Thành ngữ Quảng Nam

Thứ ba - 13/01/2015 21:45
Phần lớn những câu thành ngữ của người Quảng Nam đều hình thành và xuất hiện trước và trong thời quân chủ nhà Nguyễn còn cai trị nên tư duy phong kiến, cái nhìn độc đoán khá đậm nét. Một điều dễ thấy nhất là chế độ ấy rất coi thường trẻ con, cho rằng trẻ con là hạng người không biết gì, chỉ nên cúi mặt vâng lời là đủ. Suy nghĩ sai trái và độc đoán ấy xuất hiện trong câu thành ngữ “Con nít ai địt thì dạ”. Não trạng khinh khi trẻ con dễ sợ đến vậy là cùng. Tư duy ấy cũng tạo ra thói quen coi thường người bình dân, ít được học hành “Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Thời tôi mới lớn lên rất bực mình khi nghe những người lớn hay dùng các câu thành ngữ này nên rất phản cảm với thế giới người lớn, không muốn tham dự những cuộc vui có đông người như giỗ chạp, tiệc tùng.

       Thành ngữ Quảng Nam khái quát những kinh nghiệm dân gian rất quý báu mà nếu khái quát chúng lại, sẽ có một “túi khôn” phong phú. Sông ngòi ở Quảng Nam khá nhiều nhưng biển lại cũng rất gần sông cho nên dòng chảy của sông không được thông thoáng, không thể thoát nước nhanh. Đặc biệt, những cơn bão lớn mùa đông thường đến trong những chu kỳ triều cường; nước biển dâng cao nên tạo ra những trận lũ lớn. Qua nhiều đời phòng chống bão lụt, người Quảng Nam đúc kết ra câu thành ngữ “Bão qua té đái, bão lại té cứt”. Hai yếu tố dung tục ấy khiến chúng ta tức cười nhưng nó diễn tả đúng tâm trạng lo lắng mệt mỏi của người dân sống ở vùng bão lụt. Chính từ câu thành ngữ này mà người bình dân Quảng Nam “chế” ra nội dung hô bài chòi con Nhì bí rất ngộ nghĩnh. “Nhì bí” có nghĩa là hai thứ đại tiện và tiểu tiện đều bị bí, con người căng thẳng vì bài tiết không được. Ấy vậy mà con Nhì bí (trong văn chương bài chòi) lại được hô như sau: “Đầu hôm ăn mỡ/ Tối lại ăn chè/ Hai thứ không nghe/ Bí đái bí ỉa”. “Không nghe” có nghĩa là mâu thuẫn nhau, không thể hòa hợp được. Thiệt là vui hết biết!

      Đời sống phụ thuộc vào nền kinh tế nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu nên người Quảng Nam thường có khuynh hướng đúc kết những kinh nghiệm thành một thứ cẩm nang sống. Cẩm nang ấy được đem ra ứng dụng để thích nghi với hoàn cảnh, đạt đến thành công. Một người yếu sức khỏe hoặc không thể đi làm ăn xa thì cứ “Gà què ăn quẩn cối xay” là cũng sống được. Một người nông dân nghèo nhất ngày xưa cũng có thể hiểu được câu thành ngữ “Ăn ngày ba bữa, tắm rửa ngày hai lần; lúa tốt nhờ phân, phân nhờ lúa”. Cẩm nang ấy đi vào những hoạt động nhỏ nhặt, đơn giản nhất của đời sống như hoạt động nấu ăn chẳng hạn “Cá sông nướng hiển hiển; cá biển nướng hãm hãm”. “Hiển hiển”có nghĩa là nướng xa lửa một chút; “hãm hãm” có nghĩa là nướng thật gần lửa.

     Đại để, người Quảng Nam có một nền văn hóa ẩm thực bình dân khá khoa học. Nhận định về thức ăn ngon, người Quảng Nam có câu thành ngữ “Ếch tháng ba; gà tháng mười”. Để dạy những cô gái mới lớn biết đi chợ chọn cá biển ngon, người Quảng Nam có câu thành ngữ xếp hạng cá “Cá thu, cá ngứa, cá rựa bình thiên”. Cá thu, cá ngứa là hai loại cá ngon, ít xương và xương mềm, ăn an toàn nhất. Thịt cá rựa ngon, bùi và thơm nhưng ăn cá rựa người ta sợ nhất là xương của nó. Vậy thì đi chợ mua cá rựa phải chọn mua cá rựa bình thiên - nghĩa là cá rựa thật lớn, mới ăn được.
  
      Đất Quảng Nam hình thành trên 500 năm nay, vốn là miền đất mà các cư dân Thanh - Nghệ vào khẩn hoang, lập làng sau cuộc tuần du của vua Lê Thánh Tôn về phương Nam năm 1471. Đó là miền đất bao dung và rộng mở đối với những số phận con người, không phân biệt ai từ đâu đến. Tuy vậy, nếu một ai đó đến ở trong cộng đồng làng xóm của họ mà có những biểu hiện đi ngược lại nếp sống văn hóa thì họ rất bực mình, sẵn sàng phê phán ngay. Thành ngữ được sử dụng trong văn nói giao tiếp thông thường như một cách bình luận thiếu thiện cảm về con người ấy. Phê phán một người không rõ nguồn gốc, quê quán mà có lối sống bê tha hay khinh thường hàng xóm, họ nói “Đồ trôi sông dạt chợ”. Phê phán một người ưa nịnh hót, hết nịnh người này đến nịnh người khác, họ nói “Quân sớm đánh tối đầu”. Phê phán một người chuyên ăn bẩn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, họ nói “Quân đầu tôm xương cá”. Phê phán những người riết róng trả tiền (công) không sòng phẳng, những người biếng nhác làm công việc chẳng ra gì, họ nói “Làm liền liền trả tiền như c… / Làm như c… thấy mặt đòi tiền”. Trong hai câu thành ngữ này, cái dương vật của người đàn ông được đưa ra ví von với những biểu hiện sai trái, không ra gì.
 
“Bạn về chơi Quảng Nam cũng nên tìm hiểu cách nói có sử dụng nhiều thành ngữ của người Quảng Nam; thoạt nghe khá tức cười nhưng ngẫm nghĩ lại thì rất hợp lý. Nó là một phần trong hồn tính văn hóa dân gian của người Quảng Nam. Giả thiết như một người nào đó nói chuyện mà câu chuyện không kèm theo những thành ngữ thì tôi bảo đảm với các bạn người ấy… không phải là người Quảng Nam” - Vũ Đức Sao Biển khẳng định.
     Việc sử dụng thành ngữ thông tục trong văn nói là một nét văn hóa của người Quảng Nam. Đó là một tác động của trí tuệ bởi có thuộc, có biết mới đem ra dùng; và dùng đúng với hoàn cảnh, không gian. Người nghe nói cũng nhận biết được nội dung của thành ngữ nên mới hiểu rõ ý định người kia muốn nói. Thành ngữ được dùng như một thói quen - tập quán ngôn ngữ. Nó làm cho văn nói bình dân Quảng Nam có tính cách bài bản, chính quy, trí tuệ hơn đúng như câu “Xưa bày nay bắt chước”.

     Ở mặt hình thức, các thành ngữ có tính cách chứng minh cho nội dung cần diễn đạt, rằng ngày xưa tổ phụ của người Quảng Nam từng đúc kết như vậy, phát biểu như vậy. Đi lại con đường tổ phụ đã đi, sống lại không khí tổ phụ đã sống là một thái độ sống văn hóa, biết tôn trọng cội rễ. Trong văn nói, thành ngữ trở thành một thứ “Hũ mắm treo đầu giàn” mà nếu ai lãng quên nó hoặc không biết dùng đến nó thì là một thiếu sót lớn của đời sống.

   Cuộc sống đổi mới, tư duy của người Quảng Nam cũng đổi mới theo. Tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngày nay và sự hình thành của những thế hệ người trẻ lên khiến nhiều câu thành ngữ ngày xưa trở nên lạc hậu, phá sản và không được đưa ra dùng trong văn nói. Thí dụ bây giờ không còn người nào dám bảo trẻ con phải dạ khi nghe người lớn… đánh rắm nữa. Bài viết này chỉ nhằm mục đích giới thiệu những cái hay, cái lạ trong những câu thành ngữ của văn nói Quảng Nam. Mong rằng những nhà nghiên cứu văn hóa Quảng Nam, những nhà ngôn ngữ học Quảng Nam mạnh dạn bỏ những câu thành ngữ lạc hậu; giữ lại những câu thành ngữ giàu tính trào phúng và đầy kinh nghiệm dân gian của đất Quảng Nam để làm giàu thêm cho ngôn ngữ nói của dân tộc.

 

Tác giả: VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Nguồn tin: www.facebook.com/truyen.dinhba

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây