Thế nhưng lúc này vẫn còn một nơi mà ta chưa làm chủ được, đó là đảo Cù Lao Chàm. Trước đó, do phải đối phó với những đợt tiến công dũng mãnh và quyết liệt của Quân giải phóng trên các chiến trường đã làm cho ngụy quân, ngụy quyền ở Hội An hoang mang cực độ. Chúng tranh nhau tháo chạy ra Đà Nẵng và Cù Lao Chàm hòng tìm đường thoát thân. Riêng ở Cù Lao Chàm, bọn ngụy quân, ngụy quyền tập trung chủ yếu ở Bãi Làng.
Nhằm làm chủ hoàn toàn biển đảo quê hương, Đại đội 2 bộ đội địa phương Hội An và lực lượng công an vũ trang Thị xã cùng với du lích xã Cẩm An được Thị ủy phân công tổ chức vượt biển tiến ra đảo Cù Lao Chàm truy quét tàn quân địch đang ở đây.
Công tác chuẩn bị kế hoạch tác chiến, huy động lực lượng tham gia, phương tiện tàu di chuyển được gấp rút thực hiện. Đồng chí Nguyễn Hưng – trưởng ban an ninh Thị xã được phân công làm chỉ huy chung. Nhận thức tầm quan trọng của trận chiến đấu giải phóng cho mảnh đất cuối cùng của quê hương, cán bộ, chiến sĩ được huy động tham gia trận này đều tỏ lòng quyết tâm chiến đấu đến cùng, dù cho bao khó khăn, thử thách đang chờ phía trước.
Đêm ngày 29/3/1975, ba chiếc tàu được huy động của ngư dân bắt đầu vượt sóng, chở lực lượng của ta tiến ra đảo. Khi chạy đến Hòn Mồ, đoàn tàu chia làm 3 mũi. Một mũi chạy vào Bãi Xếp, một mũi chạy vào Bãi Ông tạo thành gọng kìm. Riêng mũi chủ yếu chạy thẳng vào Bãi Làng vào lúc 5 giờ sáng. Lúc này, lực lượng của ta đồng loạt nổ súng để thị uy. Cùng lúc đó, cán bộ binh vận dùng loa trên tàu kêu gọi địch buông súng đầu hàng. Bọn địch trên đảo vốn đã mất tinh thần càng thêm hoang mang. Chúng trở nên rối loạn hàng ngũ. Phần lớn chúng đã tự tan rã, tự giao nộp vũ khí và đầu hàng quân cách mạng. Số còn lại bỏ trốn vào núi nhưng đã bị quân và dân ta vây bắt toàn bộ. Sau đó, quân ta đã tiến hành giải giáp quân địch, thu toàn bộ vũ khí, đồng thời tiến hành các biện pháp ổn định tình hình. Đến 8 giờ sáng ngày 30/3/1975, ta làm chủ hoàn toàn đảo Cù Lao Chàm trong niềm vui khôn xiết của nhân dân trên đảo.
Vậy là đảo Cù Lao Chàm - vùng đất cuối cùng trên quê hương Hội An được giải phóng. Đây là điều kiện quan trọng để chính quyền cách mạng ở Hội An xây dựng và củng cố vững chắc nhằm bảo vệ thành quả cách mạng đạt được, đồng thời lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn sau chiến tranh cùng chung tay xây dựng đảo Cù Lao Chàm ngày càng giàu đẹp.
* Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ thị xã Hội An (1930 - 1975), BCH Đảng bộ thị xã hội An, 1996
- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm An (1930 - 1975), BCH Đảng bộ phường Cẩm An, phường Cửa Đại, xã Tân Hiệp, NXB Đà Nẵng, 2010
- Nhớ ngày giải phóng xã đảo, Hàn Giang - Minh Hải, Báo điện tử: www.baoquangnam.com.vn
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền