Nói đến người có tay nghề cao trong nghề đắp vẽ thì ắt hẳn chúng ta lại nghĩ đến những người có tuổi đời cũng khá cao, thế nhưng người mà tôi muốn nói đến đây lại là một người có tuổi đời khá trẻ. Người được đề cập trong bài viết này là anh Đỗ Cường, hiện ở tại thôn Bàu Ốc Hạ, xã Cẩm Hà. Vốn được sinh ra ở làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim, năm nay Anh 38 tuổi, thế nhưng tuổi nghề của Anh đã trên 15 năm.
Từ nhỏ, Anh đã theo ông nội là ông Đỗ Muộn (còn gọi là ông Đỗ Nhâm) học nghề đắp vẽ, trang trí trên hồ, ở các công trình kiến trúc: đình, chùa, miếu, mộ, nhà thờ, … Anh Cường cho biết, trước đây, ông nội là Đỗ Nhâm và ông nội bác của anh là ông Đỗ Chương là những người có nhiều đóng góp trong việc đắp vẽ những đồ án trang trí ở hội quán Phúc Kiến, chùa Long Tuyền,... và nhiều công trình kiến trúc trong Khu phố cổ Hội An.
Anh Cường cho biết, để học nghề này, Anh đã dành rất nhiều thời gian cho việc tập luyện vẽ những đồ án trang trí trên giấy, trên tường bằng bút cọ. Qua thời gian mày mò tập luyện cùng với sự chỉ dẫn của ông Nội, dần dần những đồ án trang trí như long mã, mai hạc, dao lá… đã in sâu trong trí nhớ của Anh. Vì thế, khi phác họa những đồ án trang trí đó, anh không cần phải rập khuôn mà tự tay vẽ một cách điêu luyện, sắc xảo. Cũng theo anh Cường, đối với nghề này để thực hiện công đoạn vẽ và đắp là quan trọng nhất. Đòi hỏi người thợ phải khéo tay, tinh xảo thì mới cho ra những sản phẩm sắc xảo, độc đáo.
Với tay nghề cao và kinh nghiệm trong nghề, trong thời gian qua Anh đã thực hiện việc đắp vẽ tại một số công trình tín ngưỡng được tu bổ, phục hồi lại trên địa bàn Thành phố như đình Xuân Lâm, đình Xuân Mỹ, đình Đế Võng và một số ngôi chùa xây dựng mới ở Đà Nẵng, Điện Bàn,… Vì thế, hiện tại công việc của Anh không chỉ giới hạn ở Hội An mà còn mở rộng địa bàn hoạt động ở Tam Kỳ, Núi Thành, Điện Bàn, Đà Nẵng… Hơn nữa, bên cạnh nghề đắp vẽ, Anh còn là một nghệ nhân trong nghề lợp ngói âm dương còn lại ít ỏi ở Hội An.
Theo anh Cường, đây là nghề gia truyền của gia đình Anh, trước đây từ đời ông nội và ông nội bác của Anh thì nghề này chỉ được truyền lại cho con cháu trong gia đình nhưng hiện tại chỉ còn duy nhất mình Anh gắn bó với nghề của ông cha để lại. Vì thế, đến đời Anh thì Anh không lại nghĩ nếu ai yêu mến nghề muốn học hỏi thì Anh sẵn sàng truyền dạy, nên hiện tại Anh đã đào tạo được 06 người thợ, trong đó có 03 người không phải là con cháu trong gia đình.
Trong điều kiện hiện nay, thợ đắp vẽ ở Hội An không phải là khan hiếm, tuy nhiên để tìm được những người tài nghệ như anh Cường là không đơn giản. Bởi lẽ, Anh đã được đào tạo qua sự hướng dẫn, dìu dắt và truyền dạy từ nghề gia truyền của ông cha, thêm vào đó là sự đam mê, tài năng vốn có và kinh nghiệm của bản thân…
15 năm qua, bên cạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Hội An thì chúng ta cũng không quên ghi nhận những bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, người thợ đã góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống của quê hương Hội An trong quá khứ cũng như hiện tại.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền