Cù Lao Chàm trong những ghi chép của Thiền sư Thích Đại Sán

Thứ tư - 11/06/2014 04:09
Cù Lao Chàm là cụm đảo với 08 đảo lớn nhỏ trải theo hình cánh cung, nằm cách Cửa Đại chừng 15km về hướng Đông Bắc. Trong lịch sử, Cù Lao Chàm được ví như bức bình phong vĩ đại của Cửa Đại, là đảo tiền tiêu - hoa tiêu dẫn vào thương cảng quốc tế Hội An. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Cù Lao Chàm đã minh chứng rằng hơn 3000 năm trước con người đã sinh sống tại Cù Lao Chàm. Cù Lao Chàm cũng là điểm dừng chân bổ sung lương thực, thực phẩm, củi, nước của các thương thuyền trên hải trình giao thương quốc tế. Đồng thời là nơi tránh trú bão, gió của các tàu thuyền đi lại trên biển. Những nguồn sử liệu của các nước Arap, Ba Tư hay các ghi chép của Thái Tường Lan, Thiền sư Thích Đại Sán đã minh chứng điều đó.
            Năm 1695, Thiền sư Thích Đại Sán đã có dịp đến Hội An, Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trên hành trình trở về Trung Quốc vào mùa hạ năm Bính Tý – 1696, Thiền sư Thích Đại Sán đã ghé đảo Cù Lao Chàm để tránh trú mưa gió lớn đang xảy ra. Trong tác phẩm Hải ngoại kỷ sự của mình chép về hành trình đến ở Đàng Trong năm 1695-1696, Thiền sư Thích Đại Sán gọi Cù Lao Chàm và đảo Tiêm Bích La và có những mô tả thú vị về cảnh vật, con người ở nơi đây.
         Khi lên đảo Cù Lao Chàm, Thiền sư Thích Đại Sán phải nghỉ tạm trong ngôi nhà tranh. Ông ghi chép về kiến trúc nhà ở tại Cù Lao Chàm là kiểu nhà tranh với gần một trăm nóc nhà ở trên bãi cát hình bán nguyệt dưới chân núi. Nhà thì “cửa nhà rất thấp, đi vào phải khom lưng tránh khỏi đụng đầu. Kiểu nhà gần biển, sợ gió thốc, nên đều làm thấp như thế”.
        Về di tích, Thích Đại Sán có đề cập đến 2 di tích ở Cù Lao Chàm lúc bấy giờ là Quan Âm Đường và miếu Bản Đầu Công thờ Phục ba tướng quân. “Ngôi miếu cũng khá rộng lớn, rất linh thiêng. Thuyền bè qua lại đều lên cầu cúng” . Thích Đại Sán đã đến thăm ngôi miếu và làm một bài thơ viết lên vách miếu.
Về địa thế, môi trường sinh thái, Thích Đại Sán mô tả Cù Lao Chàm gồm “Mấy hòn đảo bao quanh như vành ghế, ở giữa một vùng đất bằng phẳng; phía đông khuyết, có hai hòn núi, hai bên đối nhau như cửa ải, làm cửa cho tàu thuyền ra vào”. Con suối ở cạnh miếu Bản Đầu Công có “nước trong và ngọt”. “Núi toàn đá, cây cối rậm rạp, hoa quả khắp núi, làm đồ ăn cho chim chuột và mục đồng”.
         Theo ghi chép của Thích Đại Sán, vào năm 1696, nơi ông đến ở Cù Lao Chàm, cư dân làm nhà trên bãi cát để ở. Tại đây, trừ những người già và trẻ con, có khoảng 300 tráng đinh. Cư dân thường đến con suối cạnh miếu bản Đầu Công để múc nước uống, tắm rửa. “Dân nội tịch sanh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi. Cá mắm bay mùi hôi, nhà nào cũng vậy”.
        Những ghi chép về Cù Lao Chàm của Thiền sư Thích Đại Sán là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu về mảnh đất, con người và văn hóa Cù Lao Chàm vào cuối thế kỷ XVII nói riêng, trong diễn trình lịch sử văn hóa Cù Lao Chàm nói chung.

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây