Một số mặt hàng được buôn bán ở Hội An thế kỷ XVI - XVII
Chủ nhật - 18/05/2014 23:20
Vào các thế kỷ XVI-XVIII, Hội An của xứ Quảng Nam là một thương cảng phồn thịnh bậc nhất ở Đàng Trong. Nó phồn thịnh đến mức có nhiều người ngoại quốc phải lầm tưởng và gọi nhầm tỉnh Quảng Nam là “nước Quảng Nam”. Đến ngay cả nhà bác học Lê Quý Đôn cũng đã nói “xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ”[1] cũng là vì lẽ ấy. Vào thời kỳ này, chúng ta thấy rằng, không chỉ có thương nhân các vùng miền trong cả nước mà còn có rất nhiều thương nhân ngoại quốc từ nhiều nước khác nhau cũng đã vượt biển đến với Hội An để trao đổi, buôn bán. Nhà hàng hải người Ý, Cristophoro Borri đã đến Hội An vào đầu thế kỷ XVII ghi lại: “Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong [Hội An] để đem hàng hóa của xứ này về”[2]. Nhưng những ghi chép của ông xem ra chưa đầy đủ. Bởi theo nhiều nguồn sử liệu, ngoài những nước mà ông nêu trên thì thương nhân nhiều nước khác cũng đã đến Hội An buôn bán từ rất sơm như: Thái Lan, Singapore, Inđônêxia… cùng thương nhân các nước phương Tây như: Pháp, Bồ Đào Nha, Ý… đều không thấy ông nhắc đến trong khi chính bản thân ông lại là một nhà hàng hải người Ý.
Vậy thương nhân các nước sau khi vượt muôn trùng sóng biển để đến Hội An họ sẽ bán những mặt hàng gì và mua những mặt hàng gì để mang về nước nhằm mục đích thu lợi nhuận cao nhất.
Trước hết ở Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung lúc bấy giờ có các mặt hàng hóa gì mà lại có sức thu hút mạnh mẽ các thương nhân ngoại quốc đến với thương cảng này? Theo như Lê Qúy Đôn thì đất Thuận Hóa (Thừa Thiên Huế) không có nhiều của cải, mọi thứ đều lấy ở Quảng Nam. Và cũng theo ông thì lúc bấy giờ “Phàmhóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy đường bộ, đi xe đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An”[3]. Nhưng quan trọng hơn là người Thăng Hoa, Điện Bàn (Hội An thuộc Điện Bàn) “biết dệt vải lụa vóc đoạn lĩnh là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông, ruộng đồng rộng rãi, gạo lúa tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vàng bạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường, mật, dầu sơn, cau, hồ tiêu, cá muối, gỗ lạt, đều sản xuất ở đấy”[4]. Ngoài ra còn phải kể đến các mặt hàng khác như: đường cát, đường phổi, tổ yến, tơ lụa, … đặc biệt là vàng và kỳ nam hương. Tất cả tạo nên sự đa dạng, phong phú cho hàng hóa, “không thứ gì là không có” ở Hội An và “người ngoại quốc bị lôi cuốn bởi sự phồn thịnh của xứ sở và bị kích thích bởi lòng yêu sự giàu có, đã có mặt dày đặc ở đây”5].
Thương nhân các nước luôn muốn tìm đến đến Hội An để giao dịch thương mại. Bởi ở đây các thương nhân dễ dàng bán được các thứ hàng hóa đưa sang cũng như dễ dàng lựa chọn để mua các mặt hàng phù hợp với yêu cầu của họ. Đối với thương nhân Thái Lan (Xiêm, Xiam) thì họ mang đến bán các thứ hàng hóa như: sắt, thuốc lá, thuốc phiện… Và từ đây họ mang các tấm chiếu buồm, lụa thô hoặc đệt hoa về[6]. Thuyền buôn từ Nhật thường xuyên đến Hội An buôn bán, sản phẩm mà họ mang sang gồm nhiều mặt hàng khác nhau nhưng đặc biệt nhất là đồ gốm sứ có màu sắc đẹp, hoa văn tinh xảo, hài hòa; rất được ưa chuộng tại Hội An, hàng bán rất chạy. Và hàng họ mua về cũng không kém phần đa dạng như: Sa tanh, roothout, đường phổi, da cá mập, dừa, đậu khấu, long não đỏ, gỗ trầm hương, sừng tê, thủy ngân, gấm thêu kim tuyến, thiếc… đặc biệt họ thích nhất là đồ tơ lụa[7]. Một giáo sĩ Bồ Đào Nha thuộc dòng Jésuite là Valentin Corvalho, ghi lại: “Tại Cochinchine… ta thấy thương gia Trung Quốc đem nhiều tơ lụa tới đó, và người Nhật mua hết để tải về nước”[8]. Còn thuyền buôn đến từ Trung Quốc mang các thứ hàng hóa là “ sa, đoạn, gấm, vóc, vải, các vị thuốc, giấy vàng bạc, hương vòng, các thứ đồ giấy, kim tuyến, ngân tuyến, các thứ phẩm, y phục, giầy tốt, nhung, đơ ra, kính, pha lê, quạt giấy, bút, mực, kim, cốc áo, các thứ bàn ghế, các thứ đèn lồng, các thứ đồ đồng, các thứ đồ sứ đồ sành; đồ ăn uống thì các loại như lá chè, cam, chanh, lê, táo, hồng, bánh, miến, bột mì, tram muối, đầu thái, trứng muối, tương gừng, tương ngọt, đậu phụ, rau kim châm, mộc nhĩ, nấm hương…”[9], bán rất chạy, thu được nhiều lợi nhuận, không hề bị ế đọng. Thuyền đến từ các nước phương Tây thì thường chở đồ đồng đến Hội An để bán. Lê Qúy Đôn cho biết: “Phố Hội An xứ Quảng Nam, nồi đồng mâm đồng, do tàu Tây phương chở đến bán, bình thời kể có hàng nghìn hàng vạn…”[10]. Bên cạnh đó còn nhiều mặt hàng khác cũng được đưa từ phương Tây sang. Ví như các tàu buôn của thương nhân Hà Lan đến từ Surate và Coromandel đã đem theo vải vóc, chì, hỏa tiêu, …[11] Thuyền buôn đến từ nước Pháp thì bán khí giới, sắt, đồng, vải vóc, và mua trở về đường, lụa thô[12]. Thuyền đến từ Bồ Đào Nha mang theo các mặt hàng như: bàn chải, kim khâu, vòng tay, hoa tai bằng thủy tinh, mũ nón, mũ bonnet, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả các loại áo…”[13], đặc biệt là san hô.
Về giá cả của các mặt hàng buôn bán tại Hội An thường không cố định mà biến động lên xuống bất thường, tùy theo nguồn hàng dồi dào hay khan hiếm, chất lượng tốt hay xấu. Ví như vào năm 1600, ở Đàng Trong, trị giá của kỳ nam hương ngang với bạc, bao nhiêu kỳ nam hương là bấy nhiêu bạc, trong khi đó mang sang Bồ Đào Nha thì kỳ nam hương có giá là 50 cruzados một catty. Giai đoạn sau nguồn cung cấp kỳ nam hương kiệt quệ nên giá cũng bị đẩy lên cao hơn rất nhiều. Đến khoảng giữa thế kỷ XVIII thì giá cả của các mặt hàng buôn bán ở Hội An như sau: “gọi 100 cân là 1 tạ, cau thì 3 quan 1 tạ, hồ tiêu thì 12 quan 1 tạ, đậu khấu 5 quan, tô mộc (gỗ vang) 6 quan, hạt sa nhân 12 quan, thảo quả 10 quan, ô mộc (gỗ mun) 6 quan, hồng mộc 1 quan, ho lê mộc (gỗ trắc) 1 quan 2 tiền, tê giác 500 quan, yến sào 50 quan, gân hươu 15 quan, vây cá 40 quan, tôm khô 6 quan, rau biển 6 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, ba la ma 12 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan, còn các thứ hoạt thạch, sắt, phấn kẽm, hải sâm và mấy trăm vị thuốc nam không thể kể xiết. Đến như kỳ nam hương thì 120 quan 1 lạng, vàng thì 180 quan 1 hốt, tơ lụa thì 3 quan 5 tiền 1 tấm. Còn nhục quế, trầm hương, trân châu rất tốt, giá cao hạ nhiều ít không nhất định.”[14]
Như vậy vào các thế kỷ XVI – XVIII, thuyền buôn các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước phương Tây đều đến tụ tập buôn bán ở Hội An. Cùng với hàng hóa nội địa thì những hàng hóa mà thương nhân ngoại quốc mang đến đã biến Hội An thực sự trở thành thị trường hàng hóa ở Hội An hết sức phong phú và đa dạng. Thương nhân các nước khi đến Hội An “không ai là không thỏa được sở thích”. Hoạt động thương mại hết sức nhộn nhịp, người mua kẻ bán tấp nập. Nhưng nhìn chung thì các mặt hàng xuất khẩu của Hội An thường là các sản phẩm ở hình thức thô hoặc sơ chế và ngược lại những mặt hàng nhập khẩu phần lớn đã được gia công, tinh chế nên giá thành thường chênh lệch nhau♥
Chú thích:
[1] Lê Quý Đôn (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tính dịch) (2007), Phủ biên tạp lục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.432.
[2] Cristophoro Borri (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch) (1998), Xứ Đàng Trong năm 1621, Nxb TP HCM, TP HCM, tr.98. 3] Lê Qúy Đôn, Sđd, tr.295.
[5] Nguyễn Cửu Sà (dịch) (2003), “Về nền thương mãi và các hải cảng của xứ Đàng Trong”, BAVH, tập XVIII, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.408. [6] J.H.Peyssonnaux (Phan Xưng dịch) (2001), “Các cuốn sổ tay của một nhà sưu tập đồ gốm cổ người Anh tại An Nam”, BAVH, tập IX, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.128.
[7] Li Tana (1999), Xứ Đàng Trong Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, Tp HCM, Tr. 117. [8] Dẫn theo Dương Văn Huy (2010), “Hoạt động kinh tế của người Hoa ở Hội An thời kỳ các chúa Nguyễn”, Nghiên cứu lịch sử, số 4, tr.35.
[11] Nguyễn Văn Kiệm (sưu tầm và dịch chú) (1995), “Vài nét về tình hình giao thương giữa Việt Nam và vài nước lân cận với các nước phương Tây những năm 30 thế kỷ XVIII”, Nghiên cứu lịch sử, số 5, tr.42. [12] H.Peyssonnaux (Phan Xưng dịch) (2001), Sđd, tr.129. [13] Cristophoro Borri, Sđd, tr.91-92. {14] Lê Qúy Đôn, Sđd, tr.295.
Tác giả: Hồ Châu
Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền