Đến với Cù Lao Chàm, du khách còn bị thu hút bởi những giá trị văn hoá tinh thần, các hình thái văn hoá phi vật thể vốn được bảo lưu bền bỉ, thầm lặng, sâu kín trong cuộc sống đời thường của các thế hệ cư dân vùng biển đảo. Đó là sự bảo lưu mạnh mẽ những yếu tố gốc về ngữ âm, từ vựng dân gian; những tục ngữ, ca dao nói về đặc điểm Cù Lao Chàm, về kinh nghiệm xã hội, ngành nghề, tâm tư tình cảm của con người nơi đây; những truyền thuyết, truyện kể dân gian về sự khởi nguyên, tạo lập vùng đảo, hiện tượng tự nhiên; lốc tố, sóng gió, về các địa danh: con suối, hòn đảo, gành, bãi,..., về sự ra đời của tổ chim yến; những hình thức diễn xướng dân gian: hát ru, hát hò khoan, điệu hò, lý, hát bả trạo, múa đèn,... liên quan đến đời sống sông nước - biển đảo; các lễ lệ, lễ hội, trò chơi dân gian thể hiện sự đa dạng về nguồn gốc văn hoá, tín ngưỡng,...; những tri thức dân gian, nếp ẩm thực, nếp sống giàu tính bản địa, tính nhân văn sâu sắc. Nói khái quát hơn, đó là cách thích nghi với môi trường tự nhiên, xã hội để tồn tại và phát triển của các cộng đồng cư dân nơi này. Chính bộ phận văn hoá tại cụm đảo Cù Lao Chàm, qua đó đã góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú của di sản văn hoá Hội An, Quảng Nam nói riêng, của cả dân tộc nói chung
LỄ TẾ TỔ NGHỀ YẾN Ở CÙ LAO CHÀM
Lễ tế tổ nghề yến ở Cù Lao Chàm là một trong những lễ hội lớn của Cù Lao nói riêng và cả Hội An nói chung, vì đây không những là lễ tế tổ của một nghề mà còn được xem là lễ cúng cầu an đầu năm cho cả cộng đồng cư dân sinh sống trên đảo. Thường lễ tế được diễn ra trong hai ngày. Vào đêm ngày đầu (9/3 âm lịch), các vị cao niên trong làng và đại diện các tộc họ có liên quan đến nghề yến tập trung tại miếu tổ để tổ chức cúng lễ túc. Theo quan niệm của các vị cao tuổi, sở dĩ cúng lễ này là để cáo trước với chư tổ, thần thánh về việc tế chính ngày mai. Đến sáng ngày mồng 10/3 âm lịch, với những đội thuyền đã chuẩn bị sẵn, các vị chủ tế lễ cùng bà con cử hành lễ nghinh thần, rước vọng. Lộ trình của đoàn nghinh thần là lần lượt đi qua khu vực các lăng thờ, miếu thờ dọc trên các bãi từ Bãi Hương lên Bãi Làng, Bãi Ông. Khi đoàn nghinh thần quay về, án nghinh thần được khiêng vào đặt trong sân miếu và chuẩn bị tiến hành lễ cúng âm linh và lễ tế tổ. Nội dung lễ tế tổ là người ta ca tụng công đức của các bậc “tiền nhân sáng tạo” mở nghiệp, các bậc thần thánh bảo trợ cho nghề được “lâu bền”, để cho ngày nay hậu thể lại kế nghiệp “tuân thừa” khai thác, cầu cho nghề nghiệp phát triển, thôn xóm bình an, mọi người khoẻ mạnh. Sau lễ tế tổ, người ta thường tổ chức nhiều hoạt động thể thao phụ trợ như: thi kéo co, lắc thúng chai, đua thuyền,... để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.
LỄ CẦU NGƯ Ở CÙ LAO CHÀM
Việc tôn sùng, tín bái cá Ông là một tập tục có từ lâu đời của hầu hết ngư dân vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Có thể nói, nơi nào có ngư dân sinh sống làm ăn thì nơi đó có lăng Ông để thờ cá Ông. Quan niệm của những người đánh cá cho rằng, cá Ông là vị thần biển có nhân tính, thường xuất hiện cứu vớt những người bị nạn trên biển, là vị cứu tính kịp thời của dân chúng trên vùng biển mênh mông khi gặp thuỷ tai. Vì vậy, khi có cá Ông luỵ (chết), trôi dạt vào bờ thì người ta có nhiệm vụ phải làm đám tang đúng theo sách Thọ mai gia lễ, sau đó chôn cất và đưa xương vào lăng thờ cúng. Trước đây, nhà nước phong kiến Việt Nam cũng công nhận vai trò quan trọng của cá Ông đối với ngư dân, nên đã nhiều lần ban sắc phong, gia tặng mỹ tự là “Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần” và cho ngư dân khắp nơi xây lăng lập miếu để thờ.
Ở Cù Lao Chàm, khi ngư dân phát hiện được xác cá Ông luỵ họ thường đem mai táng tại Bãi Ông (thôn Bãi Ông), vì nơi đây bãi biển có độ dốc thấp và có đất đai rộng rãi nên rất thuận lợi cho việc mai táng. Sau khi chôn được 3 năm, người ta đào lấy xương cá Ông, dùng rượu rửa sạch và thỉnh về thờ tại lăng Ông ở Bãi Làng.
Hàng năm, trước khi chuẩn bị ra khơi đánh bắt cá vụ nam, ngư dân Cù Lao Chàm thường tổ chức lễ cúng tại lăng Ông gọi là lễ cầu ngư. Lễ này được tổ chức khá quy mô với sự tham gia của hầu hết ngư dân sinh sống trên đảo và đông đảo ngư dân ở các vùng lân cận.
Lễ cúng cầu ngư được diễn ra theo nghi thức tế lễ truyền thống vốn có từ bao đời nay của địa phương. Lễ tế thường diễn ra trong hai ngày, ngày đầu người ta tổ chức bày trí trần thiết trong lăng; đến tối thì tiến hành cúng lễ túc. Sang ngày hôm sau thì tổ chức lễ nghinh thần. Sau khi nghinh thần về người ta tiến hành cúng âm linh, cầu an và tế ông Ngọc Lân Nam Hải. Thành phần tham dự chủ yếu trong lễ tế là các cụ cao tuổi, cư dân địa phương và ngư dân ở các vùng lân cận. Thông thường sau khi kế thúc tế lễ là phần hát chèo bả trạo, trước đây người ta còn tổ chức hát bội. Sau lễ cầu ngư, ngư dân thường tổ chức các hoạt động thể thao vui chơi giải trí như: đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co,..
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền