm thời Thị xã Hội An ra mắt tại rạp xinê Phan Hương. Cùng ngày, UB Việt Minh Cửu Long Thị xã ra công khai hoạt động, đóng tại số 2 Ree du Mar Che (nay là số 02 Nguyễn Huệ) do đồng chí Hoàng Kim Anh làm chủ nhiệm đã mở các lớp huấn luyện ngắn ngày phổ biến cương lĩnh, điều lệ chính sách của mặt trận Việt Minh. Trong thời gian này, Ủy ban Việt Minh Cửu Long đã mở các lớp huấn luyện ngắn ngày phổ biến cương lĩnh, điều lệ, chính sách của mặt trận Việt Minh, kêu gọi các thân hào, nhân sĩ, trí thức, địa chủ tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước. Sau Cách mạng tháng 8/1945, Đảng bộ Hội An bắt tay ngay vào việc xây dựng chính quyền, phát triển các đoàn thể cứu Quốc, tổ chức ổn định đời sống cho nhân dân, chuẩn bị tinh thần và lực lượng mọi mặt để bước vào cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược.

       3. Giai đoạn lịch sử cách mạng 1945 - 1954

            Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và mặt trận Việt Minh Cửu Long thị xã, nhân dân Hội An đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, tham gia diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng đời sống văn hóa mới và họ đã thực sự trở thành người làm chủ.

            Ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, nhân dân Hội An lần đầu tiên đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội tại Tụy Tiên Đường Minh Hương (nay là số 14, Trần Phú). Tuy nhiên, Nước nhà độc lập chưa được lâu, Thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược đất nước ta lần nữa, đến tháng tư năm 1947, thực dân pháp đã tái chiếm Hội An làm tỉnh lị đặt bộ máy cai trị cũ tỉnh QuảngNam. Ngoài việc thiết lập chính quyền tay sai, hệ thống bốt đồn ở nhiều nơi, Thực dân pháp còn cho xây dựng một nhà lao trên khuôn viên vườn của gia đình ông Thông Đăng để làm nơi giam cầm những người dân yêu nước và chiến sĩ Cách mạng. Ngày 19/12/1946, Hồ chủ tịch đã ra lời kêu gọi tòan quốc kháng chiến chống TD Pháp. Và cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Dù gặp rất nhiều khó khăn gian khổ nhưng nhân dân Hội An vẫn tiến lên chiến đấu mạnh mẽ, ngoan cường, không lùi bước trước kẻ thù xâm lược, hàng trăm thanh niên hồ hởi làm theo tiếng gọi của nhân dân của Đảng và của bác Hồ. Trong số đó có công rất lớn của các đồng chí Đội biệt động 2 thuộc thị đội Hội An.

           Năm 1948 cùng với nhân dân cả nước và tỉnh Quảng Nam, quân dân Hội An đã đứng lên kháng chiến chống TD Pháp để giải phóng quê hương. Ngay từ những ngày đầu tiến vào hội An, Thực dân Pháp đã vấp phải sự kháng cự kiên cường của quân và dân Phố Hội. Bộ đội địa phương, du kích biệt động, già trẻ gái trai tưng bừng khí thế lập công, hừng hực tinh thần yêu Nước đã tổ chức nhiều trận đánh xuất sắc vào hang ổ kẻ thù. Trong đó phải kể đến trận đánh bắt sống tỉnh trưởng Hồ Ngận. Đêm ngày 4/1/1949, quân và dân Thị xã tiến đánh các vị trí địch ở nội ô Hội An, tấn công vào Tư thất bắt sống tỉnh trưởng Hồ Ngận cùng Đặng Thống Phát – Trưởng phòng lưu trữ hồ sơ, căn cước của Ngụy, sau đó rút về vùng giải phóng an toàn.

           Với thành tích bắt sống tỉnh trưởng bù nhìn và cùng với nhiều chiến công xuất sắc khác trong kháng chiến chống TD Pháp, quân và dân Hội An đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi tặng khẩu súng cacbin mang tên Người. Khẩu súng là phần thưởng cao quý, là động lực tinh thần vô cùng to lớn động viên, khích lệ quân và dân Hội An tiếp tục chiến đấu, hy sinh lập nên những chiến công vang dội: đêm 30/4/1954, lực lượng vũ trang của thị xã tiến đánh nhiều vị trí của địch ở Nội ô Hội An, tấn công nhà lao Thông Đăng, giải thoát 1200 đồng bào và chiến sĩ Cách mạng bị địch giam cầm tại đây. Chiến công này góp lửa cùng chiến thắng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ làm nên một đại thắng vang dội và đi đến hiệp định Giơnevơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Gơ ne vơ ký kết chưa ráo mực thì bộ mặt phản dân hại nước, làm tay sai đế quốc Mỹ của chính quyền Ngô Đình Diệm đã lộ rõ.

 

 
          Tháng 8 /1954, Chính quyền Diệm đến tiếp thu QN-ĐN, chúng gây ra những vụ thảm sát tàn bạo ở chợ Được, Chiên Đàn…chỉ mấy chục ngày sau hiệp định Giơnevơ được ký kết; máu của đồng bào, đồng chí lại phải đổ khắp nơi toàn thị xã Hội An. Bọn Mỹ Diệm thành lập các “Đoàn chính trị” để tiến hành “tố cộng, diệt cộng” một cách dã man tàn bạo. Trước tình hình đó, nhân dân đã tổ chức nhiều cuộc mitting, biểu tình để vạch trần bộ mặt phản dân hại nước những tội ác của chính quyền Diệm Nhu, trong đó có cuộc biểu tình của nhân dân Kim Bồng (xã Cẩm Kim) vào ngày 15/08/1954. Với phương tiện sẵn có của mình, trên làng quê sông nước bà con nhân dân Kim Bồng tham gia biểu tình rầm rộ trên những chiếc ghe chèo và giương cao cờ Tổ quốc.
          Sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, bên cạnh sự lãnh đạo Tài tình của Đảng Bộ Thị xã, nổ lực chiến đấu của các chiến sĩ Cách mạng. Còn phải kể đến sự đóng góp về vật chất lẫn tinh thần của những người dân yêu nước Hội An. Những tình cảm đó được ghi dấu qua những hiện vật như một minh chứng hùng hồn cho những chặng đường lịch sử đã qua.

 

 
         4. Giai đoạn lịch sử cách mạng 1955 - 1964

            Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, Mỹ nhảy vào Đông dương (hiệp định Gơnevơ) và chia cắt đất Nước làm 2 miền. Hội An nằm trong vùng kiểm sóat của bọn Mỹ Ngụy, và một lần nữa cùng với nhân dân cả nước, Đảng bộ chính quyền và nhân dân Hội An lại phải đương đầu với chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ. Để thực hiện hành động cướp Nước, chính quyền Diệm đã tiến hành chiến dịch “ Tố cộng, diệt cộng” đưa ra luật 10/59 để tàn sát những chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng. Những lớp tố cộng thực chất là nơi hành hạ những người kháng chiến với đủ mọi thứ nhục hình với âm mưu đánh phá tổ chức Đảng, triệt tiêu ý chí đấu tranh Cách mạng của nhân dân. Bọn Mỹ Ngụy đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, bố trí bộ máy kèm cặp cài khắp xóm làng, tổ chức vây ráp, bắt giết cán bộ, Đảng viên và cơ sở quần chúng cách mạng. Gia đình cách mạng bị treo bảng đen, những người tình nghi can cứu chính trị bị liệt vào hạng công dân bất hợp pháp. Nhiều đồng chí, đồng bào dù bị địch bắt bớ, giam cầm, tra tấn bằng đủ loại nhục hình, thậm chí bị sát hại bằng những hình thức dã man như bỏ bao tời thả trôi sông, mổ bụng moi gan nhưng vẫn giữ tròn khí tiết trung kiên của người cộng sản “ thà chết vinh còn hơn sống nhục”. Với họ chỉ kiên định 1 lời nguyền:
“Dù cho giặc khảo giặc tra
Cắn răng chịu đựng không xa Đảng mình”
              Chưa dừng ở đó, từ năm 1960, khi nhà lao Thông Đăng không còn đủ sức chứa, Đế quốc Mỹ cùng Ngụy quyền Quảng Nam tiếp tục cho xây dựng nhà lao Xóm Mới (trung tâm cải huấn tỉnh Quảng Nam) để làm nơi giam cầm, tra tấn, giết hại dã man những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu Nước trong và ngoài tỉnh Quảng Nam ( nhà lao này tồn tại cho đến năm 1975). Trong tang tóc đau thương, nhân dân Hội An lại vùng lên đồng khởi giành chính quyền. Đêm ngày 8/11/1962, 24 chiến sĩ đại đội 2 và du kích xã Cẩm Hà làm lễ xuất quân. Sau 15 phút chiến đấu đầy dũng cảm, quân ta đã chiếm lĩnh, san bằng cứ điểm địch, tiêu diệt 92 tên (1 đại úy) thu và phá hủy 75 khẩu súng. Đêm 27/9/1964, nhân dân Cẩm Thanh đã nhất tề đứng dậy, ngụy trang bằng súng bẹ dừa, hành quân rầm rộ, làm cho bọn địch lầm tưởng rằng bộ đội chủ lực trở về giải phóng Cẩm Thanh. Quân ta bắt gọn một 1 trung đội nghĩa quân địch, mở mitting tại đình Thanh Nhất, tuyên bố xóa sổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền Cách mạng và mặt trận dân tộc giải phóng xã. Sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ cao trào Đồng Khởi giành chính quyền về tay nhân dân trong toàn Thị xã, đánh dấu sự mở đầu một giai đoạn phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Hội An.
Sau thắng lợi này, cả thị xã đẩy mạnh cao trào Đồng Khởi, Cẩm An, Cẩm Hà, rồi cả Cẩm Nam đều giành thắng lợi. Từ đây vùng gỉai phóng Hội An ngày được mở rộng. Từ cụ già đến em thơ đều hăng hái tham gia rào làng chiến đấu, tạo thành những căn cứ Cách mạng vững chắc để quân ta chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Trong số đó phải kể đến “Di tích Rừng dừa Bảy Mẫu” – căn cứ địa Cách mạng của quân và dân Hội An trong kháng chiến chống Mỹ. Sự ra đời của căn cứ địa gắn với môi trường sông nước và rừng dừa ngập mặn này đã chứng tỏ trí thông minh, linh hoạt, sáng tạo của quân và dân Hội An.

          5. Giai đoạn lịch sử Cách mạng 1965 – 1975

         Từ đầu những năm 1965, là thời điểm phát triển vượt bậc của vũ khí đấu tranh chính trị trực diện với kẻ thù. Bên cạnh đó, quân dân Hội An đã sử dụng truyền đơn trong đấu tranh chính trị của những năm kháng chiến chống Mỹ.
         Tháng 3/1965 những tên tình báo, cố vấn Mỹ đầu tiên đến Hội An xây dựng cơ quan CIA và USOM ngay tại trung tâm thị xã. Tháng 6/1966 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Đà Nẵng, Hòa Vang, Điện Bàn ào ạt tiến vào thị xã, đến tháng 12/1967 tiểu đoàn lính Nam triều Tiên thuộc lữ đoàn rồng xanh được tăng cường phối hợp với hàng ngàn lính Ngụy xây dựng hàng loạt cứ điểm ở Cẩm Hà, Cẩm Hải, Cẩm An… tạo vành đai án ngữ phía tây bắc thị xã. Với chiến thuật 2 gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”, địch tập trung đánh phá ác liệt vùng giải phóng bằng các cuộc “bình định các trọng điểm”. Bọn Mỹ Ngụy không chỉ sát hại nhân dân ta một cách điên cuồng mà còn sử dụng những sản phẩm văn hóa đồi trụy nhằm đầu độc nhân dân ta về mặt tư tưởng.
          Với tinh thần: “không sợ Mỹ vào đông, chỉ sợ không có Mỹ để đánh”. Ngày 12/8/1965, quân dân du kích xã Cẩm An đã phục kích bắt sống tên sĩ quan Mỹ - Trung úy Papi ở An Bàng, Cẩm An. Đây là sĩ quan Mỹ đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà bị quân và dân ta bắt sống làm tù binh( Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên gỗ). Chiến công này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang thị xã và làm dấy lên phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” trên toàn mặt trận Quảng Đà. Đầu năm 1967, địch dồn dân vào các khu tập trung nhằm tách dân khỏi Đảng, tát nước bắt cá. Địch liên tục tổ chức nhiều đợt càn quét các vùng giải phóng, đốt nhà, cướp của, ép dân vào các khu dồn, gây nhiều tội ác. Hàng ngàn tấn bom của kẻ thù lại trút xuống mảnh đất Hội An. Nhân dân Hội An, với ý chí kiên cường, quyết tâm giữ đất giữ làng, kiên quyết đấu tranh chống lại tội ác của Mỹ Ngụy, đã ra sức chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhằm lật đổ chính quyền Mỹ Ngụy trên đất Hội An.
           Đêm 14 rạng sáng ngày 15/7/1967, lực lượng vũ trang thị xã phối hợp với một đơn vị của tiểu đoàn 2 (V25) mở trận tập kích giải phóng nhà lao Hội An. Được quần chúng giúp đỡ, quân ta cải trang thành lính Ngụy vượt qua nhiều tầng kiểm soát bất ngờ tấn công vào lô cốt, công sự bảo vệ nhà lao, tiêu diệt trung đội bảo an bảo vệ nhà lao và những tên đầu sỏ như đề lao trưởng, an ninh, giám thị, giải phóng 1240 tù nhân trong đó phần lớn là cán bộ du kích địa phương trong toàn tỉnh. Toàn bộ tù nhân được bố trí thuyền ghe đưa về vùng giải phóng an toàn. (để hiểu rõ hơn, xin mời quý khách nhìn lên tranh sơn dầu).
         Đêm ngày 4/9/1967 lực lượng vũ trang của Thị xã phối hợp với Tiểu đòan hai của Tỉnh, tấn công tiêu diệt 70 tên ngụy, 6 cố vấn Mỹ và bắt sống 15 tên tù binh Mỹ, tiêu diệt tên chi khu trưởng và giải thoát 60 tù nhân cách mạng. (nay là cơ quan quân sự Thị xã Hội An).

       * Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu thân năm 1968: Lúc 1h45 phút ngày 31/1/1968, cuộc tổng tấn công và nổi dậy tết mậu thân của quân và dân Hội An bắt đầu. Hơn 11 ngàn quần chúng Cách mạng, một bộ phận từ vùng đông Duy Xuyên, từng đoàn thuyền hiện ra, vượt Hạ lưu Thu Bồn, chở đầy súng đạn, bộ đội, đồng bào tập kích tại cẩm An lao thẳng vào thị xã; một bộ phận xuất phát từ hướng đông bắc(cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà), một bộ phận khác theo hướng Tây nam mang theo dao, rựa, gậy gộc, cờ băng, rầm rập tiến vào hang ổ kẻ thù thị uy, đưa tối hậu thư buộc địch đầu hàng. Du kích Cẩm Hà, Cẩm Châu xông lên tiêu diệt địch tại trường Lệ, du kích Cẩm An, Cẩm Thanh phối hợp chặn đánh bọn hải thuyền tiếp ứng. Du kích Cẩm Kim đột kích đánh địch ở Ngọc Thành, bến xe, du kích Cẩm Nam cùng đồng bào khởi nghĩa làm chủ hoàn toàn trận địa. 
  
       * Tổng tiến công và nổi dậy xuân Kỷ Dậu năm 1969 là chiến công vang dội của Đảng bộ, quân và dân Hội An. Chỉ với lực lượng địa phương, bằng lối chỉ đạo sắc xảo quân dân thị xã đã đẩy lùi các đợt phản công của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 700 tên, phá hủy gần 50 xe các loại, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Với chiến thắng này, quân dân Hội An được tặng thưởng 2 huân chương quân công hạng 3. Thông tin này đã được đăng lên Báo giải phóng cơ quan thông tin tuyên truyền của Mặt trận dân tộc Giải phóng Quảng Nam Đà Nẵng số 150 ra ngày 5/3/1969.
        Từ năm 1970 - 1975 quân và dân Hội An tiếp tục chiến đấu, lập thêm nhiều chiến công vang dội như đêm ngày 7/1/1970 tấn công cứ điểm Chi Lăng, tiêu diệt 108 tên địch, phá hủy 4 kho hậu cần, 30 xe bọc thép, 4 pháo 105 ly, cùng hệ thống lô cốt, hầm ngầm. Ngày 25/5/1972, quân ta tiêu diệt chốt điểm cầu Phước Trạch giữa ban ngày. Trong chốc lát, quân ta triển khai đánh chiếm các chốt điểm tại Chùa cầu và trụ sở hội đồng Ngụy quyền xã Cẩm An, diệt 1 mâm tề gồm 13 tên ác ôn, 2 trung đội Bảo an và nghĩa quân Ngụy, loại khỏi vòng chiến 46 tên địch, thu 17 súng, và nhiều chiến lợi phẩm khác, hỗ trợ quần chúng phá banh khu dồn trở về làng cũ. Những chiến công này góp phần tạo nên thế và lực mới để quân dân Hội An tiếp tục tấn công và nổi dậy giải phóng quê hương.

       * Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975: Thời cơ đã đến, lúc 5 giờ sáng ngày 28/3/ 1975, sau khi chiếm lĩnh các vị trí của địch, các cánh quân tiến về tòa hành chính Quảng Nam. Cờ mặt trận dân tộc giải phóng tung bay trên dinh lũy kẻ thù. Toàn bộ hệ thống ngụy quyền, ngụy quân ở Hội An bị tan rã. Khắp phố xá, làng quê, ngập tràn trong niềm vui chiến thắng.
            Với thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, quân và dân Hội An đã làm tan rã tại chỗ gần 13000 tên địch, chiếm lĩnh toàn bộ cơ quan đầu não chính trị, quân sự của Ngụy quyền Quảng Nam, hòa nhịp cùng cả nước kết thúc cuộc trường chinh 30 năm chiến tranh giải phóng, góp phần giành lại chủ quyền, thống nhất, hòa bình cho tổ quốc.Với những thành tích đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân Hội An đã được phong tặng:
                 + Cờ đơn vị khá nhất do chính phủ Lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng quân và dân Hội An.
                 + Cờ của thị xã Thanh Hóa kết nghĩa tặng nhân dân Hội An năm 1968
                + Giấy chứng nhận thưởng huân chương thành đồng hạng ba của UBND tỉnh QNĐN chứng nhận cho quân và dân thị xã Hội An vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam ngày 26/6/1980.
 
 
                         
 
 
 
 
 
 
 
          
 

 
 
 
                                                                                                                            
 

Tác giả: Phòng Bảo Tàng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây