Nghề hái rau rừng ở Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 14/09/2014 23:13
Nghề hái rau rừng ở Cù Lao Chàm
        Cách đây 50 năm trở về trước, hái rau rừng ở Cù Lao Chàm là một hoạt động tự cấp, tự túc. Người dân truyền bày cho nhau những tri thức nhận biết, tác dụng của rau rừng để hái dùng vào khi trời bão, thiếu hụt lương thực. Khoảng 15 năm trở lại đây, rau rừng trở thành một sản phẩm hàng hóa phổ biến cho du khách đến với Cù Lao Chàm. Từ đó, một nhóm người chuyên hái rau rừng được hình thành gồm 8 người trong đó có vợ chồng ông Lê Học, Bà Siêng, Bà Lý, Bà Nhiều (Xóm Cấm), Bà Lê, Bà Chứt (ở Bãi Làng)…Trong số những người này cũng có người làm nghề đốn lá lao, đan võng ngô đồng.

          Theo ông Học, bà Siêng ở Xóm Cấm kể thì rau rừng ở Cù Lao Chàm có không dưới 37 loại thuộc các nhóm cây thân thảo, dây leo, cây bụi và cây thân gỗ, phân bố ở chân núi, bìa rừng, rừng. Trong số đó, có những loại rau thông thường ở đất liền đã, đang sử dụng như: dớn, me đất, mặt trăng, kim cang… và những loại chỉ có ở Cù Lao Chàm như lá đỏ ngọn, lá sân, sứng, bìm bìm, bạc đầu…
 

 
         Các loại lá cây này có quanh năm nhưng nảy nở nhiều vào mùa có mưa. Những người hái rau rừng mà chúng tôi tiếp xúc thường hái rau ở Rừng Am, Rẫy ông Thơ, Suối Tình, triền núi Bãi Bấc, Bãi Ông, Bãi Hương, triền núi ven đường quốc phòng. Người hái rau rừng thường đi hái một ngày hai lần, buổi sáng từ 8h - 10h, buổi chiều từ 14h – 16h. Một buổi, hái khoảng 10 – 15 loại rau, đầy 1 - 2 giỏ đi chợ. Rau rừng là những lá non, đọt non của các cây, chúng được hái rất đơn giản bằng các động tác dùng tay bẻ, bứt, ngắt lá, đọt mà không cần dụng cụ phụ trợ. Hái xong thì bỏ vào bao, giỏ đi chợ. Tuy nhiên, có một số loại cây phân bố ở địa điểm khá khó, như cây đỏ ngọn, bìm bìm... phải bám, nhón cao hoặc đi trài theo triền núi để hái, khiến cho người hái rau cũng phải vất vả, lắm lúc gặp nguy hiểm. Hái đủ rau xong, người ta mang rau về, phân ra, trộn đều mỗi rổ gồm từ 10 – 20 loại rau khác nhau, rửa nước cho sạch, bỏ vào các rổ nhựa, rổ tre thường dùng hàng ngày, lấy vải ướt phủ lên trên mặt để giữ ẩm cho tươi rau. Khi người có nhu cầu tới mua thì bán, hoặc sáng mai mang ra chợ Bãi Làng bán hoặc cung cấp cho các nhà hàng ở Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Làng đã có đặt hàng sẵn.

          Rau rừng được sử dụng bằng ba cách: ăn sống, nấu canh và phổ biến nhất là luộc ăn với mắm cái. Rau rừng Cù Lao Chàm đã trở thành một thương hiệu ẩm thực riêng ngày càng được du khách ưa thích bởi sự đa dạng trong mùi vị: chua, ngọt, đắng, giòn, mềm, dai của các loại rau kết hợp với vị mặn, ngọt cay của mắm cái đã pha trộn. Đặc biệt, có một số loại rau còn có dược tính như rau me có tính thanh nhiệt, rau mặt trời tăng lực, kích thích thần kinh, rau đậu giải nhiệt, đọt choại thì có vitamin E, rau chưn vịt ngăn ngừa bệnh ung thư… 

          Thu nhập của người hái rau rừng cũng tương đối cao từ 100 - 200 ngàn/ngày vào mùa có khách du lịch tức từ tháng 2 đến tháng 9 dương lịch do du nhu cầu sử dụng rau rừng làm thức ăn của các nhà hàng, của du khách là khá cao và đã trở thành một sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Cù Lao Chàm.

         Tuy nhiên, rau rừng là loại rau tươi nên việc tích trữ để bán là không thể, do vậy, việc thu hái nguyên liệu mang tính thụ động cao. Rau rừng có nhiều loại và sử dụng chủ yếu lá, đọt, ngọn nên trong mùa hạ lượng tái sinh thấp trong khi nhu cầu khách lại rất cao. Những người hái rau phải chọn cách hái ở một địa điểm trong 1 – 3 ngày sau đó chuyển sang hái ở các địa điểm khác để đọt, lá cây ở nơi vừa hái có điều kiện tái sinh. Hiện nay, để phục vụ nhu cầu du khách đang tăng cao, có một số người đã sử dụng các loại thông thường như mã đề, rau dền, rau má thậm chí là lá ổi... vào rau rừng với tỷ lệ cao, khiến cho rau rừng giảm đi tính đặc trưng của hương vị. Đây là một số vấn đề không tốt, cần lưu ý trong việc phát huy nghề hái rau rừng trong thời gian tới. 

         Về nhân lực thì những người hái rau rừng ở Cù Lao Chàm hầu hết đều ở độ tuổi trên 50 tuổi, số lượng quá ít, chưa quá 10 người, lại kiêm làm nhiều việc cùng một lúc như hái rau rừng, làm cây thuốc nam, đan võng. Vì vậy cần vận động thêm từ khoảng 5 – 10 người để có thể chủ động phục vụ nhu cầu của khách và kế thừa gìn giữ tri thức dân gian độc đáo này.

         Nhìn chung đây là nghề mang nhiều tri thức dân gian, đang tạo nên một sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Cù Lao Chàm. Do vậy, cần được quan tâm quảng bá mạnh, giới thiệu nhiều hơn về các giá trị văn hóa của nghề trên các phương tiện thông tin. Và việc hái rau cũng không quá phức tạp lại đi qua nhiều cảnh quan rừng đẹp vì vậy có thể kết hợp nghề này với du lịch khám phá rừng ở dạng homestay. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần có sự khuyến khích người dân trồng một số loại rau tại vườn nhà như: rau me đất, bát bát, bồ đường… để chủ động nguồn rau trong mùa khô là mùa đông khách.

Tác giả: Trương Hoàng Vinh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây