Giai đoạn sau năm 1975 kinh tế nhìn chung rất khó khăn đối với nhiều người và gia đình bà cũng không ngoại lệ. Bà nghĩ phải tìm một công việc để có thể làm và nuôi nấng các con. Bà tâm sự: Có lẽ nghề đã chọn mình, trong một sự tình cờ ngồi ngẫm nghĩ mình phải làm nghề gì với thời buổi kinh tế khó khăn như thế này, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu bà “hay là mình nấu khoai, sắn bán”. Bởi theo bà, thời điểm đó kinh tế đời sống người dân nhìn chung rất khó khăn, việc ăn no mặc ấm là điều rất khó, nên bà quyết định chọn nghề nấu khoai, sắn để phục vụ cái ăn cho đời sống bình dân.
Bà cho biết thời đó khoai, sắn gần như là món ăn chính của nhiều người, với bí quyết nấu riêng của mình, món khoai, sắn của bà rất được nhiều người ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng, vị ngon ngọt, mềm vừa phải. Bà cho biết, khoai, sắn nấu bán quanh năm, nguồn khoai, sắn được mua ngay tại chợ Hội An, khoai có xuất xứ từ Nồi Rang - Duy Nghĩa - Duy Xuyên. Vào khoảng từ tháng 3 âm lịch đến tháng 6 âm lịch, khoai ở Duy Nghĩa đem qua chợ Hội An bán rất nhiều, khoai bột trắng, ngọt, bùi, thơm. Đầu tháng 7 âm lịch đến cuối năm thường mua khoai của miền trong như Gia Lai, Đà Lạt, loại khoai này có bột vàng ngọt, người ta bán theo thúng, rổ chứ không cân ký như bây giờ. Riêng sắn bà thường lấy ở Trà My. Khoai, sắn ở Hội An cũng có nhưng số lượng khoai không nhiều, thường là ở Cẩm Hà.
Việc nấu khoai, sắn tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng để có món khoai, sắn thơm ngon, mềm dẻo đòi hỏi người nấu cũng cần có những bí quyết riêng. Theo bà Châu, khoai mua về cắt bỏ hai đầu rửa sạch để ráo nước. Sau đó sắp khoai vào nồi, khoai củ lớn để dưới khoai nhỏ để trên, đổ nước vào, nếu là khoai mới đào dưới đất lên cho khoảng 2 lít nước, còn khoai đào được 2, 3 ngày thì cho 1,5 lít nước tương ứng với nồi 20kg khoai. Tiếp đến, rải một ít muối hột (muối sống) lên bề mặt khoai, tránh không cho muối rơi xuống đáy nồi, đặt khoảng 5 lá dứa lên trên khoai, lá dứa có tác dụng tạo mùi thơm cho khoai. Đậy nắp vung sao cho vừa khít miệng nồi, bắt khoai lên bếp nấu với lửa lớn cho đến khi nước gần rút hết, hạ lửa thật nhỏ đến khi nào nước rút hết, khoai có mùi thơm thì tắt lửa vớt ra, khoai dùng nóng sẽ ngon hơn. Sắn cũng có cách nấu tương tự như khoai. Tuy nhiên sắn sau khi đào lên phải nấu liền, nếu để lâu sắn sẽ bị sượng không ngon. Ngoài ra, sau mua về phải lột vỏ, ngâm vào nước để sắn giữ được màu trắng khi nào nấu thì vớt ra rửa gạch. Xưa kia trung bình mỗi ngày bà bán được 60 kg vừa khoai vừa sắn nhưng hiện nay khi kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, khoai, sắn trở thành món ăn chơi nên số lượng bán ra mỗi ngày chỉ từ 20 kg đến 40 kg so với đời sống bây giờ thì đây vẫn là con số tiêu thụ lớn. Có lẽ người Hội An vẫn còn thói quen ăn những món ăn dân dã bên cạnh những món ăn sang trọng cầu kỳ khác. Cứ đều đặn từ 2 đến 3 giờ sáng bà lại dậy nấu khoai đến 5h30 đem ra chợ ngồi bán, muộn nhất đến 11 giờ trưa là bán hết. Khoai bà nấu được tiếng thơm ngon nên được nhiều người chờ đợi để được ăn khoai của bà, khách hàng của bà không chỉ có người dân Hội An, du khách là người Việt mà còn có cả du khách nước ngoài. Bà cảm thấy vui khi bán khoai cho những vị khách đặc biệt này, bởi ở xứ họ không có kiểu bán khoai luộc như thế này. Nhiều khách quen thường đến tận nhà bà để mua, nhiều người mua để ăn nhưng cũng có nhiều người mua về cúng nhất là vào ngày mồng 1 hay rằm mỗi tháng, đây là một điểm đáng quan tâm trong lễ vật cúng ở đô thị cổ Hội An ngày nay.
Cứ như thế gánh khoai, sắn đã theo bà suốt 39 năm đến bây giờ những người buôn bán tại chợ Hội An không ai không biết đến Bà Châu bán khoai, sắn. 39 năm trôi qua với nhiều thăng trầm, thay đổi của cuộc sống nhưng Bà Châu vẫn vậy, vẫn nghề đó, vẫn con đường đó mỗi ngày đều đặn bê rổ khoai, sắn đi bán quanh khắp chợ Hội An. Nhưng thật tiếc hiện nay, khi tuổi đã già, mắt đã mờ bà không thể tiếp tục với cái nghề đã gắn bó với mình suốt thời gian dài, 3 tháng tháng nay bà đã không còn bán nữa. Khi nói chuyện với bà, dường như bà cũng còn rất quyến luyến với nghề này, nhiều lúc bà cũng muốn đi bán lại nhưng do tuổi cao, sức khỏe không cho phép, nên dù có muốn bà cũng đành chịu.
Có lẽ bà là một trong rất hiếm những người còn giữ được cái hồn của phố cổ Hội An cho đến ngày hôm nay bằng một nghề rất bình dân: bán khoai, sắn. Những người như bà Châu thật đáng trân trọng bởi ẩn sâu trong sự phồn hoa tấp nập của phố thị nhộn nhịp đâu đó vẫn có những con người lặng thầm góp một phần nhỏ làm nên “cái hồn” cái riêng của phố cổ Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền