Nghệ nhân Huỳnh Sướng

Chủ nhật - 14/09/2014 23:04
Làng mộc Kim Bồng thuộc xã Cẩm Kim, thành phố Hội An có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời. Từ xưa, nhiều thế hệ thợ mộc của làng tham gia thi công các hạng mục quan trọng trong các cung điện, đền đài của vua chúa. Trải qua nhiều thế hệ, con cháu làng mộc tiếp nối truyền thống của cha ông trong việc giữ gìn và phát huy nghề mộc của địa phương, trong đó có nghệ nhân Huỳnh Sướng - một thợ trẻ có kinh nghiệm và tay nghề cao.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng
         Nghệ nhân Huỳnh Sướng sinh năm 1969 tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm mộc, có cha là nghệ nhân mộc Huỳnh Ri đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú. Anh Sướng từ nhỏ đi học và theo cha học nghề vào những lúc rãnh rỗi. Sau năm 1985, bắt đầu làm nghề mộc điêu khắc chạm trổ và cùng cha tham gia tu bổ nhiều di tích tại phố cổ Hội An, Đà Nẵng, Tam Kỳ… Đến năm 1996, Huỳnh Sướng bắt đầu mở lớp dạy nghề cho các con em trong làng.

        Do điều kiện xã hội nên nhiều khi nghề nghiệp không phát triển và có nguy cơ bị mai một, nhưng từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương đổi mới, hội nhập với các nước trên thế giới, nghề điêu khắc chạm trổ có điều kiện hồi phục và phát triển. Nghệ nhân Huỳnh Sướng được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề truyền thống nên rất chú tâm học, rèn nghề để tay nghề ngày càng tinh xảo. Hơn nữa, anh luôn tìm tòi, tạo mẫu, thiết kế, nghiên cứu các họa tiết, hoa văn, kỹ thuật điêu khắc mà cha ông để lại để làm cơ sở vững chắc cho việc trùng tu các di tích của đô thị cổ Hội An, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

        Ngoài tham gia phục chế các di tích tại Hội An, anh cũng quan tâm đến sản xuất hàng tiêu dùng nội địa, xuất khẩu. Các sản phẩm đầu tiên của anh mang đậm tính dân dã của làng mộc Kim Bồng cũng theo chân những du khách phương Tây đi đến khắp các nước trên thế giới nhiều nhất là châu Âu, châu Mỹ. Trong số này có thể kể đến “Chiếc giường ngủ” xuất khẩu sang Mỹ năm 1994 với giá 4.000 đô la/ một chiếc.

       Đặc biệt, vào năm 1996, trước nhu cầu về nhân lực phục vụ cho việc trùng tu các di tích ở Hội An và nhu cầu sử dụng đồ gỗ của người tiêu dùng trong nước và khách nước ngoài, được sự giúp đỡ, hỗ trợ nhiều mặt của UBND thị xã Hội An, cơ sở dạy nghề mộc truyền thống Kim Bồng được hình thành. Bản thân nghệ nhân Huỳnh Sướng được giao trực tiếp giảng dạy với chương trình tự biên soạn cũng như kỹ thuật và thiết kế mẫu.

      Qua 3 năm, khóa học đầu tiên tốt nghiệp với số lượng 20 học viên. Cùng với lớp trẻ mới được đào tạo, tiếp tục vừa học vừa làm để nâng cao tay nghề cho các em. Đồng thời, những công trình lớn cũng được xây dựng, tu bổ từ đội ngũ thợ trẻ này, ở đây có thể nhắc đến những công trình như Thánh thất Cao Đài và Tịnh Xá Ngọc Giáng tại thành phố Đà Nẵng; nhà thờ tộc Bùi, Hội quán Phước Kiến, Quan Công miếu tại thành phố Hội An; Tượng Phật Thích Ca tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là tượng Phật được xếp vào loại tượng Phật bằng gỗ lim lớn nhất của Việt Nam hiện nay với trọng lượng nặng 4 tấn, cao 3m và rộng 1,6m.

          Không dừng lại ở những kết quả đạt được, nghệ nhân Huỳnh Sướng còn đi tìm hiểu học tập ở các làng nghề khác trong cả nước. Từ đó góp phần vào việc sáng tạo những sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc dân tộc như Tranh tứ linh, tranh bình sứ, tranh tứ quý, đĩa song phụng, bình cắm hoa, tách trà sen quê Bác. Đặc biệt, “Bộ tách trà chân quê” là sản phẩm gỗ duy nhất đã được lọt vào vòng chung kết cuộc thi sáng tác Hàng thủ công mỹ nghệ toàn quốc năm 2003 do cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội.

            Hàng năm, nghệ nhân Huỳnh Sướng còn tham gia các Hội chợ, Hội thảo, các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh, khu vực miền Trung, cả nước và đạt được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi. Với những sản phẩm có giá trị và tay nghề cao, nghệ nhân Huỳnh Sướng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) mời tham gia nhiều Hội thảo về nghề thủ công mỹ nghệ làng nghề của cả nước được tổ chức ở Tp Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 2002 - 2003, được mời làm tư vấn cho dự án khôi phục ngành nghề thủ công Việt Nam tại tỉnh Quảng Nam.

          Trên đà phát triển đó, lớp học viên khóa II được khai giảng đầu năm 2000, năm 2004 lớp học viên khóa III khai giảng và đến năm 2009 lớp học viên khóa IV kết thúc với hơn 10 học viên. Như vậy, số học viên được nghệ nhân Huỳnh Sướng trực tiếp đào tạo và nâng cao tay nghề hơn 150 học viên.

            Với đóng góp và cống hiến cho quê hương Hội An, vào ngày 14/8/2014, thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho ông Huỳnh Sướng. Đây là phần thưởng xứng đáng ghi nhận những đóng góp của nghệ nhân Huỳnh Sướng đối với việc giữ gìn và phát huy nghề mộc Kim Bồng, tạo cơ sở để ông tiếp tục gắn bó với nghề, đồng thời đào tạo đội ngũ thợ trẻ kế cận giữ gìn và phục hồi làng nghề để không bị mai một góp phần làm phong phú loại hình du lịch làng nghề truyền thống ở Hội An.
 
* Tài liệu tham khảo:
- Lý lịch đề nghị xét công nhận nghệ nhân ưu tú của ông Huỳnh Sướng cung cấp.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây