4 Di sản được vinh danh

Thứ ba - 09/09/2014 22:26
Vừa qua, tại phiên họp lần thứ 7, Hội đồng Di sản quốc gia đã công nhận 4 di sản văn hóa của các cư dân xứ Quảng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là Nghề dệt thổ cẩm, Vũ điệu tâng tung da dá của dân tộc Cơ Tu, Nghệ thuật trang trí trên cây nêu và bộ gu của dân tộc Co, Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được.
Nghề dệt thổ cẩm     
Dân tộc Cơ Tu là một trong số ít các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên còn bảo lưu nghề trồng bông, dệt vải. Đồng bào Cơ Tu chẳng những bảo lưu nhiều giống bông bản địa (gọi là giống “bông thượng” hay “bông cỏ”), mà còn biết sáng tạo ra nhiều công cụ khác nhau để chế biến sợi làm nguyên vật liệu cho nghề dệt thổ cẩm. Người Cơ Tu có nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông. Càng về sau, bảng màu của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường. Nghề dệt Cơ Tu thể hiện sức sống mãnh liệt của nền văn hóa tộc người. Mỗi sản phẩm dệt đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt, vừa có giá trị sử dụng vừa mang giá trị thẩm mỹ, nhất là trang trí hoa văn hạt cườm, hoa văn gợn sóng, hoa văn chỉ màu... Nó vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, phục vụ cuộc sống, vừa là của cải, thể hiện sự ấm no, giàu có và hơn thế nữa, nó như những tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng nhiều tinh hoa, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc. 
 

Phụ nữ Cơ Tu bên khung dệt.Ảnh: T.VỊNH
Vũ điệu tâng tung da dá
Trong kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu, vũ điệu tâng tung da dá là nghệ thuật diễn xướng nổi trội nhất, được thể hiện trong lễ hội mừng mùa, mừng nhà mới, săn được thú lớn hay các lễ hội lớn của cộng đồng. Không chỉ là điệu múa đơn thuần mà nó còn đi vào cuộc sống tâm linh với khát vọng dâng trời được thể hiện qua những tác phẩm điêu khắc hay vô số những mô típ, biến thể hoa văn trên nền vải, tạo một điểm nhấn trong di sản văn hóa tộc người Cơ Tu. Hình tượng tâng tung da dá đã chuyển hóa một cách sống động và sâu sắc trong nhiều lĩnh vực của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật của người Cơ Tu. Nó thực sự là linh hồn, tuyệt tác của kho tàng văn hóa dân gian Cơ Tu. Vũ điệu dân gian ấy là hình ảnh của cội nguồn làm nên diện mạo văn hóa đa dạng, phong phú; là một chất men xúc tác tạo nên cảm hứng cho sự sáng tạo, thăng hoa nghệ thuật truyền thống, được nâng lên thành biểu tượng văn hóa, thể hiện bản sắc riêng, độc đáo của dân tộc Cơ Tu.
 
Vũ điệu da dá đồng diễn trong lễ hội cộng đồng với sự tham gia của nhiều người.
 
Bộ gu và cây nêu của dân tộc Co
Đến kỳ lễ hội ăn trâu mừng vụ mùa bội thu, người Co thường làm bộ gu bla (gu tròn) và lavan (gu dẹt) và cây nêu để trang trí trong nhà, ngoài sân. Không chỉ có màu sắc, hoa văn kỳ bí, mỗi loại gu còn có cách tạo hình, kiểu dáng, trang trí riêng biệt, tạo điểm nhấn bắt mắt trong cả không gian nhà dài. Có nhiều loại gu khác nhau: gu bla treo lửng ở giữa nhà; lavan chỉ trang trí một mặt, gồm có gu mók a-tưl treo ở vách nhà hay phía trên khung cửa ra vào phía trước của ngôi nhà dài, gu mók tum treo trên cửa ra vào bếp và gu tum treo lửng trên bếp. Trong đó gu bla là kiểu gu khá đặc biệt, gồm có thân gu và 4 lá gu tạo nên 8 tai gu có hình tròn xây ra bốn phía trang trí nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo. Cây nêu trong lễ hội ăn trâu của người Co không phải một loại mà khá nhiều loại: nêu phướn (xa glák), nêu thượng (xa cô), nêu xa cóh, nêu lá (xa xje), nêu cót kjá, nêu dù (gâk đlu); nêu đu đủ (pa-lay đu)... Gần đây, các địa phương có đồng bào Co sinh sống như như Tây Trà, Trà Bồng (Quảng Ngãi), Bắc Trà My (Quảng Nam) đã phục dựng cây nêu và bộ gu để trang trí trong các lễ hội truyền thống. Cây nêu và bộ gu là công trình sáng tạo tập thể của dân tộc Co, toát lên nét đẹp trong đời sống tâm linh, sự tinh tế trong sáng tạo văn hóa của họ.
 

Bộ gu 4 gu bla.
Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được
Đến nay, Quảng Nam có 5 di sản được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (trong đó di sản Hát bả trạo của cư dân miền biển Quảng Nam được vinh danh năm 2013). Đây là cơ hội để đánh thức, vinh danh văn hóa xứ Quảng, kích thích tiềm năng sáng tạo của nghệ nhân dân gian, nhất là khi có Nghị định 62/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25.6.2014 quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Lễ hội rước cộ Bà Chợ Được ở Bình Triều (Thăng Bình) là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của xứ Quảng, có sự giao lưu, ảnh hưởng tín ngưỡng thờ nữ thần - Bà mẹ xứ sở của người Chăm. Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 10 và 11 tháng giêng âm lịch, thu hút đông đảo cư dân bởi nét độc đáo của tín ngưỡng, trình diễn dân gian, nhất là rước cộ. Đặc biệt, Bà Chợ Được được triều đình nhiều lần phong sắc. Nhân dân trong vùng rất tin vào sự linh hiển của Bà, lập miếu thờ phụng. Trong Lễ hội Bà Chợ Được, rước cộ là thành tố quan trọng giúp cho lễ có không khí rộn ràng sôi động, nô nức tưng bừng, với sự tham gia của làng và thu hút dân chúng trong vùng cùng khách thập phương tới xem và đi theo đoàn rước. Về phương diện văn hóa, rước cộ trong Lễ hội Bà Chợ Được biểu thị trình độ thẩm mỹ, năng lực tổ chức, biểu dương và khẳng định sức mạnh cố kết của cộng đồng làng. Nghệ thuật chưng cộ thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn mà chúng ta thường bắt gặp trong các loại hình nghệ thuật như hát Tuồng (còn được gọi là hát Bội, hát Bộ…), hô hát Bài Chòi, hoặc trong lễ tế, ma chay (các bài vị trong thờ cúng, các hình nhân, hình nộm, cách bài trí trong trai đàn, đàn tràng (Phật giáo).

 

Tác giả: TẤN VỊNH

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây