Giới thiệu di tích khảo cổ bãi Ông - Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 21/12/2014 21:06
Nằm cách đất liền Hội An khoảng 15km về phía Đông, cụm đảo Cù Lao Chàm là nơi có nhiều sản vật quý và giữ vai trò quan trọng về nhiều mặt trong suốt diễn trình lịch sử của Hội An. Chính vì thế, cách đây hơn 3000 năm, con người đã đến cư trú, sinh sống trên mảnh đất Cù Lao Chàm. Điều này được minh chứng qua di tích khảo cổ Bãi Ông nằm ở khu vực Bãi Ông - hòn Lao.
           Di tích khảo cổ này tọa lạc trên khu đất cao nằm giữa hai khe nước bắt nguồn từ trên núi chảy xuống biển, cách di tích lăng Cô Hồn khoảng 200m và cách đường bờ biển khoảng 250m về phía Đông. Di tích được phát hiện và đào thám sát vào tháng 5/1999, khai quật vào tháng 6/2000. Kết quả đào thám sát và khai quật cho thấy di tích có hai tầng văn hóa, giữa hai tầng văn hóa là lớp vô sinh dày khoảng 5 - 20cm, đất màu vàng nhạt, đôi chỗ bị nhiễm ôxít sắt.

          Tầng văn hóa trên dày khoảng 35 - 40cm. Trong tầng này có hiện vật gốm sành miền Trung Việt Nam thời Hậu Lê, gốm sứ Trung Quốc thời Đường, Minh, Thanh thuộc các lò ở Quảng Đông, Phúc Kiến, Cảnh Đức Trấn và gốm Chăm. Các hiện vật gốm Đường, Chăm có loại hình và chất liệu giống gốm Đường, Chăm phát hiện được tại di chỉ Bãi Làng, khung niên đại từ thế kỷ VIII - X. Trên bề mặt tầng văn hóa này còn có những hiện vật có niên đại muộn hơn, khoảng từ thế kỷ XVII - XVIII.

           Tầng văn hóa dưới dày khoảng 70 - 115cm, ở độ sâu từ khoảng 60 -155cm so với mặt đất hiện trạng. Tại hố thám sát, trong tầng văn hóa xuất hiện cụm mộ nồi bằng gốm với bên ngoài đáy nồi kè đá cuội. Ngoài ra còn có các cụm gốm xen kẻ than tro, xương răng cá, công cụ đá, xương động vật, các lổ hình tròn với đường kính khoảng 20cm chứa cát màu thẫm hơn nhưng không có hiện vật. Trong hố khai quật, diễn biến màu cát trong tầng văn hóa chuyển từ màu đen sang vàng theo chiều sâu dần. Các hiện vật gốm, công cụ đá, xương động vật nằm xen lẫn với nhau. Hiện vật gốm thô được làm từ đất sét pha cát, vỏ nhuyễn thể phân bố tập trung ở độ sâu 40 - 110cm. Hiện vật đá phân bố tập trung ở độ sâu từ 75 - 105cm. Ngoài ra, tại hố khai quật còn tìm thấy được dấu vết bếp lửa, hạt cây cháy, xương động vật biển. Đây là dấu vết thể hiện dấu ấn cư trú của cư dân cổ vùng đảo Cù Lao Chàm.

       Những hiện vật trong tầng văn hóa này có niên đại tương đồng với hiện vật trong các di tích sơ kỳ kim khí miền Trung như: Long Thạnh ở Quảng Ngãi, Bàu Tró ở Quảng Bình.

        Bộ sưu tập hiện vật từ hố thám sát, khai quật ở di tích Bãi Ông phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, gồm đồ gốm Tiền Sa Huỳnh, sành, sứ, đá,... Đồ gốm Tiền Sa Huỳnh là mảnh vỡ của các loại hình vò hình cầu, nồi miệng khum, nồi miệng loe xiên, bình chân thấp, mâm bồng, dọi xe chỉ… Chất liệu gốm thô, xương bở, màu đen, nâu đen hoặc nâu xám, pha nhiều cát, sạn nhỏ, bã thực vật. Áo gốm thường có màu xám, màu vàng nhạt, nâu đỏ, đỏ... Hoa văn trang trí phổ biến là văn thừng, in cuốn rạ, in mép vỏ sò, khắc vạch hoặc kết hợp nhiều thủ pháp trên tạo thành băng. Đồ đá có hiện vật nguyên và mảnh, thuộc nhóm công cụ sản xuất như rìu, bôn, bàn mài, chày, nghiền, mảnh tước. Chất liệu là đá cuội, đá hoa cương màu xanh, xanh xám, xám trắng. Kỹ thuật chế tác chủ yếu là ghè, mài, tước. Nhiều hiện vật đá được chế tác bằng kỹ thuật cao như bôn tứ giác, rìu tứ giác, rìu đốc hẹp, bàn mài, hòn kê, mảnh đá có hình giống lưỡi khoan. Đồ trang sức có chuỗi hạt màu đen vân trắng được mài trau chuốt. Ngoài ra còn có các hiện vật là hạt cây cháy, xương động vật.

        Di tích khảo cổ Bãi Ông là địa điểm cư trú kết hợp mộ táng của cư dân Tiền - Sơ sử, có niên đại sớm nhất được biết đến ngày nay ở Hội An. Cư dân Tiền - Sơ sử Bãi Ông sinh sống bằng săn bắn, hái lượm, đánh bắt, có trình độ kỹ thuật cao trong chế tác đồ gốm và đá. Với những giá trị cao về mặt khoa học, văn hóa và lịch sử, năm 2006, di tích khảo cổ Bãi Ông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây