BÀI 1: QUẢNG NAM LÀ ĐẤT NÓI GAY
Hễ nói tới Quảng Nam thì phải gin, không được lai tạp. Không gin là không được. Anh nào đi xa không lâu mà về làng giả bộ sửa tiếng nói (và cách dùng từ, cách ăn mặc) thì họ lại càng ghét hung và dễ sinh ra cách nói gay đặc trưng.
Ngày xưa, người nông dân Quảng Nam hầu như nghèo túng quanh năm bởi họ đứng chân trên một miền đất mà điều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt. Nông dân Quảng Nam cũng như nông dân các tỉnh miền Trung khác, lao động rất cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Mùa hè, gió nam thổi về khiến vườn tược, ruộng đồng khô héo; mùa đông, trời làm bão lụt mênh mông. Những nỗ lực của người nông dân nhằm chống chọi lại thiên nhiên để sinh tồn, bảo vệ mùa vụ nhiều khi trở thành công cốc.
Tính chiến đấu chống lại thiên nhiên khắc nghiệt của người Quảng Nam rất kiên cường; tinh thần và kinh nghiệm chiến đấu của họ rất phong phú. Thế nhưng việc thành công hay thất bại lại là chuyện khác, nhiều khi sức người không thắng nổi sức trời. Cho nên cái nghèo, cái túng do thiên nhiên tàn phá vẫn đeo đuổi số phận họ từ hơn 500 năm qua.
Một nhà nông dân hôm nay có thể có căn nhà vững chắc, thóc lúa đầy bồ. Thế nhưng chỉ cần một cơn bão dữ quét qua, một cơn lũ nguồn như thiên binh vạn mã ùa tới bất chợt thì căn nhà sụp đổ, mớ lương thực dự trữ kia cũng trôi theo dòng nước. Vậy là họ rơi vào nghèo túng, mười năm sau chưa chắc lấy lại được “phong độ” như trước. Nhiều khi chỉ cần một cơn gió nam - gió từ vịnh Bengale thổi qua nước bạn Lào xuôi Trường Sơn Đông đổ về đồng bằng miền Trung, là họ đói ngay.
“Gió nam thổi kiệt ba ngày/ Khoai lang khô cũng hết, hột lúa vay không còn” (ca dao Quảng Nam).
Dù khắc nghiệt như vậy nhưng trái tim người nông dân Quảng Nam luôn gắn liền với mảnh đất quê nhà. Có một cái gì đó rất thiêng liêng nối kết trái tim họ với mồ mả ông bà, với tộc họ, với bà con láng giềng. Chính vì thế, họ không muốn bỏ làng ra đi, dù là đi tìm nguồn sống và cuộc sống tốt hơn ở một miền đất mới. Họ nghèo thật nhưng nếu phải ly hương để làm giàu thì họ vẫn khó chấp nhận. Họ rất kỵ bốn chữ “tha phương cầu thực” (kiếm sống ở nơi khác) mặc dù ngữ nghĩa của câu này nhiều khi rất tích cực.
Tôi còn nhớ thời Ngô Đình Diệm, có câu thơ vận động người Quảng Nam đi dinh điền vào cao nguyên Đắc Lắc, Gia Lai khai phá vùng đất mới ghi đầy trên các bức tường dọc đường: “Quảng Nam đất hẹp, người đông/ Quyết lên miền thượng ra công cấy cày”. Hãy bỏ qua một bên ý đồ chính trị của chế độ Ngô Đình Diệm muốn tách những gia đình bần nông, cố nông vốn trung thành với cách mạng ra khỏi cái nôi cách mạng Quảng Nam trong chủ trương dinh điền. Ta hãy công bằng nói rằng việc đi dinh điền khai phá đất bazan làm cà phê trên các tỉnh cao nguyên vẫn mau giàu hơn là ở lại Quảng Nam làm ruộng. Ruộng Quảng Nam phần lớn là đất cát pha đất thịt, có khi chỉ rộng một trăm mét vuông, thậm chí có miếng ruộng chỉ rộng bằng hai chiếc chiếu. Thế nhưng người nông dân nghèo Quảng Nam ít khi hưởng ứng chuyện dinh điền. Họ vẫn muốn ở lại quê nhà, bám đất, bám làng, có chi ăn nấy. Cho nên lại có thơ phản ứng, cãi lại khẩu hiệu trên: “Quảng Nam đất hẹp, người đông/ Dinh điền kệ nó, ta không bỏ làng/ Ai đi muốn được giàu sang/ Biểu ta bỏ làng, ta quyết không đi”.
Ấy là việc cãi nhau bằng… thơ. Cũng chính vì bảo lưu ý kiến “Ta quyết không đi” mà hiện nay trên các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông, Bình Phước, số lượng bà con gốc Quảng Nam làm cà phê và giàu lên nhờ cà phê ít hơn bà con gốc các tỉnh khác. Tôi nói vậy để thấy người Quảng Nam dẫu nghèo túng bao nhiêu đi nữa thì việc bỏ quê nhà ra đi vẫn là chuyện họ không thích làm.
Có lẽ vì mặc cảm nghèo túng và tâm trạng không nỡ bỏ quê nhà ra đi nên bà con nông dân Quảng Nam rất ghét… những anh đi xa. Họ ít khi muốn chơi với những người đi xa về vì họ tin rằng những anh đó ít nhiều cũng đã mất đi chút “hương đồng cỏ nội” của quê nhà Quảng Nam rồi. Hễ nói tới Quảng Nam thì phải gin, không được lai tạp. Không gin là không được. Anh nào đi xa không lâu mà về làng giả bộ sửa tiếng nói (và cách dùng từ, cách ăn mặc) thì họ lại càng ghét hung và dễ sinh ra cách nói gay đặc trưng.