Năm 1928, đồng chí Thống vào trung tâm thành phố Hội An học nghề may. Trong lúc học may, đồng chí Thống đã nhờ 1 người bạn cùng học may giúp học chữ, rồi biết chữ đọc báo, tiếp xúc được những thông tin tiến bộ. Năm 1934, được đồng chí Năm Đảng cũng là thợ may tuyên truyền, giác ngộ và tham gia cách mạng từ đây.
Trong quá trình hoạt động, với lợi thế là một thợ thủ công, thường làm trong trung tâm phố thị, được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội nên đồng chí Thống đã có điều kiện thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ khác nhau. Năm 1937, đồng chí Thống tham gia và trở thành hội viên Hội ái hữu thợ may. Bên cạnh đó đồng chí còn tham gia liên lạc với anh em thợ ở các ngành nghề khác. Do vậy đồng chí đã trở thành lãnh đạo cuộc đình công của anh em công nhân làm giấy vàng bạc Hội An.
Cuối năm 1941, được đồng chí Hoàng Kim Ảnh, Bí thư Thành uỷ Hội An giao nhiệm vụ hoạt động trong phong trào thanh niên Đuycôruy do Pháp thành lập, đồng chí Thống đã vận động được nhiều thanh niên công nhân tham gia bán vé số cứu quốc gây quỹ hoạt động cách mạng. Sau đó, đồng chí Thống chuyển đến Phú Yên, nhưng vào năm 1943, do cơ sở Hội An vỡ, vì đồng chí Thống đã bị bắt đưa về Quảng Nam, kết án 2 năm tù giam tại nhà lao Quảng Nam.
Năm 1944, ra tù, đồng chí Thống đã bắt đầu một thời gian hoạt động sôi nổi để chuẩn bị cho công cuộc giành chính quyền cách mạng ở địa phương. Được đồng chí Võ Văn Đặng giới thiệu, đồng chí Thống bắt liên lạc với đồng chí Võ Văn Thắng (Mạnh) và tham gia tích cực trong Mặt trận Việt Minh Trường Lệ. Từ đó, nhiều tổ chức cứu quốc ở trường lệ đã ra đời như Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc… Các đoàn hội thường xuyên bám dân, triển khai các hoạt động quyên góp, tuyên truyền, bí mật luyện tập võ trang để hình thành nên một lực lượng cách mạng nòng cốt trong nhân dân.
Đến tháng 8/1945, Ủy ban Việt Minh ấp Trường Lệ là một trong bốn Ủy ban Khởi nghĩa của 4 ấp, xóm của Cẩm Phô là Trường Lệ, Xuân Lâm, Tu Lễ, Xóm Mới được thành lập. Lúc này số hội viên cứu quốc của Trường Lệ đã có khoảng 100 người và vài chục đội viên tự vệ. Đây là lực lượng nòng cốt và trở thành một trong những mũi tấn công quan trọng của đoàn quân khởi nghĩa Hội An.
Đêm 17/8/1945, theo lệnh phát động của Ủy ban Khởi nghĩa Hội An, đồng chí Thống đã huy động được hơn 30 người ở Trường Lệ kéo xuống Hội An cướp chính quyền. Lúc đi đến Xóm Mới thì gặp đoàn của Xóm Mới do các đồng chí Sửu, Sành chỉ huy; đến đường cái thì gặp đoàn Xuân Lâm của đồng chí Thắng do Ba Lâm chỉ huy. Ba đoàn nhập lại, đi thẳng xuống đồn khố xanh lúc 3 giờ sáng. Sau khi chiếm đồn, đoàn người đã lấy được một số súng.
Cướp chính quyền Hội An xong, đồng chí Thống được được giao nhiệm vụ chỉ huy tự vệ ở Toà sứ, nơi UBND tỉnh đóng và chỉ huy đội tự vệ 3 phường trong thành phố tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự trong thành phố.
Ngày 29/8/1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời xã Cẩm Phô được thành lập, đồng chí Trần Văn Thống được cử làm chủ tịch. Từ đây, Cẩm Phô nói riêng, Hội An nói chung bước vào một giai đoạn cách mạng mới, bắt tay vào xây dựng nền độc lập non trẻ và chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.
Tài liệu tham khảo:
Hồi ký của Đồng chí Trần Văn Thống - Tài liệu lưu trữ tại Ban tuyên giáo Thành Ủy Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền