Mỹ thuật trong đồ gốm của cư dân Sa Huỳnh Hội An

Chủ nhật - 24/08/2014 21:07
Những phát hiện khảo cổ học đầu tiên vào những năm 1989, 1990, các nhà nghiên cứu nhận định khả năng tồn tại số lượng các di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An là rất lớn. Kết quả thực hiện dự án "nghiên cứu văn hóa mộ chum Sa Huỳnh" ở Hội An đã chứng tỏ điều đó. Các nhà khảo cổ học đã bóc lên từ lòng đất Hội An khối lượng đồ sộ các hiện vật bằng sắt, thủy tinh, đá và đặc biệt là đồ gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh từ nhiều địa điểm khảo cổ như Xuân Lâm, Hậu Xá I, Hậu Xá II, An Bang,... Cùng với đồ thủy tinh, đồ đá, thì đồ gốm cũng là một lĩnh vực chứng tỏ năng lực sáng tạo và khiếu thẩm mỹ phong phú, tuyệt vời của cư dân Sa Huỳnh Hội An. Qua những hiện vật gốm có thể hình dung được phần nào về đời sống tinh thần nói chung, mỹ thuật nói riêng của cư dân Sa Huỳnh trên đất Hội An thời Sơ sử.

          Tính phổ dụng của đồ gốm thể hiện ở việc sử dụng các loại hình của nó vào những mục đích khác nhau trải qua quá trình trải nghiệm tìm tòi lâu dài. Ở mỗi loại hình, cư dân Sa Huỳnh Hội An chú ý tạo sự khác biệt ở dáng miệng, thân hoặc chân đế. Cùng một kiểu thân nhưng có nhiều kiểu miệng như miệng loe, miệng khum, miệng thẳng. Kiểu miệng loe có loe xiên, loe ngang vành miệng rộng hoặc hẹp, mép cắt phẳng hoặc vuốt cong. Thân của loại hình nồi bộc lộ vẽ đẹp mềm mại của dáng hình cầu tròn hoặc sắc cạnh của dáng hình cầu dẹt gãy. Loại hình bình thì biểu hiện ở kiểu miệng loe, cổ eo cao, vai gãy có gờ, bụng phình, chân đế choãi hoặc ở kiểu thân gấp khúc hình con tiện tạo nên những đường gấp khúc mạnh mẽ. Một số loại hình đồ gốm có chân đế cao choãi như bát bồng, bình nhưng cũng có loại không có chân đế hoặc chân đế thấp như bát, đĩa. Chân đế cao hay thấp phụ thuộc vào mối quan hệ của nó với kích thước, tính chất của từng loại hình. Đối với loại hình bình hay bát bồng, người Sa Huỳnh Hội An tính toán phân chia bố cục hợp lý đảm bảo sự cân chỉnh về dáng hình của hiện vật, đem lại khả năng biểu đạt cảm xúc cao nhất. Vào giai đoạn muộn, cư dân Sa Huỳnh Hội An tìm cái đẹp ở loại hình gốm mới lạ đó là "đèn" Sa Huỳnh.

          Với đôi bàn tay khéo léo, người Sa Huỳnh Hội An đã biến những khối đất sét thành những đồ vật mang hồn sắc riêng ở sự độc đáo về kiểu dáng, cân đối hài hòa về bố cục. Phong cách tạo dáng đồ gốm của cư dân Sa Huỳnh Hội An uyển chuyển, mềm mại kết hợp với những đường nét tinh tế của các thủ pháp trang trí khắc, vạch, in, ấn, miết, chải, dập, tô màu... để tạo nên những mô tiếp hoa văn độc đáo mới lạ. Các đồ án, mô típ hoa văn trang trí được tạo thành bởi nhiều thủ pháp bằng cách liên kết các đường nết lại với nhau. Để làm nổi bật loại hoa văn trang trí theo ý muốn - cái chủ đạo trên các loại hình bình, bát, "đèn", người Sa Huỳnh Hội An đã sử dụng phương pháp trang trí làm nền bằng cách tô màu hoặc dập văn thừng. Qua một số đồ gốm ở Hậu Xá, An Bang ta thấy cư dân Sa Huỳnh ở Hội An ưa dùng màu đỏ và đen ánh chì tô lên hiện vật gốm ở các vị trí dễ thấy nhất như phía trong vành miệng, phần vai, chân đế choãi. Có hiện vật được tô màu đỏ, đen xen kẻ lẫn nhau hoặc xen kẻ với đồ án khắc vạch. Có lẽ bình, bát bồng, "đèn" là những hiện vật có dáng hình và hoa văn trang trí đẹp nhất. Chum gốm có nắp được trang trí rất đẹp với những đường chấm dãi, họa tiết in mép vỏ sò, đường cong uốn lượn hình chữ "S", đặc biệt là ở nắp chum hình nón cụt. Mô típ nhiều hình chữ "S" lồng nhau uốn lượn thể hiện sóng biển. Văn in mép võ sò chiếm tỷ lệ lớn trên đồ gốm Sa Huỳnh ở các địa điểm như Hậu Xá I, An Bang. Đây là truyền thống được bảo lưu từ tâm lý của cư dân Tiền Sa Huỳnh - Bãi Ông, qua đó chứng tỏ vai trò sông nước trong đời sống của cộng đồng cư dân.

          Có thể thấy cư dân Sa Huỳnh Hội An sử dụng 1 đến 3 phương pháp tạo hoa văn trên cùng một hiện vật, phổ biến nhất là trang trí khắc vạch, chấm dãi, tô thổ hoàng. Kiểu trang trí miết láng với in mép vỏ sò và tô đen ánh chì, văn thừng kết hợp với văn chải ở thân chum. Cư dân Sa Huỳnh Hội An có thể trang trí hiện vật gốm trước hoặc sau khi nung. Họ biết sử dụng những gam màu nóng, lạnh để diễn đạt các sắc độ cảm xúc thẩm mỹ.

          Hướng đến đạt được giá trị Chân - Thiện - Mỹ là khát vọng của con người ở mọi thời đại. Thích cái đẹp là tâm lý chung của con người nhưng mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi cộng đồng người có những quan niệm và cách làm đẹp riêng. Có thể tìm cái đẹp ở chất liệu, loại hình, kiểu dáng, màu sắc và hoa văn trang trí. Với đồ gốm, cư dân Sa Huỳnh Hội An tìm cái đẹp, dồn khả năng sáng tạo nghệ thuật ở loại hình, kiểu dáng và hoa văn trang trí. Đặc biệt họ có cái nhìn tuyệt vời trong sự kết hợp hài hòa giữa kiểu dáng và bố cục hoa văn làm cho đồ vật trở nên hoàn mỹ hơn, duyên dáng, mang hồn sắc riêng và hơi thở ấm áp chân tình từ những điều diệu kỳ của cuộc sống./. 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây