Nhà Nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An với Hội An

Chủ nhật - 11/05/2014 21:30
Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, nhất là hơn 30 năm chiến tranh ác liệt, nhưng với nhiều cơ may, khu phố cổ Hội An vẫn giữ gìn được gần như nguyên vẹn nét cổ kính, vẻ đẹp quyến rũ của một đô thị thương cảng quốc tế sầm uất nhất Việt Nam thời trung đại. Và, trên hành trình đến với danh hiệu Di tích cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt, rồi Di sản Văn hóa Thế giới của khu phố cổ Hội An, cũng như để Hội An có được khuôn mặt rạng ngời, cuộc sống tươi đẹp như hôm nay, Hội An không bao giờ quên những người yêu Hội An, vì Hội An. Trong đó, có những người đầu tiên phải kể đến là nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An.
Nhà Nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An với Hội An
          Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An quê ở xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng lại sinh ra tại nhà thương Hội An vào ngày 13/3/1934. Mặc dù không phải là người con của mảnh đất này, nhưng với Hội An, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An luôn dành cho những tình cảm đặc biệt. Có lẽ từ những nhịp thở đầu tiên trong bầu khí của vùng đất “nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu” đã góp nhặt, ươm mầm tình yêu Hội An trong nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An để rồi sau bao năm bôn ba với nhiều công việc ở nước ngoài (Từ năm 1952-1955: dạy học ở khu học xá Việt Nam, tại Nam Ninh, Trung Quốc); rồi về ở hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa (Từ năm 1955-1965, dạy học và công tác ở Sở Giáo dục Hà Nội); cũng như ở chiến trường miền Nam (Từ 1966-1967: Là phóng viên báo Cờ giải phóng của Ban Tuyên huấn khu ủy V; Tù 1967-1975:Là cán bộ phụ trách công tác báo chí tuyên truyền của Ban Tuyên huấn đặc khu ủy Quảng Đà);  Sau ngày giải phóng đến nay, trên nhiều cương vị công tác mới (Từ năm 1975-1977: Phó trưởng ty Giáo dục Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1977-1986: Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1986-1995: Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; năm 1995 - 2004: Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Quảng Nam -  Đà Nẵng và Thành phố Đà Nẵng). Tình yêu Hội An trong nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An luôn được trỗi dậy với bao nhiệt huyết mạnh mẽ, đầy ắp mà chúng ta có thể cảm nhận được qua Nguyễn Đình An -  ký và tùy bút.

            Hội An với:
Những mái rêu hình như không đâu có,
Những bức tường cũ kỹ với những mảng vữa đã bong ra,
Những con phố hẹp, không thể hẹp hơn, với những căn nhà ống mà khi bước vào ta thấy vừa ấm áp, vừa thấy mát lành,
Những con mắt cửa ngơ ngác và thân tình,
Những bức chạm gỗ tinh mỹ, đen bóng, óng lên bề dày năm tháng
 
         Và “Dòng sông Thu Bồn ghe thuyền tấp nập, tôm cá tươi ngon, ở bên kia sông, làng quê với những vườn cây sum suê xanh biếc, đất mịn mát chân, những trái bắp thơm ngọt, những nhành mai rực rỡ”.

          Chính vẻ đẹp của Hội An từ phố cổ đến chốn đồng quê đã quyến rũ, chinh phục nhiều người, cả bạn bè nước ngoài, trong đó có nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An. Đọc “Hội An - tình yêu của tôi” trong Nguyễn Đình An - ký và tùy bút, chúng ta sẽ nhận thấy được tấm lòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An với người Hội An, với văn hóa Hội An. Có lời nhận xét, khi yêu người ta sẽ cống hiến tất cả cho cái mình yêu. Với nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, điều này là lẽ đương nhiên của cuộc sống. Ông yêu Hội An hết mình, vì Hội An hết sức. Trong sự nghiệp bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa Hội An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An được mọi người đánh giá là người đi đầu, có công đầu. Kỷ niệm trước tiên có thể kể đến là việc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An ưu ái tặng bộ phông màn, trang thiết bị âm thanh nhạc cụ cho Nhà Văn hóa Hội An khi mới thành lập lúc ông trên cương vị là Giám đốc Sở VHTT Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong bài báo đăng trên báo Đà Nẵng điện tử ngày 12/3/2013, Nhà nghiên cứu Văn hóa Bùi Văn Tiếng (Trưởng ban tổ chức thành ủy Đà Nẵng) nhận xét: 
 
Nguyễn Đình An là nhà nghiên cứu văn hóa đồng thời là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc trên lĩnh vực văn hóa. Chính lao động nhà giáo và lao động nhà báo đã đưa anh đến với văn hóa, thâm nhập vào văn hóa, từ đó gắn bó cùng văn hóa và trở thành con người của văn hóa… Việc Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới trước hết là nhờ tầm nhìn và cách nghĩ của ông Hồ Nghinh với tư cách là người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nhưng Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới cũng còn nhờ vào công sức vận động thuyết phục của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình An”.
 
            Khi bắt nhịp được suy nghĩ của kiến trúc sư người Ba Lan KAZIC, của KTS Hoàng Đạo Kính, ông đã cử ngay vào Hội An một đội ngũ chuyên gia góp phần lập hồ sơ và chỉ đạo trình Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích Quốc gia Khu Phố cổ Hội An. Để phố cổ Hội An được nhìn nhận thấu đáo các giá trị trên nhiều lĩnh vực trước khi xây dựng hồ sơ được đệ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới có công lao không nhỏ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An trong việc tổ chức thành công Hội nghị quốc gia về Đô Thị cổ Hội An vào tháng 7/1985 (lúc này trên cương vị là Giám đốc Sở văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng) và Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An vào tháng 3/1990 (lúc này trên cương vị là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia hội thảo quốc tế về đô thị cổ Hội An). Những lần tiếp xúc, vận động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An trên cương vị Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Hội bảo trợ di sản văn hóa kiến trúc khu phố cổ Hội An đối với bè bạn quốc tế, với các chuyên gia UNESCO, trong đó có cố vấn UNESCO Châu Á Thái Bình Dương Engel Hardt và đặc biệt nhất là với các nhà khoa học Nhật Bản đã mở ra những hướng kết nối giúp đỡ, hỗ trợ trong hợp tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng như trong hành trình vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 04/12/1999.

         Trên lĩnh vực nghiên cứu, dễ dàng nhận thấy, Nguyễn Đình An là nhà nghiên cứu văn hóa với bút lực dồi dào, mạnh mẽ và sâu sắc. Điều này có lẽ được kế thừa từ truyền thống gia đình thầy giáo tại quê hương Gò Nổi anh hùng và cũng chính từ những trải nghiệm, rèn giũa khi còn là thầy giáo trên bục giảng và phóng viên chiến trường tại vùng Quảng Đà ác liệt. Đến nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An đã tham gia thực hiện nhiều công trình nghiên cứu lớn về quê hương Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng như Địa chí Quảng Nam Đà Nẵng, Tìm hiểu con người Xứ Quảng, Văn hóa Hội An… Có nhiều tác phẩm được ấn hành như Nguyễn Đình An - ký và tùy bút, hay Nguyễn Đình An - Ngày ấy… Ngoài ra, còn có nhiều bài viết về văn hóa, lịch sử hết sức sâu sắc trong các tác phẩm như Đồng chí Võ chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng; Thân thế và sự nghiệp của cụ Huỳnh Thúc Kháng; Hồ Nghinh, một chiến sĩ, một con người,…

         Trong nghiên cứu về Văn hóa Hội An, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An có những nhận xét, đúc kết hết sức tinh tế về các đặc trưng của văn hóa Hội An. Qua các lần tọa đàm, trao đổi và chia sẻ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An luôn chú trọng đến tính chừng mực hướng tới ý thức về mức độ của văn hóa Hội An và lưu ý Hội An cần chú ý đến đặc trưng này. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, chừng mực không phải là không quyết liệt mà ở đây quyết liệt phải đúng cách. Quyết liệt trong bảo tồn di sản văn hóa để lấy văn hóa làm kinh tế. Chừng mực trong phát triển của đô thị hóa, hiện đại hóa, phải phát triển trong hướng bảo tồn, phải xử lý hài hòa giữa phát triển và bảo tồn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An chia sẻ đầy trách nhiệm: Hội An phải chừng mực mới là Hội An. Thực sự phải là người yêu Hội An hết mình mới am hiểu văn hóa Hội An tường tận như vậy. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An còn là nhịp cầu, là người cổ vũ mạnh mẽ cho sự hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa Hội An, nhất là đối với các bạn Nhật Bản.

         Họa sĩ Lưu Công Nhân từng nhận xét “Ở Hội An ngồi đâu cũng vẽ được tranh, đứng đâu cũng tìm ra góc đẹp”. Vẻ đẹp đó đã quyến rũ, chinh phục nhiều người trong và ngoài nước. Nhà thơ Chế Lan Viên phải thốt lên:
Hội An chẳng là quê,
Mà là hương khổ thế”.
 
          Riêng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, có lẽ Hội An đã trở thành quê hương thứ 2 của mình, nơi thuở ban đầu là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi hơn nửa cuộc đời ông đã dành cho những yêu mến đặc biệt mà ở đây thật khó có thể viết lại đầy đủ. Hội An và những người làm văn hóa Hội An xin được trân trọng mãi mãi khắc ghi, gìn giữ những tình cảm quý báu đó và coi đây là bài học ứng xử văn hóa đặc biệt cho mình.

          Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (13/3/1934-13/3/2014), Hội An nói chung, cách riêng đối với những người làm trong ngành văn hóa xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến nhà nghiên cứu. Kính chúc dồi dào sức khỏe, được “Phúc như Đông Hải, Thọ tỉ Nam Sơn”. Kính chúc nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An có thêm nhiều tác phẩm mới trong nghiên cứu văn hóa và sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa ở Xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng./.

Tác giả: Trung tâm QLBT DSVH Hội An

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây