Lần theo dấu chợ
Nong, nia, giần, sàng… những vật dụng bằng tre vẫn theo chân những người đàn ông, đàn bà ra phố chợ. Những chiếc rổ tre Triều Châu, chưa thể gọi bằng cái tên “mặt hàng truyền thống”, nên cứ phải đậu ở những góc chợ, dưới những tán cây. Làng Triều Châu (Duy Thành, Duy Xuyên), thật ra có đến hơn 50 hộ đang tiếp nối nghề này, nhưng vẫn theo kiểu làm ăn đơn lẻ. Những chiếc rổ tre, mẹt, nong nia có ở mỗi góc chợ quê, chợ tỉnh, nhưng đời sống của nó mòn dần theo từng ngày. “Bán không được nhiều đâu. Một rổ tre trung bình giá 45 nghìn đồng, nhưng dễ chi hư” - bà Nguyễn Thị Thân, năm nay gần 70 tuổi, chia sẻ. Những chiếc rổ tre thô mộc không thể cạnh tranh nổi với hàng chục, hàng trăm mẫu mã rổ nhựa thời công nghệ cao, nên đành ngậm ngùi nép bên góc chợ. Dù có mê mẩn nong nia giần sàng cỡ nào, nhìn cảnh lớp rổ tre mốc meo khi đổ trời chiều, giống như một thứ ký ức đang chìm dần trong đời sống đô thị chật hẹp.
Có người đàn ông thi thoảng ngồi dưới gốc đa bên chợ Vĩnh Điện, với đồ nghề là hai mẻ đá đã mòn nhẵn theo tháng năm bôn ba. Khi nhiều hàng quán chỉ chuyên thái thịt bằng dao ta, thì vẫn cần đến những người mài dao bằng tay. Người mài dao dạo quanh chợ, lạc vòng lời rao qua các ngõ hẻm “mài dao, mài kéo đây…” với âm sau cùng kéo ra thật dài. Càng cận kề ngày cuối năm, càng nghe lời rao dày đặc. Ông Lê Văn Bảy (Điện Phương, Điện Bàn), hơn 20 năm hành nghề, nói như đinh đóng cột rằng, chục năm nữa, nghề mài dao của ông cũng không sợ “thất sủng”. Tách ra khỏi các sản phẩm cồng, chiêng của làng nghề đúc đồng để chuyên rèn, mài dao kéo, ông Bảy, cũng như những người ở xóm lò rèn Hồng Lư (Tam Kỳ), luôn nuôi hy vọng về sức sống của những sản phẩm mình làm ra.
Cụ bà Phan Thị Môn đan võng ngô đồng.
Ở cuối con đường chính của xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm), cụ bà Phan Thị Môn, 93 tuổi, với đôi tay và sự tập trung cao độ, tỉ mẩn tết từng sợi ngô đồng. Năm nay, bà vui hơn vì đã có mấy “học trò”. Họ đã chịu làm võng ngô đồng cùng bà. Từng ngón tay của cụ Môn đã chai, từng dấu vân tay đã mất sau bao nhiêu năm mân mê sợi ngô đồng. Để dệt nên những chiếc võng, ngày còn khỏe, cụ Môn phải vác dao lên rừng, tước vỏ cây ngô đồng. Vỏ cây tốt phải là cây đang độ phát triển, thân cây mập, vỏ xanh. Dùng dao tước vỏ rồi gánh xuống núi. Ngâm nước ngọt một tuần. Vớt vỏ cây lên giặt cho sạch để lấy lớp màng bên trong, tước thành sợi và phơi khô. Để đan một chiếc võng, cụ Môn phải mất hơn một tháng mới xong. Cẩn thận đan xoắn từng sợi dây lại với nhau, rồi tỉ mỉ đan.
Ký ức bảng hiệu
Nếu để tâm đến những bảng hiệu nhà buôn kiểu cũ ở phố cổ, đoan chắc nhiều người sẽ thấy lòng mình nôn nao. Chúng tôi may mắn gặp người có tiệm vẽ bảng hiệu đầu tiên ở Hội An, cũng chính là người có tiệm vẽ chân dung truyền thần đầu tiên ở nơi này. Những tấm chân dung truyền thần vẽ bằng bột than chì vẫn được nhiều gia đình ở Hội An gìn giữ. Chừng như đó là những trang sơ lược về lịch sử của từng gia đình, từng dòng tộc, là những trầm tích của một vùng đất có chiều sâu văn hóa. Cụ ông Trần Giáp Quyền, nay đã 88 tuổi, xúc động khi biết có người muốn tìm hiểu lai lịch của những tấm bảng hiệu – một “sản phẩm nghệ thuật” ít được để ý. “Mùa thu năm 1959, tôi đưa cả gia đình từ Huế về quê Hội An, thuê một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Học để gia đình tá túc. Tại đây, cửa hiệu Mỹ Hội - bút danh của tôi, ra đời” - ông nói. Đây là nơi đầu tiên chuyên vẽ chân dung truyền thần và bảng hiệu ở Hội An.
Những nhà gia thế tại Hội An thường nhờ ông vẽ chân dung người thân trong gia đình để trang trí và sau đó theo họ là để thờ tự. Tiếng tài loan đi, những nhà buôn cũng đến nhờ ông vẽ bảng hiệu kinh doanh cho họ. Đầu thập niên 1970 nghệ sĩ Chánh Bình mở cửa hiệu thứ hai tại Hội An. Ông ít vẽ truyền thần và chuyên vẽ bảng hiệu hơn. Ông có một kỹ thuật riêng để vẽ những tấm bảng hiệu bằng sơn trên nền tole có thể chịu đựng mưa nắng hàng thập niên mà không hề bong tróc. Đã có một thời kỳ những nhà buôn thể hiện đẳng cấp của mình bằng một tấm bảng hiệu có bút danh Chánh Bình.
Những năm sau đó, có những cửa hiệu Chân dung – bảng hiệu tiếp tục khai trương, nhưng đáng kể nhất là Hoàng Vi. Ngoài việc vẽ chân dung bảng hiệu, là một nghệ sĩ trẻ tài hoa, ông nhận vẽ pa-nô điện ảnh, đây hầu như là sở trường của ông. Trước đó hầu hết pa-nô điện ảnh được chở về từ Đà Nẵng, và điều này chỉ chấm dứt khi Hoàng Vi bắt đầu nhận vẽ pa-nô cho công ty phát hành phim. Ít người biết được những tấm pa-nô với nhiều hình diễn viên điện ảnh nổi tiếng treo ở mặt tiền rạp Phi Anh một thời, đã được Hoàng Vi phóng lớn từ những tấm poster nhỏ như lòng bàn tay. Khoảng đầu thập niên 1980 những phòng vẽ ở Hội An tiếp tục ra đời bởi các ông Khâm, Vũ Lộc, Lê Luyến. Đặc biệt là Lê Luyến sở trường về bảng hiệu, ông có nét chữ rất bay bướm nên nhìn những bảng hiệu của Lê Luyến thực hiện ra dáng nghệ thuật hơn những người khác. Khi công nghệ in có những bước phát triển mạnh mẽ, những tấm ảnh, bảng hiệu hiện đại đầy màu sắc rực rỡ dần thay thế những tấm ảnh, bảng hiệu của một thời quá vãng. Và họ, cũng lặng lẽ lui dần như từng thầm lặng góp sức để chúng ta có được không gian di sản văn hóa này.
Hội đồng quốc tế các bảo tàng (ICOM) đề ra một công thức nhằm lưu giữ và phát huy di sản, hy vọng tái tạo những thứ ký ức đã qua thành một nguồn hứng khởi mới, đó là “ký ức + sáng tạo = biến đổi xã hội”. Từ góc độ này, bất chợt nghĩ rằng, chính những người, với những nghề giản dị này, đi qua bao dâu bể cuộc đời, vẫn đang cố lưu giữ những ký ức của cộng đồng cho mai sau. Nhưng họ - có thể biến mất mà chẳng ai hay…
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền