Lệ chúc thọ dưới triều Nguyễn

Chủ nhật - 11/01/2015 20:30
Vạn vật vốn “hữu sinh hữu diệt”, cái lẽ ấy, người đời ai cũng rõ. Bởi thế, con người hầu như ai cũng mong muốn mình được trường thọ, mong muốn cho người thân của mình được trường thọ. Từ đó, cái lệ mừng thọ, chúc thọ được cả người phương Đông lẫn người phương Tây định ra. Ở nước ta cũng vậy, từ thời phong kiến các triều đại đã định rõ lệ này và được ban hành rộng rãi trong dân chúng. Năm 1802, sau khi Gia Long thống nhất đất nước, rồi lên ngôi lập ra triều đại nhà Nguyễn, các vấn đề về nội trị dần được quan tâm và đi vào điển chế, quy cũ, trong đó, có việc quan tâm đến tuổi thọ của nhân dân. Quan điểm chính sách này bắt nguồn từ tư tưởng của Nho gia, cũng là học thuyết trị dân mà triều Nguyễn sử dụng trên đất nước ta với phương châm “cư Nho mộ Thích”.
   
      Đối với nhân dân trong nước, triều đình có chính sách thưởng thọ, về việc này có nhiều ghi chép trong các bộ sử của Quốc Sử quán triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện và nhiều tài liệu khác.

     Năm 1822 vua Minh Mạng xuống dụ “trẫm nghe, trăm tuổi là kỳ hạn thực là điềm tốt trong nước. Người trên mà nghĩ đến người già, thì kẻ dưới không dám biếng nhác với cha mẹ, ấy là dạy dân lấy đạo hiếu. Chuẩn cho từ nay các quan ở thành doanh, trấn, đều lưu tâm tìm hỏi: phàm dân gian có người nào thọ 100 tuổi trở lên, cho phép hương, lý kê khai họ, tên, tuổi, quê quán và làm cam kết. Quan trấn hạt ấy khai đủ thực trạng và lời xét làm sách tâu, do bộ Lễ tâu lên đợi chuẩn cho nêu thưởng, để tỏ điềm người thọ thời thăng bình

     Dân thường khi sống thọ đến các mức tuổi 70, 80, 90 và 100 đều được triều đình gia ơn thưởng thọ. Vào năm Minh Mạng thứ 3 tức năm 1822, vua xuống ân chiếu rằng “kỳ lão 100 tuổi trở lên, cho 3 lạng bạc và một tấm lụa, 90 tuổi trở lên cho 2 lạng bạc và một tấm vải, 80 tuổi trở lên cho một lạng bạc và một tấm vải 70 tuổi trở lên cho một lạng bạc và một tấm vải”. Ngoài ra, còn được ban biển ngạch. Biển ngạch được quy định như sau: đối với đàn bà, ở giữa biển khắc hai chữ lớn “trinh thọ”, đối với đàn ông khắc hai chữ lớn “thọ dân”, mé trên khắc hai chữ “sắc tứ”, ở dưới khắc những chữ: niên hiệu, ngày, tháng, năm, chung quanh chạm trổ mây hoa, và sơn son thiếp vàng. Quan sai phái phải đến nhà người được thưởng thọ để ban lễ thưởng đó của vua. Những người đã được ban thưởng biển ngạch nếu vì lý do nào đấy mà biển ngạch bị hư hỏng thì cho khắc lại biển ấy, nhưng phải khắc ngày, tháng, năm khắc lại, và mé dưới khắc thêm hai chữ “khắc lại”.

     Hiện nay, ở Hội An có một số gia đình, tộc họ còn lưu giữ được loại biển ngạch này, như tộc Phạm ở Cẩm Nam còn lưu giữ được một bức hoành đề hai chữ lớn “thọ dân”, được triều đình ban tặng cho Phạm Văn Cương người ở giáp Nam, xã Thanh Châu, tổng Thanh Châu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thọ 100 tuổi vào năm Thành Thái thứ 16. Các loại biển ngạch này là loại tư liệu quý phục vụ nghiên cứu văn hóa của địa phương.

     Lệ thưởng thọ được Triều đình quy định chặt chẽ, các quan địa phương phải nghiêm cẩn thực hiện, người nào khai báo gian dối, thiếu sót đều bị nghiêm trị. Các điều khoản trong lệ chúc thọ dân cũng có những thay đổi nhất định tùy theo hoàn cảnh và thời gian trị vì của các vị vua khác nhau, vào các dịp lễ tiết của Triều đình thường có các gia ơn thưởng thọ. Năm 1827, gặp tiết mừng thọ 60 tuổi của Từ thọ cung, vâng  theo lời ân chiếu: phàm bọn quân, dân từ 80 tuổi trở lên, cấp cho 1 tấm vải, 1 phương gạo; 90 tuổi trở lên cấp 1 tấm lụa, 2 phương gạo; 100 tuổi trở lên cấp 2 tấm lụa, 1 tấm vải, 3 phương gạo. Rồi chiếu lệ tâu rõ ràng để nêu thưởng. Lại xuống chỉ: từ trước đến nay có ân chiếu, phàm thưởng quân, dân, là chỉ vào người đàn ông mà nói. Nay gặp tiết mừng thọ 60 tuổi của Hoàng thái hậu, trong các khoản ân chiếu đầu xuân, bọn quân dân từ 80 tuổi trở lên, cũng chiếu lệ cấp cho. Từ nay trở đi, phàm gặp tiết đại khánh cung Từ thọ, nếu có thưởng cấp bọn quân dân đều chuẩn cho thọ phụ dự trước. Ngoài ra, không được viện đấy làm lệ. Kính xét: như thưởng vải, lụa, đều nhuộm màu vàng hoặc màu cánh kiến, để thay sắc trắng.

     Lệ thưởng thọ cho thần dân được giữ cho đến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn./.
 

Tác giả: Ngô Đức Chí

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây