Về nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 20/07/2014 22:37
Ngô đồng thân gỗ còn gọi là cây Bo rừng, Trôm đơn, tên khoa học là Sterculia foetida L. sống phổ biến ở bìa rừng dọc bờ biển, triền núi, trong rừng sâu Cù Lao Chàm. Ngô đồng sau khi bị đốn ngang mặt lại nứt nhánh và khoảng hơn 1 - 3 năm sau thì có thể khai thác làm võng. Ngô đồng còn sinh sôi mạnh do quá trình rụng hạt xuống đất. Đây là loại cây thân gỗ nhóm VIII, thân thẳng, cao đến 25 – 30m, vỏ có màu xám nhạt. Hàng năm, cây ngô đồng ra bông, ra lá vào tháng 5,6; rụng lá, cho hoa, quả vào tháng 8,9,10. Vỏ cây ngô đồng còn non, sau khi ngâm nước, phơi khô, tước nhỏ, cho sợi nhỏ, mềm, thẳng, màu vàng ánh, có tính chịu lực rất tốt.
Về nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm

          Cách 40, 50 năm trở về trước, những phụ nữ sống ở Cù Lao Chàm đều biết đan võng ngô đồng với mục đích tự túc, tự cấp, chứ chưa phải là nghề này chưa phổ biến và cũng không biết Tổ nghề. Lực lượng đan võng hiện nay, 8 người gồm: Nguyễn Thị Môn, Trần Thị Thể, Trần Thị Chứt (Thôn Cấm); Lê Thị Kề, Nguyễn Thị Theo, Nguyễn Thị Quỳ, Ngô Thị Lê, Nguyễn Thị Bợ (Bãi Làng). Trong đó bà Môn có tuổi đời cao nhất, 92 tuổi, các vị còn lại có tuổi đời từ 70 – 80 tuổi, chỉ có một vị ở tuổi đời từ 50 - 60.

          - Về qui trình làm võng:
         + Đốn cây: Cây ngô đồng phổ biến ở các triền núi gần bãi biển, trong rừng của Rừng Xóm Cấm, Rừng Bãi Làng, Rừng Bãi Hương... Cây ngô đồng dùng để đan võng tốt nhất là cây suông thẳng, to bằng cườm tay của người lớn, vỏ cho ra sợi mềm, thẳng, dai, chịu lực tốt. Chặt ngang mặt gốc, để cây nứt chồi lên lại, chặt phứt bỏ đoạn phân nhánh. Đan một cái võng, phải đốn 30 - 40 thân cây, giá công đốn là khoảng 150 - 300 ngàn đồng. Ông Kéo, Bà Dày ở Bãi Hương, ông Sinh ở Bãi Làng là những người chuyên đốn cây ngô đồng... Theo ước tính của chúng tôi thì với số lượng 23 cái võng được đan năm 2013 thì số cây ngô đồng cần để làm đủ số võng là khoảng 700 cây. Nếu năng suất đan võng, nhu cầu tiêu thụ võng cao thì mỗi năm cần đến 1.000 cây ngô đồng.
Sau khi đốn cây, người ta lấy thân cây đập vào mõm đá cho vỏ bị nứt ra rồi tước lấy vỏ, bỏ thân. Các mảng vỏ được gom lại, bó thành một bó rồi ngâm nước ở các khe, suối như Khe Ruộng Chùa, Khe Ông Thơ, Khe Xóm Mới,… Ngâm từ 10 – 15 ngày thì vỏ ngô đồng mềm ra, sau đó được giặt, chao nhiều lần trong một buổi sáng cho lớp nhớt của vỏ trôi đi, để lại lớp vỏ với những sợi nhỏ mềm, trắng tinh. Gần đây, cũng có một số người mang vỏ cây ngô đồng ngâm ở suối về nhà giặt và giặt với xà phòng. Trong khi giặt, người ta dùng dao kịt, tước cvỏ ngô đồng thành từng mảng nhỏ có bảng rộng khoảng 1cm rồi phơi một nắng cho khô.

        Đến công đoạn đang võng, người đan võng lấy các mảng vỏ ngô đồng khô, sạch, tước ra từng sợi nhỏ, se cho sợi săn chắc lại, chắp nối đan võng theo công đoạn: Tề đầu, ra chưn, đan mặt giếng tức là đan liên kết các ô theo hình thoi và kết hợp đan bìa, rồi tề đuôi. Thường thì võng có từ 14 – 19 mặt tuỳ theo độ dài và số sợi cấu thành một ô hình thoi trên võng. Sản phẩm võng có võng 4,5, 6 độ dài từ 2m – 2,5m. Võng có độ bền trên 15 năm.

         Tùy theo sức khỏe và sự nhàn rỗi của mỗi người mà tạo ra tốc độ đan võng khác nhau, khoảng từ 4 đến 10 cái trong một năm.
         - Cách đây khoảng 40  - 50 năm trở về trước võng được làm ra để dùng tại nhà hoặc tặng cho bà con là chủ yếu. Từ 40 – 50 trước trở về đến trước năm 2009, Võng làm ra chủ yếu để dùng, hoặc bán khi có thân ở Cù Lao Chàm, ở đất liền Hội An, Duy Xuyên… đặt hàng. Từ năm 2009 đến nay, võng được đan để bán cho khách du lịch tại Cù Lao Chàm là chủ yếu hoặc bán theo đơn đặt hàng ở một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2013 những người đan võng bán được khoảng 12 chiếc với giá bán từ 2 triệu đến 2,5 triệu một cái võng tư. Khách mua võng thường là khách du lịch ở thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

         Nhìn chung, nghề đan võng ngô đồng là một nghề thủ công đặc trưng của Cù Lao Chàm, có khả năng phát huy tốt trong bối cảnh phát du lịch Cù Lao Chàm đang phát triển. Tuy nhiên, hiện nay số nhân công lao động có độ tuổi trung bình cao, trên 60 tuổi nên vấn đề năng suất, đội ngũ kế thừa trong tương lai 5 năm nữa sẽ có nguy cơ suy giảm mạnh nếu không có đội ngũ kế thừa.

          Tính cạnh tranh của sản phẩm cũng khá thấp vì giá thành buộc phải cao, trong khi đó các sản phẩm công nghiệp khác giá chỉ từ 100 – 500 cái với nhiều màu sắc, chất liệu.

             Số lượng cây ngô đồng cần đan võng trong một năm cũng khá cao  1.000 cây/năm.
           Từ những vấn đề khó khăn đó, chúng tôi thiết nghĩ cần có sự tư vấn về nguồn nguyên liệu, về qui hoạch vùng khai thác, trồng cây ngô đồng của cơ quan quản lý rừng để đảm bảo bảo tồn bền vững rừng Cù Lao Chàm. Đồng thời, các đơn vị chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá. Chẳng hạn như tại nhà của các người đan võng cần có biển, tạo không gian riêng, trưng bày ảnh chụp, lời giới thiệu về nghề bằng song ngữ để du khách hiểu rõ hơn về nghề này; trên một số website giới thiệu du lịch Cù Lao Chàm cần giới thiệu kỹ về giá trị của nghề, có bản đồ đánh dấu vị trí nhà có người đan võng ngô đồng để thu hút du khách quan tâm. Trước tiên, đưa hộ bà Môn, bà Kề vào danh sách các điểm tham quan chính trong tour du lịch Cù Lao Chàm.

           Trong tương lai gần cần có sự quan tâm đào tạo, truyền nghề có giới hạn trong tiến độ vừa phải cho một số nhân công phụ nữ có độ tuổi trung niên để làm đội ngũ kế cận. Bên cạnh đó cần tạo thêm mẫu mới để đan bằng võng ngô đồng như túi xách, hộp đựng ly, tách trà… để đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng khả năng tiêu thụ.
 

Tác giả: Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây