Quan đểm bảo tồn nhà cổ ở Hội An và một phương pháp hay của người Nhật Bản
Chủ nhật - 18/05/2014 21:59
Một số quan điểm cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa cần phải bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc của từng loại hình văn hóa. Với những di sản “chết” như Cố đô Huế hoặc Thánh địa Mỹ Sơn thì quan điểm này phù hợp, bởi vì những di sản này không có cư dân sinh sống trong lòng di sản. Việc bảo tồn các di sản này là làm thế nào để gìn giữ tính nguyên gốc của di sản, không được tác động đến di sản với những yếu tố hiện đại, mà chỉ chống đỡ hoặc gia cố nếu xuống cấp khi cần thiết. Còn di sản văn hóa Hội An là di sản mà nơi con người đang sống trong từng di tích, trong lòng khu phố cổ và họ đang từng ngày, từng giờ tiếp nhận những lối sống mới, nhu cầu mới trong thời đại mới thì quan điểm bảo tồn của Hội An phải được hiểu như là những nỗ lực nhằm bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản hay “gìn giữ sự tồn tại của di sản theo dạng thức vốn có của nó”. Bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc có nghĩa là giữ lại những yếu tố gốc khi có thể và có thể thay thế nó bằng những yếu tố mới khi cần thiết nhưng không đánh mất đi giá trị của nó, hài hòa giữa cũ và mới và đáp ứng được nhu cầu sống của người dân đương đại. Vì vậy mà trong mục 2 điều 14 Quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy di tích - danh thắng Hội An có ghi: “Đối với các công trình kiến trúc cổ loại đặc biệt và loại I, chỉ khi tối cần thiết để bảo quản di tích, mới tiến hành việc trùng tu. Khi trùng tu phải tuân theo nguyên tắc giữ công năng (chức năng) vốn có của từng bộ phận và toàn bộ công trình, phải bảo tồn nguyên trạng các yếu tố gốc. Trong trường hợp bắt buộc phải thay thế một bộ phận cũ, vật liệu cũ, chất liệu cũ bằng một bộ phận mới, vật liệu mới thì phải đảm bảo tính cần thiết, tính khoa học của việc thay thế đó và phải đảm bảo tính chính xác từng chi tiết của các “yếu tố mới” so với các “yếu tố gốc”. Điều này được nhìn thấy rõ nhất trong kỹ thuật tu bổ các công trình di tích ở Hội An. Khi tu bổ, các cấu kiện gỗ được đánh dấu từng chi tiết, xác định chi tiết nào hư hỏng cần thay thế và phương pháp thay thế bằng cách lắp ghép giữa vật liệu cũ với vật liệu mới. Phương pháp này được áp dụng thành công cho việc tu bổ nhà cổ ở Hội An.
Để tu bổ một công trình di tích, trước hết một nhóm cán bộ chuyên môn bao gồm kiến trúc sư, cán bộ chuyên ngành khảo cổ, cán bộ nghiên cứu lịch sử, cán bộ quản lý xuống hiện trường khảo sát di tích. Họ sẽ đo đạc, kiểm tra, xem xét, đánh giá mức độ hư hỏng của công trình và xác định hạng mục nào cần sửa chữa, hạng mục nào cần phải giữ lại, chi tiết nào cần thay thế, chi tiết nào cần lắp ghép, chi tiết nào cần giữ lại bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể trong từng công trình di tích. Sau đó sẽ lập thiết kế - dự toán và thông qua Ban Quản lý Công trình bao gồm các thành phần nêu ở trên và có sự tham gia của lãnh đạo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa để quyết định triển khai tu bổ. Trước và trong quá trình thi công công trình luôn có mặt các cán bộ này để kiểm tra, phát hiện những chi tiết khảo cổ, kiểm tra việc triển khai thực hiện kỹ thuật tu bổ và có ghi chép cụ thể trong báo cáo nghiên cứu khoa học đối với từng công trình di tích. Điều này giúp cho việc xác định tính chân xác của từng di tích qua từng giai đoạn để những nhà nghiên cứu đi sau xác định được đâu là yếu tố gốc, đâu là yếu tố mới; để cho thế hệ mai sau không ngộ nhận giá trị văn hóa Hội An; và để cho sự hiểu biết của du khách một cách trung thực,…
Như vậy, bảo tồn di sản phải dựa trên cơ sở phân loại để tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng các biện pháp như: Bảo quản, tu bổ hoặc có khi phải phục hồi lại toàn bộ khi di sản bị hủy hoại hoàn toàn hoặc đã bị cải tạo sai lệch với nguyên gốc. Chỉ tiến hành tu bổ, khôi phục trong trường hợp cần thiết và phải đảm bảo những giá trị nguyên gốc của nó. Việc bắt buộc thay thế một bộ phận cũ bằng một bộ phận mới chỉ được tiến hành dựa trên những chứng cứ khoa học và phải được phân biệt rõ ràng giữa bộ phận mới và bộ phận gốc. Ngoài ra, việc bảo tồn di sản phải đảm bảo sự bền vững để an toàn cho con người đang sống, đang sử dụng và cho cả du khách đến tham quan.
Một kinh nghiệm hay trong việc bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản được triển khai ở Nhật Bản là việc bảo tồn nhà cổ ở Làng Shirakawa-go, tỉnh Gifu - Nhật Bản được công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1995. Làng có 114 ngôi nhà cổ lợp bằng mái tranh và có cư dân sinh sống làm ăn trong từng ngôi nhà. Vì đây là nơi trung tâm của bão tuyết nên ngôi nhà được thiết kế theo kiểu như hai bàn tay chắp lại và quay theo hướng Bắc hoặc Nam để tránh gió cấp, mùa Đông thì ấm áp và mùa Hè lại mát mẻ dễ chịu. Nhà có nhiều tầng, tầng trệt là không gian sinh hoạt, những tầng cao dần sẽ làm nơi để sản xuất, dệt lụa, se tơ. Việc bảo tồn các ngôi nhà cổ ở nơi này vẫn tuân thủ theo bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của ngôi nhà, có nghĩa là vẫn gìn giữ những yếu tố cũ và có thể thay thế những yếu tố mới khi cần thiết nhưng vẫn giữ giá trị của ngôi nhà. Đặc biệt là, khi tu bổ ngôi nhà, những chi tiết thay thế vẫn được cất giữ lại và trưng bày như một bảo tàng trong lòng ngôi nhà. Chủ di tích đã sử dụng tầng trên cùng của ngôi nhà để trưng bày tất cả những vật dụng cũ, chi tiết kiến trúc cũ, công cụ, dụng cụ tu bổ cũ,… nhằm gìn giữ những giá trị văn hóa của gia đình qua các thời kỳ. Đó cũng là những chứng tích để con cháu sau này cảm nhận được văn hóa của cha ông để lại cho dù xã hội có biến đổi, đồng thời trở thành bảo tàng gia đình trong tại chính di tích của mình. Nhiều ngôi nhà được bảo tồn như thế đã trở thành điểm tham quan của du khách và mỗi năm làng đón được 2 triệu lượt khách đến tham quan.
Quan điểm bảo tồn là để phát huy các giá trị di sản văn hóa được người Nhật Bản quan tâm như vậy nên trong quá trình hỗ trợ, giúp đỡ cho việc tu bổ các công trình di tích ở Hội An, các chuyên gia Nhật Bản cũng đã sử dụng phương pháp bảo tồn này để thực hiện ở nhà 80 Trần Phú, nay là Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch. Các chuyên gia đã sử dụng một gian của ngôi nhà để trưng bày các cấu kiện gỗ được thay thế để cho du khách khi đến tham quan bảo tàng, vừa có thể tận mắt thấy được những chi tiết kiến trúc cũ của ngôi nhà, tạo cho du khách một sự trải nghiệm thật sự khi bước vào ngôi nhà cổ ở Hội An.
So với quan điểm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc của di sản văn hóa thì quan điểm bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc của di sản văn hóa như Hội An áp dụng đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Quan điểm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc sẽ mang lại hiệu quả là gìn giữ được giá trị cốt lõi của di sản nhưng không bền vững; thứ hai là sự an toàn cho cộng đồng sống trong di sản không được đảm bảo khi mà di tích càng ngày càng xuống cấp qua thời gian và những tác động của môi trường tự nhiên và xã hội. Điều này dễ dẫn đến bức xúc của cộng đồng và sẽ đi ngược lại hiệu quả của việc bảo tồn. Còn đối với quan điểm bảo tồn nguyên dạng giá trị gốc như Hội An và Nhật Bản áp dụng thì thứ nhất là tránh đánh mất giá trị của di sản; thứ hai là đối với di sản văn hóa vật thể thì tránh xuống cấp các công trình di tích; thứ ba là đảm bảo sự an toàn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng sống trong di sản; và thứ tư là không làm lệch đi ý nghĩa khoa học của di sản
Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Uyển
Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền