Đèn Lồng - Một nét văn hóa độc đáo của Hội An

Thứ tư - 08/10/2014 23:31
(ICTPress) - Ngày 27/9, tại Hà Nội, Đèn lồng Hội An sẽ được tôn vinh là 1 trong 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng năm 2013. Người dân Hội An rất tự hào đón chào sự kiện này.

          Đây là chương trình chất lượng, uy tín do người tiêu dùng trên cả nước đánh giá và bình chọn trực tiếp, liên quan đến việc xác định danh mục nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

         Trước đó, Đèn lồng Hội An đã được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng Quảng Nam công nhận 9 kiểu dáng, gồm các đèn hình tròn, bát giác, lục giác, trái bí, củ tỏi, hình thùng, đu đủ, bánh ú, hình dù. Ngoài ra còn có các loại đèn kéo quân, đèn hình cá, hình rồng…

         Đèn lồng Hội An không chỉ là nhãn hiệu thương mại mà còn là một nét văn hóa độc đáo, rất đáng tự hào đã có từ bao đời của người dân Phố cổ.

        Cho đến nay, chưa ai biết chính xác đèn lồng Hội An ra đời từ bao giờ. Chỉ nghe người dân kể lại, ông tổ làm đèn lồng tên là Xã Đường. Ông là thợ mã chuyên làm đầu lân, lồng đèn cho các đêm hội, cuộc thi đấu xảo, thi làm đèn kéo quân… Sau đó, nghề này được phổ biến đến khá nhiều hộ tại Hội An.

        Thuở ban đầu, chỉ những gia thượng lưu mới có đèn lồng to vẽ chữ Hán hoặc tranh thủy mặc treo trong nhà. Dần dần, chiếc đèn lồng mới tới được với tầng lớp bình dân bằng hình thức trang trí nhà cửa nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ, sang trọng, quyến rũ vốn có.

        Dạo quanh phố cổ, du khách có thể dễ dàng bắt gặp vô số lồng đèn được bày bán trong cửa hàng và treo trước hàng quán cả ngày lẫn đêm. Những chiếc đèn lồng được trang trí đẹp mắt, đa dạng về màu sắc và kiểu dáng là một trong những mãnh lực níu kéo bước chân du khách khi đến với Phố cổ.
 

 
 
       Đèn lồng Hội An từ lâu không chỉ đem lại cho phố cổ một nét riêng độc đáo mà còn là một mặt hàng quà lưu niệm hấp dẫn đối với du khách. Người Hội An rất tự hào về những chiếc đèn lồng do chính tay mình làm nên.

         Làm đèn lồng đã trở thành một nghề thủ công truyền thống ở nơi đây. Để làm lồng đèn, tre phải là tre già ngâm với nước muối 10 ngày để chống mối, mọt sau đó phơi khô, vót mỏng tùy theo kích cỡ của loại đèn. Vải bọc phải là vải xoa hoặc lụa tơ tằm, có độ dai để khi căng không bị rách và người thợ căng vải cần có kỹ thuật để thẳng góc ở những đoạn cong. Chính vải lụa đã làm cho ánh sáng thêm huyền ảo, sống động.

         Mỗi hình dáng và màu sắc của đèn lồng đều mang một ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, đèn tròn tượng trưng cho sự hài hòa, cân đối. Đây là mẫu đèn có nét đặc trưng riêng của đèn lồng Hội An. Theo quan niệm dân gian, chiếc đèn lồng kiểu tròn treo trong nhà là biểu tượng mang đến nhiều sự ấm áp, yên bình và may mắn cho ngôi nhà.

         Vào đêm trăng rằm, những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng treo trước cửa mọi nhà. Đường phố cổ khi đó không tiếng xe, không ánh đèn điện, những chiếc đèn lồng càng lộng lẫy khoe sắc trước sự ngạc nhiên, thú vị của du khách.

        Vài năm trở lại đây, Đèn lồng Hội An không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Không còn cố định trong những khung kiểu cổ điển, đèn Hội An ngày nay có thể xếp gọn, nhỏ để mang đi xa.

       Bắt đầu từ năm 2010, vào dịp đầu Xuân, Hội An tổ chức lễ hội đèn lồng và thả hoa đăng trên dòng sông Hoài. Từ đó, lễ hội được duy trì hằng năm, thể hiện ước muốn cầu may cho năm mới.
 

       Mỗi năm, cứ đến dịp Trung thu, những chiếc lồng đèn phong phú đủ mọi màu sắc, kích cỡ, kiểu dáng lại được thắp lên, tạo cho phố cổ Hội An một vẻ đẹp khác thường. “Hội An đêm rằm” là sáng kiến độc đáo của người dân nơi đây nhằm phát huy giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại.

       Du khách đến Hội An, ngoài việc tìm hiểu và chiêm ngưỡng phố cổ, thưởng thức đặc sản cao lầu hay tìm góc thư giãn với dòng nhạc cổ điển... khi màn đêm buông xuống, du khách còn được tận hưởng những sắc màu lung linh huyền ảo, trữ tình của những chiếc đèn lồng giăng kín các ngả đường vào phố cổ. Có một chút gì như là sự hoài niệm về quá khứ, rất gần mà cũng rất xa, rất thật mà cũng rất mơ hồ. Dưới ánh đèn lồng, những bước chân nhẹ nhàng, tiếng rao đêm ngân vang êm dịu và dưới bóng những ngôi nhà cổ đầy rêu phong, thơ mộng như gợi cho du khách hoài niệm về một thương cảng đã từng sầm uất và thịnh vượng cho đến ngày hôm nay.

       Đèn lồng Hội An khá đẹp, nhẹ và quan trọng là có thể thu gọn lại bằng cách xếp khung theo nếp để mang đi. Vì vậy không ít du khách thường làm vật kỷ niệm về một phố cổ nên thơ, đồng thời làm quà tặng thật ý nghĩa cho người thân.

       Từ năm 2009, Thành phố Hội An đã tổ chức hội thi đèn lồng và công bố kết quả vào dịp Tết Nguyên Tiêu, nhằm tôn vinh sản phẩm du lịch độc đáo của đô thị cổ.

 

Tác giả: Trịnh Quang

Nguồn tin: Tạp chí Di sản Văn hóa số 1 (30) - 2010

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây