Triển khai sưu tầm tư liệu, hiện vật về di tích Nhà lao Hội An

Thứ hai - 01/12/2014 21:34
Nhà lao Hội An (tên thường gọi là Nhà lao Xóm Mới) được đế quốc Mỹ và tay sai lập nên để giam cầm đồng bào, chiến sĩ ta từ năm 1960 đến năm 1975. Nơi đây, hàng chục năm về trước, đồng bào, chiến sĩ ta không chỉ ở Quảng Nam mà còn nhiều địa phương khác đã đổ biết bao xương máu để hòa cùng cả nước chiến đấu đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Trong gian khổ, tù đày, trước bao thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn luôn giữ tròn khí tiết, một lòng kiên trung hướng về Đảng, hướng về cách mạng, không ngừng đấu tranh cho đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Hiện Nhà lao đã trở thành chứng tích một thời tiêu biểu cho tội ác của kẻ thù trên mảnh đất Hội An.
             Trải qua nhiều năm tháng, nhà lao Hội An đã bị hư hại nhiều, nhiều hạng mục bị biến đổi không còn giữ được tính nguyên gốc như trước. Được sự quan tâm của thành phố Hội An và của Tỉnh Quảng Nam, đầu năm 2012, Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Nhà lao Hội An đã được triển khai thực hiện. Đến nay, một số hạng mục đã được tu bổ, phục hồi trong giai đoạn đầu của Dự án. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan cần làm rõ để phục vụ công tác tu bổ. Điều này là rất cần thiết bởi có như vậy kết quả tu bổ mới có thể phản ảnh đầy đủ tính lịch sử và nguyên gốc của sự kiện, của di tích. Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo, Nhà lao Hội An sẽ được định hướng đưa vào tham quan, giới thiệu đến đông đảo du khách và nhân dân trong thời gian đến. Qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ mai sau. Đây cũng là niềm mong mỏi lớn lao của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó đặc biệt là những người từng có thời gian bị giam cầm ở nhà lao này.

          Để phục vụ cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cần có sự phong phú về nguồn tư liệu, hiện vật. Trong thời gian qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (đơn vị được UBND thành phố Hội An giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát tu bổ và tham mưu phương án phát huy di tích Nhà lao Hội An) đã nỗ lực sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ cho mục đích này và đạt được những kết quả bước đầu, trong đó có một số bài thơ ca được sáng tác ngay trong nhà lao, một số khăn thêu tự làm hay một số trang phục của tù nhân do chính những người từng có thời gian bị giam cầm ở nhà lao cung cấp. Có những bài thơ ca dài đến hàng trăm câu qua hàng chục năm vẫn còn được ghi nhớ; có những hiện vật tưởng chừng như vô nghĩa nhưng được chủ nhân nâng niu gìn giữ trong suốt thời gian dài. Qua những tư liệu, hiện vật này đã phần nào phản ảnh một cách sinh động về nhà lao Hội An nói chung, về cuộc sống gian khổ nhưng rất đỗi vinh quang của người tù nơi đây nói riêng đã một thời hiến thân mình cho sự nghiệp cách mạng.

          Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là kết quả còn rất khiêm tốn so với thực tế. Chắc hẳn sẽ còn rất nhiều những tư liệu, hiện vật quý đang được lưu giữ trong nhiều gia đình, nhiều cá nhân chưa được biết đến, nhất là đối với những người từng có thời gian bị giam cầm ở nhà lao. Đó có thể là những bức ảnh, giấy tờ đất có từ trước năm 1975 liên quan đến nhà lao hay những ghi chép cá nhân, những bài thơ, ca, những câu chuyện, những kỉ vật như áo quần, khăn thêu, bao gối, … từng được làm, sử dụng trong nhà lao. Mỗi tư liệu, hiện vật này dù là rất nhỏ nhưng đều rất quý và rất đáng trân trọng gìn giữ, phát huy.

          Xuất phát từ thực tế đó, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tiếp tục triển khai công tác sưu tầm này, với mong muốn tập hợp đầy đủ nhất tất cả tư liệu, hiện vật về nhà lao Hội An. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm rất mong nhận được sự chia sẻ thông tin từ mọi cá nhân thông qua địa chỉ: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, số 10B, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hội An, điện thoại: 0510.3862.946.

          Hy vọng trong thời gian đến, nhiều tư liệu, hiện vật quý về di tích Nhà lao Hội An sẽ tiếp tục được sưu tầm, tập hợp; sẽ có nhiều cá nhân cung cấp những thông tin mới để chúng ta cùng chung sức gìn giữ giá trị của di tích Nhà lao Hội An mãi được lưu truyền cho hậu thế mai sau.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây