Các ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống hiện còn ở Cù Lao Chàm

Thứ ba - 18/11/2014 03:40
Qua thống kê sơ bộ, hiện nay ở Cù lao Chàm còn khoảng 29 ngôi nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống, hầu hết được làm lại sau đợt bão số 2 năm 1989. Bài viết này tập trung mô tả hình thức kiến trúc, bố cục của nhà 3 gian, loại nhà có kiểu dáng kiến trúc truyền thống phổ biến nhất hiện còn ở Cù lao Chàm.
Nhà ông Nguyễn Vinh - Thôn Cấm - Cù Lao Chàm - Hội An
Nhà ông Nguyễn Vinh - Thôn Cấm - Cù Lao Chàm - Hội An
       Về mặt bằng tổng thể, khu đất dựng nhà thường có diện tích không lớn, nhà thường được xây lùi về phía cuối khu đất, vì vậy, rất ít ngôi nhà ở Cù lao Chàm có sân vườn phía sau. Hầu hết các ngôi nhà đều có khoảng sân trống phía trước, nhưng khoảng sân cũng chiếm diện tích khá khiêm tốn. Nhà được làm xoay mặt về phía biển (Bãi Hương, Bãi Làng), lưng hướng về núi, sườn phía Tây của hòn Lao để tránh các yếu tố bất lợi của thời tiết, vì vậy các ngôi nhà đều có hướng Tây hoặc chếch về hướng Tây Nam.

          Nhà chính có dạng nhà 3 gian, theo kiểu nhà con tiền cái hậu, mặt bằng hình chữ nhật. Nhà có diện tích không lớn, bề ngang thường dao động từ 5,50m đến 6,50m, bề sâu thường dao động từ 4,0m đến 5,0m. Hệ khung chịu lực (cột, kèo, trính, xuyên, đòn tay) bằng gỗ. Nhà thường có 4 hàng cột theo bề ngang, 3 hàng cột theo bề sâu. Với 02 hàng cột ở gian giữa, mỗi hàng cột thường chỉ có một cột cái hậu và hai cột con, tại vị trí cột cái tiền sẽ thay thế bằng trụ đội, một đầu gối lên trính, một đầu giúp chống đỡ kèo. Việc giảm cột cái tiền nhằm tạo không gian sinh hoạt phía trước thông thoáng hơn.

        Trính ở hai hàng cột gian giữa là trính đoản (còn gọi là trính lãng), liên kết cột cái hậu và cột con tiền. Trính ở hai hàng cột biên là trính trường (trính dài) liên kết cột con tiền và cột con hậu. Xiên liên kết hàng cột cái hậu và các thanh trụ đội (thay cho cột cái tiền), xiên luôn nằm cao hơn trính. Kèo có dạng kèo suốt. Hệ mái gồm hai mái dốc, độ dốc khá lớn giúp thoát nước mưa nhanh chóng. Do nhà làm sát biển, hay có gió thốc và hứng chịu nhiều mưa bão nên nhà thường làm khá thấp. Ô-tơ mái thường cao không quá 2,80m so với cốt nền nhà. Cửa đi, cửa sổ đều là cửa panô, mở ra phía ngoài.   Tuy nhà chính có diện tích nhỏ, nhưng phần hiên của ngôi nhà lại có diện tích khá lớn so với nhà chính. Mái có độ dốc nhỏ. Hiên có bề rộng bằng bề rộng nhà chính, bề sâu thường từ 2m đến 3m, hoặc rộng hơn. Điều đó giúp tránh được cái nắng “xiên khoai” oi bức, khó chịu vào mùa hè từ hướng Tây chiếu trực diện vào nhà từ trưa đến chiều, tránh được nước mưa tạt vào mùa đông.

        Nhà chính dùng để ở, tiếp khách và thờ tự, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt trong gia đình. Khoảng không gian giữa hai cột cái hậu và cột con hậu ở gian giữa, vị trí đẹp và trang trọng nhất trong ngôi nhà được sử dụng làm nơi thờ tự, ta tạm gọi là gian thờ. Gian thờ ngăn cách với hai gian bên cạnh bằng vách tôn hoặc phên tre đan, hoặc tường gạch. Người dân ở đây, ai cũng thờ Ngũ tự gia đường, ông bà tổ tiên, người thân trong gia đình. Với các gia đình theo đạo Phật, trên bàn thờ còn có thêm tượng Phật Quán Thế Âm, được đặt ở vị trí cao nhất. Trước gian thờ đặt một bộ bàn ghế gỗ dùng để tiếp khách, là bàn học cho con cháu học hành.

        Khu vực hai bên gian thờ bố trí giường ngủ và sập bân bằng gỗ. Dọc hai bên tường biên thường kê tủ gỗ và đặt các bộ phảng gỗ. Vì bố trí công năng như vậy nên tại các vị trí này luôn có cửa sổ.

        Với các khu đất rộng, nhà có thể có thêm chái phụ. Chái có bề ngang không lớn, hệ mái thường là một mái dốc. Chái có bố trí giường ngủ, tủ gỗ, là nơi đặt để một số vật dụng trong gia đình.

        Trước đây, rất nhiều nhà ở Cù lao Chàm không có công trình vệ sinh, việc sinh hoạt của các thành viên trong gia đình có phần bất tiện. Năm 2004, khi có sự vận động của chính quyền địa phương kèm theo chương trình cho vay vốn hỗ trợ, nhiều hộ gia đình mới bắt đầu tiến hành xây dựng nhà vệ sinh. Do một số nhà đã được xây dựng về phía cuối khu đất từ trước, nên khi xây dựng mới nhà vệ sinh, “công trình phụ” lại nằm ngay ngoài mặt tiền, phía trước ngôi nhà. Khu nhà vệ sinh xây kiên cố bằng tường gạch, sàn mái bê tông cốt thép. Người ta thường xây gộp chung khu bếp vào khu vệ sinh. Một số ít trường hợp, bếp nằm ở nhà chái.

         Phần sân trước nhà thường trồng các loại cây ăn trái và tạo bóng mát, phổ biến nhất là mận. Ngoài ra còn có một số loại cây cảnh nhỏ.
         
        Tóm lại, những ngôi nhà xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống còn lại ở Cù lao Chàm còn bảo tồn được nhiều yếu tố mỹ - kỹ thuật, hệ khung với hình thức trính lãng đặc trưng, cách thức bố trí công năng sử dụng.... góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình kiến trúc nghệ thuật ở Hội An nói chung và Cù lao Chàm nói riêng. UBND Thành phố cùng với chính quyền xã Tân Hiệp cần sớm có chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị những ngôi nhà nói trên.
 

Tác giả: Trần Thanh Hoàng Phúc

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây