Ông bắt đầu học nghề từ năm 1948, người thầy đầu tiên của ông là Ông Chín Chua, người ở Xóm Mới, nay là khối An Hòa, gần nhà Lao Hội An. Xưa kia ông Chín Chua mở tiệm may trong chợ Hội An. Ông bắt đầu xin vào học, lúc trước học không có đóng tiền học phí như bây giờ. Học xong hai năm người thợ phải ở lại làm việc cho chủ một năm gọi là làm để trả công học nghề. Sau đó ai có điều kiện thì có thể mở tiệm riêng để làm. Ông Lạc cho biết thêm, công việc học may cũng không đơn giản bởi thời điểm đó máy may rất hiếm mỗi tiệm cũng chỉ có 1 đến 2 máy may. Đối với người mới học may không dễ gì được ngồi vào bàn máy để may, chỉ tranh thủ thời gian rảnh không có khách hoặc thời gian nghỉ trưa mới có thể ngồi vào máy may thử. Năm đầu hầu như học làm khuy, luông, kết nút, gần như chỉ học những khâu cơ bản. Sang năm thứ hai mới học cách cắt may, đây cũng là công đoạn tốn nhiều thời gian nhất.
Ông Nguyễn Viết Lạc - sửa quần áo tại chợ Hội An
Thời điểm đó, trang phục cũng chỉ là quần đùi, áo bà ba, quần chân con, áo yếm. Sau khi học nghề và trả công chủ xong, năm 1952 ông mua một chiếc máy may hiệu Singer của tiệm bán máy Vạn Hòa đường Lê Lợi. Máy may lúc xưa đối với ông là tài sản lớn lao mà ông có được. Ông bắt đầu may tại chợ Hội An kể từ đó, khách hàng của ông ngoài người dân Hội An còn có những người ở tận Chợ Được, Tứ Câu, Tiên Đỏa… họ sang chợ Hội An đặt may mỗi lần 4, 5 bộ quần áo về chợ bán, bán hết khi nào đặt may khi đó. Thời gian may tại chợ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 12 trưa là nghỉ. Trải qua thời gian dài với công việc và cuộc sống mưu sinh của mình, ông học hỏi được nhiều kinh nghiệm mà theo ông có những trang phục ông không học ai cả, chỉ nhìn người khác may mà bắt chước làm theo như các loại âu phục, áo dài, và cả đồ dành cho người chết (đồ tang).
Sau năm 1975, ông chuyển sang sửa quần áo cho đến ngày nay, thỉnh thoảng cũng may đồ Tây hay những trang phục xưa mỗi khi có yêu cầu của khách. Thời gian vẫn cứ trôi nhưng ông vẫn vậy, vẫn chiếc máy cũ mà ông đã mua ngay từ buổi đầu lập nghiệp, nó đã bong tróc sơn nhưng theo ông chiếc máy vẫn còn chạy rất tốt và gần như thuộc vào loại hiếm có bây giờ. Niềm vui của ông là được làm công việc mình yêu thích, còn sức khỏe thì còn tiếp tục.
Hội An được xem là một trong những nơi có ngành may mặc phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước phát triển vào loại bậc nhất tại Việt Nam. Trong các chặng đường phát triển của nghề, những người như ông Nguyễn Viết Lạc chính là những nhân chứng sống góp phần làm nên giá trị đặc trưng của nghề may truyền thống ở Hội An.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền