Vài nét về di tích nhà bà Nguyễn Thị Chiến

Thứ hai - 05/01/2015 20:31
Theo các tư liệu cho biết, vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, thủy tổ của các tộc Lê, Phạm, Bùi, Ngụy, Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Võ, Nguyễn Đức từ Thanh Hóa, Nghệ An theo dòng người Nam tiến vào định cư, lập nghiệp, để rồi từ đó hình thành nên cộng đồng làng Thanh Hà ngày càng đông đúc. Đa số con cháu các tộc đời tiếp đời, lấy nghề gốm làm nghề mưu sinh và dần dần phát triển thành một trong những nghề truyền thống tiêu biểu ở Hội An. Cùng với quá trình định cư, lập nghiệp lâu dài đó, nhiều công trình kiến trúc, kể cả tín ngưỡng của cộng đồng như đình, miếu hay kiến trúc dân dụng của tư nhân như nhà ở được xây dựng. Trải qua thời gian, nhiều công trình ấy vẫn còn được gìn giữ cho đến ngày nay, trong đó có nhà bà Nguyễn Thị Chiến.
Vài nét về di tích nhà bà Nguyễn Thị Chiến
      Hiện chưa có tư liệu xác định thời gian cụ thể khởi dựng của ngôi nhà này, bởi chủ nhân của nó hiện nay chỉ mới mua lại từ năm 1991. Theo nội dung giấy mua bán đang được gia đình bà Nguyễn Thị Chiến lưu giữ thì ngôi nhà được ông Nguyễn Đẩu, sinh năm 1892 khởi dựng. Đến năm 1991, ngôi nhà bán lại cho gia đình bà Chiến do người con trai út của bà là ông Nguyễn Viết Xuyến đứng tên. Theo nội dung giấy bán nhà thì quy cách ngôi nhà lúc đó gồm có: 1 dãy nhà ngang (nhà chính) có bề ngang 9m, bề sâu 5m; 1 dãy nhà dọc (nhà phụ) có bề ngang 10m, bề sâu 3,5m. Theo gia đình bà Chiến cho biết, khi mua lại, ngôi nhà đã bị bỏ hoang phế lâu ngày do trước đó khoảng năm 1986, gia đình ông Nguyễn Đẩu mua đất làm nhà và chuyển đi nơi khác ở. Vì thế ngôi nhà xuống cấp rất nhiều, phần mái hư hại gần như hoàn toàn, hệ gỗ bị mối mọt xâm hại, nội thất bên trong hầu như không còn lại gì. Sau khi mua lại, gia đình bà sửa sang nhiều lần nhưng vẫn giữa nguyên kiểu dáng kiến trúc của phần nhà chính và nhà phụ như trước khi mua và chỉ sửa chữa bên trong, đồng thời có làm mới 2 gian ở nhà ngang như kiến trúc hiện nay phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt.

      Mặt tiền ngôi nhà xoay về hướng Tây Nam. Phía trước là di tích miếu Trung Lương và nhà thờ tộc Nguyễn Văn (phái 3), cách khoảng 100m về hướng Đông Bắc là cụm miếu tổ nghề gốm Nam Diêu. Về tổng thể, các hạng mục của ngôi nhà bố trí trên mặt bằng hình chữ L bao gồm nhà ngang (nhà chính) và dãy nhà dọc (nhà phụ). Bao bọc khuôn viên ngôi nhà là những đoạn tường rào xây ở phía Tây Nam và Đông Nam. Cổng bố trí ở hướng mặt tiền ngôi nhà. Đi qua cửa cổng vào sẽ đến khoảng sân tương đối rộng, nền sân được lát gạch thẻ, có bố trí một số chậu cây xanh tạo nên không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng.
 


Toàn cảnh nhà bà Nguyễn Thị Chiến - Ảnh: Nguyễn Cường

     Trong số các hạng mục của ngôi nhà, có thể nói nơi thể hiện rõ nét nhất giá trị về kiến trúc, mỹ thuật của ngôi nhà là phần nhà chính. Phần nhà này có kiểu thức kiến trúc 3 gian 2 chái trên diện tích xây dựng hơn 52m2. Riêng hai chái bên có tạo phòng lồi phía trước. Các mái được lợp ngói âm dương. Ở hiên có 2 cột gỗ có tiết diện vuông liên kết với cột đối diện bên trong bởi hệ vì kèo đỡ mái theo kiểu vài chồng, trong đó đoạn giữa trính võng lên trên tạo thêm một cấp khác. Hình thức trính này giống với một số ngôi nhà truyền thống hiện còn ở xung quanh. Trên đầu cột trong có gắn bẫy hiên cách điệu hình cá chép được đục từ khối gỗ nguyên, chạm trổ tương đối tinh xảo có công năng trang trí hơn là chịu lực đỡ mái. Ngăn cách phần hiên với không gian bên trong là các bộ cửa bố trí ở mỗi gian, mỗi bộ 4 cánh, loại cửa thượng song hạ bản. Toàn bộ hệ khung chịu lực bên trong nội thất bằng gỗ với 5 hàng cột theo bề ngang, 4 hàng cột theo bề sâu, riêng hai hàng cột ngang ngoài có 5 hàng cột theo bề sâu. Đỡ nóc mái là các bộ kèo làm theo kiểu vài luôn. Trong số các gian, kèo ở lòng 3 mái trước được đẽo chạm tương đối công phu tạo nét mềm mại, nhẹ nhàng cho kết cấu đỡ mái. Các cột đều có tiết diện tròn và được đặt trên đá táng nhưng không đồng nhất về kích thước, chất liệu và cách xếp đặt đá táng giữa các hàng.

       Hầu hết không gian bên trong ngôi nhà đều dùng cho sinh hoạt của gia đình, ngoại trừ gian giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Trang trí cho ngôi nhà có 3 cặp liễn đối bằng gỗ khắc chữ Hán treo đối xứng hai bên gian thờ. Cặp ngay trước gian thờ đề:    
      Nghiêm phụ sinh tiền giáo dục nữ nam thành sự nghiệp
Tổ đường thiết hậu đức lưu tôn điệt đắc miên trường.
Hai cặp treo trên cột hàng nhất hậu đề:
Thượng mục hạ hòa gia túc phước
Tôn hiền tử hiếu hiển gia phong

và: Dưỡng dục ân thâm như hải khoát
Sinh thành đức trọng tự sơn cao.
 
        Nằm về bên trái nhà chính là dãy nhà dọc. Dãy nhà này thông với nhà chính, mặt tiền xoay ra sân có diện tích xây dựng khoảng 46,5m2, bên trong được ngăn thành phòng ở và bếp. Riêng phần phòng ở là hạng mục cũ được làm cùng thời gian với nhà chính. Phần nhà này có sự đan xen giữa yếu tố kiến trúc truyền thống được thể hiện qua hệ mái ngói âm dương và kiểu thức kiến trúc Pháp, thể hiện qua bức bình phong được xây trên diềm mái trước với việc gắn những khuông bông và có nhiều đường chỉ được tô đắp cầu kỳ kết hợp với những hình khối đặc trưng thường thấy trong các công trình kiến trúc Pháp ở Hội An.

       Có thể nói, ngôi nhà này là một trong những di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, cung cấp nhiều thông tin để nghiên cứu về đặc điểm kiến trúc nhà ở truyền thống của người dân làng gốm Thanh Hà xưa. Bên cạnh đó, ngoài giá trị về mặt kiến trúc, chủ nhân ngôi nhà là bà Nguyễn Thị Chiến - một người có thâm niên trên 50 năm hành nghề làm gốm nên nắm giữ nhiều kinh nghiệm trong nghề. Vì thế giá trị về phi vật thể chứa đựng bên trong cũng là yếu tố góp phần tạo nên giá trị chung của ngôi nhà.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây