Tính chất gia đình - nét đặc trưng của nghề cào và chế biến Hến ở Cẩm Nam - Hội An

Thứ năm - 19/06/2014 21:23
Từ lâu, không ít gia đình ở Cẩm Nam - Hội An lấy nghề cào và chế biến hến làm kế mưu sinh cho cuộc sống thường nhật. Đối với nghề này, do mọi hoạt động hành nghề dựa vào khả năng tự có của mỗi gia đình là chủ yếu nên tính chất gia đình được xem là nét đặt trưng, là nhân tố quan trọng nhất để duy trì và phát triển nghề.
Tính chất gia đình - nét đặc trưng của nghề cào và chế biến Hến ở Cẩm Nam - Hội An
         Một trong những biểu hiện của tính chất này có thể nhìn nhận là tính tự túc đối với công cụ, vật dụng hành nghề mang tính thiết yếu. Nghĩa là những công cụ, vật dụng hành nghề không thể thiếu như cái cào, các loại rỗ, lò nấu, … đều do gia đình tự trang bị, tính mua sắm ít được thể hiện. Chúng được tạo nên từ những vật liệu như đất, rơm (làm lò nấu); tre (làm rỗ, làm cào)... Đây là những vật liệu hầu như có sẵn trong vườn nhà hoặc dễ dàng tìm kiếm được, rồi tự tay họ tạo ra công cụ, vật dụng cần thiết. Việc làm này vừa giải quyết thời gian rãnh rỗi khi không làm nghề, vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư. Thực tế cũng cho thấy nghề này không cần đầu tư kinh phí nhiều mà chủ yếu dựa vào sự siêng năng, bền chí của người làm.
        Một đặc điểm khác là các khâu trong quy trình từ cào, chế biến cho đến tiêu thụ cũng do gia đình tự đảm nhận. Với tính chất tự túc này, gần như toàn bộ thành viên trong gia đình đều được tham gia làm nghề. Tùy theo công đoạn, tính chất nặng nhọc khác nhau mà có sự phân công hoặc theo giới tính, hoặc theo độ tuổi và mỗi thành viên sẽ có nhiệm vụ khác nhau.
      Cào hến là công việc nặng nhọc nên chỉ dành riêng cho đàn ông. Công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai để sử dụng các công cụ cào hến và để chịu đựng được cảnh: Nước sâu nước cạn miệt mài đêm đông hoặc Trên nắng, dưới lạnh, con mắt lờ đờ da đen. Những công đoạn còn lại đàn ông có thể tham gia nhưng phụ nữ lại giữ vai trò chủ yếu như việc tìm nhiên liệu, rửa hến, nấu hến, bán hến, … Các thành viên khác trong gia đình cũng có nhiệm vụ riêng. Vì thế dân gian có câu:
... Con, vợ cào rác cho siêng
Ông chồng chẻ tre đan rổ liên miên cả ngày ....
Hoặc
... Đàn bà đi bán, đàn ông đi cào
Nửa đêm thức dậy lao xao
Chồng xáo vợ đãi, con cầm cây đưa lò
Hai bên những gióng với vò
Nấu rồi quẫy gánh xuống đò, lên xe ...
 
      Đối với quá trình truyền dạy nghề, tính chất này thể hiện ở phạm vi diễn ra cũng chỉ trong không gian của mỗi gia đình. Với việc được tham gia vào các khâu trong quy trình làm nghề, đồng thời thường xuyên được nhìn thấy người lớn thực hành các thao tác hành nghề, con cháu trong gia đình dần dần tiếp thu, tích lỹ thành kinh nghiệm của riêng mình và sử dụng kinh nghiệm đó vào hoạt động nghề khi đã trưởng thành.
      Từ trước đến nay, tổ chức cộng đồng làng nghề dưới hình thức vạn nghề cũng đã được thiết lập gồm những gia đình làm nghề gần nhau về khu vực địa chính cư trú. Hàng năm, các vạn nghề này duy trì cúng lệ vào ngày mồng 10/2 ÂL (cúng cầu sinh) và ngày mồng 10/7 ÂL (cúng tạ). Tuy nhiên do quy mô hoạt động nghề không thể tách ra khỏi phạm vi gia đình nên những vạn nghề được thiết lập cũng chỉ mang tính hình thức, dựa trên tinh thần tự nguyện và không có sự ràng buộc trong hoạt động nghề nghiệp đối với mỗi gia đình. Do đó mối quan hệ vạn nghề đó cũng chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, chứ không có sự tương trợ nhau trong quá trình sản xuất.
     Như vậy, có thể nhận thấy, tính chất gia đình giữ vai trò quan trọng trong hoạt động hành nghề cào và chế biến hến ở Cẩm Nam. Đây sẽ là một trong những điểm cần quan tâm trong định hướng nhằm duy trì và phát triển nghề này thời gian đến.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây