Có chuyện vui thế này:
Anh nọ người Quảng Nam mới đi vào một tỉnh phía Nam làm công việc sáu tháng. Gặp dịp tết, anh trở về làng, ghé thăm một vài nhà người quen để lấy le. Anh ghé một ông hàng xóm, sửa tiếng nói toàn giọng phía Nam.
- Độ này, bác có mạnh giỏi hông?
- Ừ, tau mạnh. Chớ còn mi, bữa mô mi vô lại trong nớ?
- Dạ chắc con ăn tết, hết rằm mới vô lại trong trỏng. Năm tới, con mới về lại.
- Rứa hả? Tau tưởng mi vô vài ba tháng rồi về lại thì cho tau nhờ một chút xí.
- Có gì vậy bác?
- Cũng không có chi. Nếu mi rảnh, mi cho tau gởi con chó vô để nó học sủa theo giọng trong nớ rồi mang giùm về lại cho tau!
Kết thúc của câu chuyện khiến người đối thoại đau điếng! Người Nam Bộ gọi đó là kiểu nói móc họng; người Quảng Nam gọi nói đó là nói gay. Nói gay (trong ngữ nghĩa gay gắt) là cách nói bày tỏ sự phản đối không khoan nhượng, không rào đón, không nể nang ai hết dù kẻ đối thoại với mình là ai.
Trong cách nói gay, người Quảng Nam cũng sử dụng công phu cãi làm nền tảng nội công. Chiêu thức nói gay “được vận từ âm nhu thoắt chuyển qua dương cương” để đối tượng không biết đâu mà tránh né, chống đỡ. Người nói gay dồn người đối thoại vào sát chân tường, “đánh” một chiêu “thuần dương” chí mạng quyết định khiến họ phải bó tay. Câu nói thường là một lời phê phán, trách cứ; có khi nặng như một cái tát bất ngờ ập vào người đối thoại.
Khi nói gay, người Quảng Nam thường tự hạ mình xuống để tỏ thái độ không chấp nhận mối quan hệ vốn có, tạo ra một khoảng cách giữa mình với người đối thoại. Nó là biểu hiện trong đặc điểm của một người khó tính. Tôi có một người bạn quê miền Bắc, chưa hề dám nói gay với bạn lần nào. Ấy vậy mà thỉnh thoảng bạn phê tôi: “Lão gia Quảng Nam khó tính quá, khó chịu quá”. Tôi đồ chừng nếu bạn ra Quảng Nam sống một tháng, có thể bạn không chịu nổi cách nói gay của người Quảng Nam.
Còn nhớ khi mới 15 tuổi, tôi đi trọ học ở TP.Hội An, thứ Bảy nào cũng về làng. Đi ngang qua nhà một người bà con, tôi nhìn vào không thấy ai nên cứ vậy mà… đi luôn. Mùa hè đến, tôi nghỉ hè về nhà, xách cần đi câu cá. Trời xui đất khiến thế nào, tôi lại gặp người bà con đó. Tôi nói:
- Chào chú Bốn.
Ông ta “làm” ngay:
- Thôi mi ơi, chú cháu chi mi! Chừ mi sang rồi, mi học ở Trần Quý Cáp Hội An, chê tau học hành không bằng cái lá mít. Mi đâu có thèm nghĩ tới tau. Mi chào tau làm cái chi?
Kiểu nói của ông làm tôi chưng hửng. Sau này, tôi mới biết ông rất tự ti mặc cảm vì sự nghèo túng và chuyện không được học hành tới nơi tới chốn của mình. Ông không ghét bỏ gì tôi nhưng ông phải nói gay với tôi như một biện pháp giải tỏa những ẩn ức tâm lý đã gây ra cho ông mặc cảm đó. Tôi chỉ là một cái cớ, một cái bung xung để ông xả stress mà thôi.
Đức Thích Ca nói: “Ngã bất nhập địa ngục, thùy nhập” - Ta không vào địa ngục thì ai vào. Bắt chước ngài, tôi cũng muốn nói: “Ta không bị chú Bốn nói gay thì ai bị”. Số trời đã định vậy rồi, tôi phải bị chú Bốn nói gay. Ai biểu tôi bà con với ổng làm chi?
Nói gay như là một phản ứng tự vệ của người nghèo, người ít học. Họ tin đó là cách giúp họ tự bảo vệ phẩm giá của mình. Họ nghèo, họ ít học nên phải giữ lòng tự trọng như một cách thế và phương tiện chiến đấu chống lại những ai họ không thích. Họ cắt đứt những quan hệ, thu mình lại trong cái vỏ ốc của một đời dãi nắng dầm sương, lao động vất vả. Những chuyện lặt vặt, không đáng để quan tâm cũng khiến họ tủi thân. Có câu chuyện thế này:
Anh nọ đi xa về, ghé thăm ông hàng xóm.
- Chào bác, bác mạnh giỏi hỷ?
- Thôi mi ơi, bác cháu chi mi. Tháng năm vừa rồi, nhà mi có đám giỗ mà ông già mi cũng không thèm mời tau một tiếng. Bác cháu chi lạ rứa?
Người Quảng Nam nói như vậy là… nói thiệt. Hễ có quan hệ bác cháu thì việc qua lại, vui buồn đều phải cần đến nhau. Một cái đám giỗ mà không mời nhau thì còn ra cái thể thống gì nữa? Nói là nói vậy, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn quên mời nhau, hoặc hoàn cảnh gia đình không dư dả nên chỉ giỗ quảy trong nhà, không dám mời ai. Ông bác nói gay này có lẽ bị rơi vào một trong hai tình trạng đó.
Nói gay không dễ. Ít nhất, người nói gay phải có một cái lý vững chắc (hoặc họ tin là vững chắc) để đốp chát ngay vào người đối thoại. Nói gay là một hình thức của cãi, dù mức độ cãi vã có nhẹ hơn. Đánh lộn bằng võ lưỡi hay bằng quyền cước thì cũng là đánh lộn, cũng cần đến sự nhanh, mạnh, chính xác. Cho nên, nói gay bùng phát mãnh liệt ngay từ “chiêu” đầu tiên.