Thông tin về di tích Đình ấp Cây giá

Thứ ba - 12/08/2014 05:09
Cùng với quá trình khai hoang, lập làng lâu đời trong lịch sử, cộng đồng dân cư ở xã Cẩm Thanh đã xây dựng nên nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho đời sống văn hóa tín ngưỡng của họ. Một trong số đó là đình ấp Cây Giá.
Thông tin về di tích Đình ấp Cây giá
            Đình ấp Cây Giá hay miếu Cây Giá theo tên thường gọi của người dân địa phương hiện nằm trên địa bàn thôn Thanh Đông - xã Cẩm Thanh, cách trung tâm phố cổ Hội An chừng 2km về hướng Đông. Liên quan đến việc tạo lập di tích này, theo thông tin ghi lại trên đòn đông đặt ở tiền đường cho biết di tích được khởi dựng từ năm Khải Định thứ 9 (tức năm 1924), do nhân dân của phổ Tân Lập, ấp Cây giá, xã Thanh Nam, tổng Thanh Châu, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam lập nên. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các đợt càn quét, đốt phá của kẻ địch tại địa phương, di tích đã bị phá hủy toàn bộ, chỉ còn lại nền móng. Từ sau năm 1975, trên nền móng cũ, người dân tích góp xây cất dần dần, từ hậu tẩm, tiền đường, hiên và các hạng mục khác để thành ngôi miếu như hiện nay, trong đó lần tu bổ quy mô và gần nhất là vào năm 2006. Lần tu bổ này cũng được khắc lên cây đòn đông đang đặt ở mái hiên di tích để lưu lại cho hậu thế.

           Hiện trạng di tích có mặt tiền xoay về hướng Bắc. Phía trước mặt tiền là con sông Đò chảy từ Thanh Nam xuống, phía Nam là đường bê tông nông thôn, hai hướng Đông, Tây tiếp giáp với nhà dân. Các hạng mục của di tích nằm trong khuôn viên rộng khoảng hơn 300m2, gồm 2 hạng mục chính là bình phong và miếu thờ.

          Bình phong xây dạng cuốn vòm, hai bên xây cao thành hai trụ vuông, đầu trụ gắn con lân bằng sứ. Mặt trong bình phong xây bệ thờ, giật thành 2 cấp. Xung quanh quần bàn ốp gạch men màu xanh. Riêng mặt ngoài quần bàn tạo thêm kiểu dáng chân bàn bằng lớp gạch men màu trắng bên ngoài. Từ bình phong đến miếu thờ là khoảng sân rộng 35m2, lát gạch đỏ. Nền sân thấp hơn nền miếu thờ 14cm.

         Tổng thể kiến trúc của di tích có 3 phần gồm hậu tẩm, tiền đường và mái hiên xây dựng trên mặt bằng rộng gần 35m2. Xung quanh xây tường bao, nền lát gạch đỏ. Hệ đỡ  các mái gồm đòn đông, đòn tay, rui làm bằng gỗ gác qua hai tường đầu hồi. Phía trên lợp ngói xi măng, phần hậu tẩm gắn ngói vảy cá. Các bờ nóc và bờ chảy gắn con giống hình mặt trời, dây lá, riêng con giống bờ nóc mái hiên làm theo đề tài lưỡng Long chầu nhật. Do không bố trí hệ thống cột chịu lực bên trong, hơn nữa ngăn cách phần hiên với không gian thờ tự chỉ bằng bao lơn gỗ nên tạo cho không gian ở trong di tích tương đối thoáng đãng.
 

         Hệ thống thờ tự của di tích đặt ở hậu tẩm và tiền đường. Trong hậu tẩm đặt án thờ Thần. Hai gian tả hữu của tiền đường đặt án thờ các bậc tiền hiền và hậu hiền có công khai khẩn lập làng. Trước mỗi án thờ này có bàn thờ xây, trong đó bàn thờ hậu tẩm gật thành 2 cấp. Kiểu thức trang trí các quần bàn giống nhau và giống với bàn thờ ở bình phong. Riêng chính giữa mặt ngoài mỗi bàn thờ đắp nổi 1 chữ Hán lớn gồm chữ: Phúc (bàn thờ hậu tẩm), Lộc (bàn thờ tiền hiền), Thọ (bàn thờ hậu hiền).

        Trên bức tường ngang ở giữa vào hậu tẩm đắp nổi hình cuốn thư, đề 3 chữ Hán, phiên âm là miếu cây Giá. Hai bên lối vào gắn cặp liễn đối chữ Hán khắc trên các viên đá, phiên âm là: Đông thành đa xứ minh minh địa / Nam hiệp toàn bằng hách hách thiên.

        Đã nhiều năm nay, di tích vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương. Vào các ngày rằm tháng Giêng và rằm tháng 7ÂL hàng năm, nhân dân duy trì cúng tế Xuân, Thu nhị kỳ tại đây nhằm cầu an cho xóm làng, nhà nhà được yên bình, no ấm.

        Được làm lại trên nền ngôi miếu cũ từ sau năm 1975, lại qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa mà chủ yếu là trong khoảng thời gian gần đây nên hiện trạng kiến trúc của di tích còn tốt. Những thông tin về di tích đã góp phần minh chứng cho quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng dân cư địa phương trong suốt chiều dài lịch sử trước đó. Xét về giá trị tinh thần thì đó còn là sự tiếp nối của các thế hệ cư dân địa phương trong việc duy trì, gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Đây là động lực để tiếp tục tạo nên sự cố kết cộng đồng ngày càng bền chặt hơn để người dân địa phương cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
 
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây