Theo dấu tàng thư - Bài 2: Đánh thức giá trị

Thứ tư - 30/07/2014 21:50
Những năm gần đây, việc nghiên cứu thư tịch cổ được quan tâm và có nhiều hoạt động triển khai mạnh mẽ trên diện rộng. Đặc biệt, các di sản tư liệu Hán - Nôm mà những địa phương ở Quảng Nam đang lưu giữ đã từng ngày tìm được chỗ đứng cho mình.

           Độc đáo mộc bản

           Một kho báu kinh Phật bằng chữ Hán và chữ Phạn, mạch nguồn phát nguyên dòng Thiền Lâm Tế - Chúc Thánh từ miền Trung vào đến miền Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XX, hiện vẫn còn lưu giữ tại tổ đình chùa Chúc Thánh, Phước Lâm và một số ngôi chùa cổ tại Hội An. Sư thầy Đồng Mẫn - trụ trì chùa Chúc Thánh (phường Tân An) cho biết, chùa được xây dựng từ thế kỷ XVIII, hiện tại còn hơn 100 mộc bản, là bản in cổ khắc gỗ các loại kinh Phật. Những loại mộc bản này hầu hết được làm bằng gỗ mứt và gỗ thị; đã từng có nhiều mộc bản bị đốt hủy do mối mọt phá hoại. Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, căn cứ vào nội dung các loại mộc bản có thể xác định đây là những bộ kinh quan trọng của Phật giáo đại thừa như kinh Di đà, Kim cương, Quan âm, Bát nhã ba la mật... Các mộc bản có độ dài khác nhau, dài nhất 78,5cm, ngắn nhất 44,5cm, được in 2 mặt, hầu hết khắc bằng chữ Hán chân phương, sắc nét; một số bản có kèm cả hình Hộ pháp, Địa tạng, Chư Phật hải hội… Đây là cơ sở để nghiên cứu về sự phát triển của Phật giáo ở Đàng Trong.
 

                   Một mộc bản ở chùa Chúc Thánh (Hội An) có hình Hộ pháp, Địa tạng, Chư Phật hải hội...

            Cách chùa Chúc Thánh không xa, một tuyệt tác mộc bản khác về kinh, kệ, chú còn được gìn giữ ở chùa Phước Lâm (xã Cẩm Hà) với bộ văn khắc trên gỗ thị gần 250 bản, nhiều kích cỡ, từ 26cm đến 138cm, rộng từ 8cm đến 54cm; nhiều bản in hai mặt. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa - trụ trì chùa Phước Lâm cho biết, đây là một trong những tổ đình lớn thuộc thiền phái Lâm Tế - Chúc thánh, được hình thành từ thế kỷ XVIII. “Bộ mộc bản kinh kệ, chú, bài cúng được chạm trổ, dập nổi công phu, tinh xảo, khắc bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm và được khắc ngược (âm bản), chủ yếu phục vụ việc truyền dạy Phật pháp. Theo truyền thống của người phương Đông, văn bản in thành chữ xuôi, đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới” - thầy Hạnh Hoa nói. Tuy ý thức được tầm quan trọng của bộ mộc bản và đã gắng sức giữ gìn, nhưng loại hình di sản tư liệu Hán - Nôm này vẫn không thể chống chọi với thời gian. Bằng chứng là các đường biên xung quanh mộc bản đã ở tình trạng mục mủn, mòn chữ do ẩm ướt và các loài gặm nhấm phá hoại. Một số bản kích thước lớn bị vỡ hoặc thoái hóa nặng. Lưu giữ gần 300 năm nay, các đời trụ trì cũng chỉ biết dùng phương pháp thủ công bảo quản, cất giữ ở những nơi khô ráo, chống lũ lụt chứ chưa có biện pháp khoa học chống mối mọt, ẩm mốc. Ông Trần Văn An - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chia sẻ, trung tâm chỉ mới có thể hỗ trợ tủ cho các nhà chùa để lưu trữ, bảo quản tư liệu, vẫn chưa có một hướng cụ thể nào về phương pháp bảo quản cũng như chế độ hỗ trợ cho các tổ đình đang lưu trữ những mộc bản cổ này. Năm 2013 cũng đã có một cuộc triển lãm “Tinh hoa cổ vật Phật giáo” diễn ra tại Bảo tàng TP.Đà Nẵng với những tuyệt tác được lựa chọn từ hàng nghìn cổ vật lưu giữ ở hàng chục ngôi cổ tự, kho tàng di sản văn hóa Phật giáo trên địa bàn TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, trong đó có những bộ mộc bản kinh, kệ đang lưu giữ ở các chùa tại Hội An đã phần nào nhắc nhở về một loại hình thư tịch cổ cần được giữ gìn.

              Tập hợp “di sản tư liệu Hán - Nôm”

            Ông Tống Quốc Hưng - Phó Trưởng phòng VH-TT Hội An cho rằng, di sản văn hóa Hội An không chỉ nổi tiếng bởi những công trình kiến trúc cổ mà còn là bề dày lịch sử - văn hóa được ghi chép nhiều trong tư liệu, đặc biệt là tư liệu Hán - Nôm đến nay còn lưu giữ. Năm 1987, Ban Quản lý di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) đã tổ chức đợt điền dã, sưu tầm và thống kê tư liệu Hán - Nôm ở Hội An. Những bộ sắc phong, đinh bạ, điền bạ, các sổ bộ khác của làng xã Cẩm Phô, Minh Hương, những tộc phả, văn từ… dần dần được tìm thấy. Đến nay, cơ quan này đã thu thập được hơn 8.000 trang tư liệu Hán - Nôm, 25 gia phả các tộc, 212 bản in kinh kệ các chùa, dập được 200 văn bia… Tuy nhiên, đến nay Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An chỉ mới dịch được 2.000 trang tư liệu Hán - Nôm, trong đó xưa nhất phải kể đến giấy tờ khế ước của thế kỷ XVII.
 
Kết quả chương trình kiểm kê di tích văn hóa mới đây tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và TP.Hội An đã phát hiện khá nhiều trang tư liệu Hán - Nôm. “Chúng tôi gọi đó là vệt văn hóa Thu Bồn. Có thể nói ở vệt văn hóa này còn rất nhiều trầm tích, trong đó có nguồn di sản tư liệu Hán - Nôm, đang rất cần sự góp sức của nhiều ngành để chúng tôi làm tốt hơn công tác kiểm kê, bảo tồn cũng như đánh giá, phân định đúng những loại hình di tích này” - ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam chia sẻ.
          Cuối năm 2014, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An sẽ ra mắt cuốn sách dịch từ 50 văn bia có giá trị, dày khoảng 300 trang, liên quan đến lịch sử hình thành của một số di tích tín ngưỡng ở Hội An như đình, chùa. Theo ông Trần Văn An, sẽ có hình ảnh văn bia, phiên âm tiếng Hán và bản dịch nghĩa tiếng Việt để độc giả tiện theo dõi. Văn bia xưa nhất có mặt trong cuốn sách là thế kỷ XVII, gần nhất thuộc thế kỷ XX, trong đó có thể kể đến như văn bia xây dựng Chùa Cầu, chùa Ông… Trong khi đó, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cũng vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật di sản Hán - Nôm tại các di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Theo đó, trong khoảng thời gian hơn 3 năm, trung tâm đã sao chụp, thác bản, in dập được 128 văn bia; 600 trang thần sắc, thần phả của 112 làng trên địa bàn tỉnh, 1.000 trang tư liệu Hán - Nôm làng xã Quảng Nam  (Quảng Nam xã chí) trước năm 1945; 3.000 trang tài liệu về các sắc phong ở Quảng Nam; 800 hoành phi, câu đối ở các di tích. Riêng tại các địa phương Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên, các tư liệu Hán - Nôm gồm bia ký, hoành phi, câu đối, gia phả, sắc phong đã in chụp được 4.000 trang tư liệu.

         Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: sau khi tổ chức những đợt nghiên cứu, sưu tầm, liệu cơ quan chức năng có động thái nào để nguồn thư tịch cổ trong dân gian vẫn được gìn giữ, bảo quản? Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để thực hiện bài viết, chúng tôi gặp khá nhiều vị “ túc đồ Nho” nói rằng, không giữ nguồn tư liệu cổ, tức nguồn tư liệu Hán - Nôm, nghĩa là đã đánh mất đi một phần quá khứ. Hòa thượng Thích Hạnh Hoa - trụ trì chùa Phước Lâm cho hay, cách đây mấy năm, cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An có tới chùa dập, in sao nội dung bộ mộc bản mang về nghiên cứu, nhưng rồi từ đó đến nay không thấy động tĩnh gì. “Nếu thật sự bộ mộc bản có giá trị, tôi chỉ mong các ngành chức năng sớm vào cuộc để chúng được bảo quản tốt hơn” - Hòa thượng Thích Hạnh Hoa chia sẻ.

         Với nguồn di sản Hán - Nôm to lớn mà tiền nhân để lại, chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vai trò và vị trí của nó để có sự quan tâm gìn gữ, bảo tồn. Hiện nay tại Quảng Nam, người am tường về Hán - Nôm rất ít, do đó cần mời gọi những nhà nghiên cứu Hán - Nôm ở các nơi đến tổ chức dịch thuật, sưu tầm bổ sung, in ấn phát hành... để giúp thế hệ hôm nay và cả đời sau hiểu được câu chuyện, những gửi gắm của người xưa.
 

Tác giả: Song Anh

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây