Vài thông tin về làng Thanh Đông trong tài liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam năm 1941 - 1943

Thứ hai - 22/09/2014 00:04
         Năm 1941-1943, Viện Viễn Đông bác cổ có cuộc điều tra về làng xã ở Quảng Nam. Tài liệu về cuộc điều tra này là những bản viết tay liên quan đến các vấn đề của làng xã truyền thống ở Quảng Nam như văn bia, thần sắc, thần tích, tục lệ, đình làng,… Trong tài liệu này, ở Hội An có 11 làng được điều tra, gồm: Điển Hội (Hội An), Cẩm Phô, Minh Hương, Sơn Phong, Tân Hiệp, Để Võng, Sơn Phô, An Mỹ, Thanh Nam, Thanh Đông, Thanh Hà. Dưới đây xin được giới thiệu một số thông tin liên quan đến làng Thanh Đông thuộc xã Cẩm Thanh hiện nay.

          Tài liệu cung cấp nhiều thông tin lý thú về làng Thanh Đông xưa như các sắc phong, cổ tích, tục tang ma cưới hỏi, lệ thưởng phạt, các di tích đình làng, lăng miếu và giếng cổ,… Về thần sắc, đến năm 1943, làng Thanh Đông còn lưu giữ 21 đạo sắc về thần Bạch Mã, Ngọc Lân, Thành Hoàng, Đại Càn, Thiên Y A Na được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự dưới thời vua Minh Mạng đến thời vua Duy Tân. Theo các đạo sắc này, Thành Hoàng được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự: Dực Bảo Trung Hưng, Đôn Ngưng, Hựu Thiện, Chánh Trực, Bảo An. Ngọc Lân được phong tặng, gia tặng: Dực Bảo Trung Hưng, Chương Linh, Trợ Tín, Từ Tế. Về phong tục của làng, cưới hỏi phải có đồ nữ trang là hoa tai, trùng họ không được đính hôn. Khi có người qua đời, gia đình phải trình làng để được cấp đất chôn cất và trợ táng. Khi quy phạm những quy định của làng thì phạt tiền sung vào công quỹ hoặc phạt công đi cắt cỏ ở đường xá trong làng. Ai phạm tội bất hiếu sẽ bị ghi tên vào bảng yết cáo ở công sở. Trong làng “hễ nghe kêu tiếp cứu là phải ứng ngay, ai trái lệ bị trừng phạt nặng, nếu bất tuân giải quan nghĩ tội

          Tài liệu điều tra cũng cho biết, theo dân gian lúc bấy giờ, tộc Trần văn, Huỳnh, Lê, Nguyễn là 4 tộc tiền hiền của làng. Trong đó,  tộc Trần Văn hiện còn giữ giấy tờ từ thời Cảnh Thống nguyên niên (1498) nói về thủy tổ của tộc là ông Trần Văn Lý ở Hải Dương vào khai hoang, quy tập dân lập làng Võng Nhi.

          Trong số các di tích ở làng Thanh Đông, đình làng được mô tả chi tiết về bố cục mặt bằng và thờ tự. Đình nằm gần sông Đình, xung quanh là rừng dừa nước. Đình lợp ngói, tường gạch, gỗ lim, cột gỗ tròn lớn. Phía trước là bình phong và trụ biểu, qua sân rộng là tiền đình và hậu tẩm. “Hậu tẩm là một ngọn lầu cao 11 thước tây, có cổ lầu, trên đắp lưỡng long. Trong cổ lầu là một cái gác có một cái khám,… trong khám là cái hòm sắc”, tầng dưới của hậu tẩm đặt 3 bàn thờ, chính giữa là bàn thờ Đại Càn. Tiền đình kiểu 3 gian 2 chái, chính giữa tiền đình là bàn hương án sơn thếp vàng 3 mặt. Bên trái, phải bàn hương án là hai con hạc bằng gỗ đứng trên lưng rùa. Phía trước bàn hương án là sập gỗ trí lễ phẩm và bệ gạch đặt bộ “thất sự” khi tổ chức lễ cúng tại đình. Sát tường sau của tiền đình có khám thờ tiền hiền hai bên. Hằng năm tổ chức lễ cúng 2 kỳ vào mồng 10 tháng giêng và tháng tám tại đình.

            Về sự tích, tại làng Thanh Đông lúc bấy giờ có một con đò gọi là đò đồng một vì mỗi lược đi phải trả một đồng tiền kẽm.

          Ngoài những thông tin trên, trong tài liệu còn đề cập một số vấn đề khác liên quan đến nghề khai thác yến sào, lễ tế tại các di tích, đất đai, nghề nghiệp sinh nhai của nhân dân…

          Có thể nói tập điều tra về làng xã ở Quảng Nam là tài liệu quý, cung cấp nhiều thông tin thú vị để nghiên cứu làng xã cổ truyền ở Quảng Nam nói chung, ở Hội An nói riêng. Đối với Cẩm Thanh, những thông tin từ tài liệu sẽ là cơ sở khoa học giúp phục hồi một số di tích tại địa phương, đặc biệt là đình Thanh Đông.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây