Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Ri

Thứ hai - 10/11/2014 20:59
Nghệ nhân Huỳnh Ri, sinh năm 1940, tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, trong một gia đình có truyền thống làm nghề mộc nhiều đời. Năm 15 tuổi, ông theo cha đi học và làm nghề khắp nơi trong Tỉnh. Do hoàn cảnh chiến tranh, gia đình ông phải sơ tán khắp nơi, lúc này ông làm thợ mộc dân dụng kiếm kế sinh nhai, đồng thời tận dụng thời gian nhàn rỗi ra sức rèn luyện tay nghề, làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để trang trí cho gia đình, và bán khách hàng.
Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Ri
          Đến năm 1975, sau khi quê hương Hội An được giải phóng, ông trở về quê hương sinh sống và làm nghề. Lúc này Hợp tác xã mộc Kim Bồng, Hợp tác xã sơn mài Hội An thành lập, bằng tài năng và kinh nhiệm bản thân, ông tích cực vận động bà con tham gia vào Hợp tác xã mộc Kim Bồng. Trong suốt thời gian tồn tại, Hợp tác xã mộc Kim Bồng luôn là lá cờ đầu của phong trào Hợp tác xã tiểu thủ công của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tuy nhiên, do điều kiện xã hội và tác động của nền kinh tế thị trường, nhiều người tách ra khỏi Hợp tác xã để thành lập xí nghiệp tư nhân, còn bản thân ông thành lập đội trùng tu nhà cổ, đình chùa ở địa phương.

          Đặc biệt, từ sau khi Đảng có chủ trương đổi mới, mở cửa thì nghề điêu khắc chạm trổ có điều kiện phục hồi và phát triển. Bản thân ông không ngừng học hỏi và rèn luyện nâng cao tay nghề. Giai đoạn này, ông có nhiều đóng góp trong việc phục hồi các nhà cổ trong khu phố cổ, các chùa tại Hội An. Trong hai năm 1992-1993 tham gia tu bổ, phục chế các chi tiết kiến trúc của Hội quán Ngũ Bang, quan trọng nhất là phần Long Môn chạm trổ rất phức tạp, tốn nhiều công sức. Đến năm 1994-1995, phục chế các chi tiết kiến trúc của Quan Công miếu, Hội quán Phước Kiến … năm 1996-1997 tham gia xây dựng tàu cổ của Nhà văn hóa Hội An, phục chế tượng Bắc Đế ở chùa Cầu…Năm 2002 xây dựng chùa Ngọc Giáng tại Đà Nẵng.

          Trong quá trình lao động sản xuất, nghệ nhân Huỳnh Ri không ngừng sáng tạo, học hỏi tìm tòi cái mới để làm ra các sản phẩm dân dụng và hàng lưu niệm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Một số sản phẩm tiêu biểu như Bộ tranh chạm trổ “Xuân, Hạ, Thu, Đông”, bức chạm chùa Cầu, giường ngủ cổ, các khám thờ… Nhiều sản phẩm khác của ông còn được xuất khẩu sang Lào, Tây Âu và Bắc Mỹ…

          Ngoài việc thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm, nghệ nhân Huỳnh Ri còn trực tiếp mở các lớp dạy nghề, tự biên soạn giáo án để giảng dạy cho các học viên. Người học không chỉ có con em địa phương mà còn có ở một số huyện lân cận như Duy Xuyên, Điện Bàn, Quế Sơn… Nội dung đào tạo gồm các tri thức về mộc mỹ nghệ, làm tượng tròn, hàng gia dụng cao cấp như bàn ghế, giường tủ, phù điêu. Lớp học viên khóa I (1996-1998) đào tạo được 20 học viên, khóa II (1999-2001)đào tạo được 20 học viên, khóa III (2002-2004) đào tạo được 20 học viên và khóa IV (2009-2010) đào tạo được 20 học viên. Ngoài mở các lớp dạy học, ông còn tham gia giảng dạy và truyền nghề cho các lớp học viên do Sở công nghiệp tỉnh Quảng Nam, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với tổ chức Jica tổ chức. Tính đến nay ông đã đào tạo, truyền nghề trên 150 học viên. Sau khi thành nghề, phần lớn trong số họ trở về quê cũ hoặc rời quê hương đi làm ăn xa. Một số học viên ở lại địa phương tự mở phân xưởng sản xuất kinh doanh và dần tạo được thương hiệu như Nguyễn Đình Năm, Phan Xuân Nguyên… Trong phạm vi gia đình, ông Ri đã dồn tâm huyết đào tạo con trai Huỳnh Sướng, Huỳnh Bảy. Sau hơn 20 năm theo nghề, anh Sướng trở thành hạt nhân chủ chốt của mộc mỹ nghệ Kim Bồng và được vinh danh là nghệ nhân ưu tú năm 2014.
 
Cơ sở kinh hoanh, trưng bày sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của NNUT Huỳnh Ri 
 
          Bằng tài năng và khả năng sáng tạo của mình, nghệ nhân Huỳnh Ri đã tham gia nhiều cuộc Tọa đàm, Hội thảo và giành được nhiều phần thưởng cao quý. Tháng 6/2002, ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tặng giải thưởng Kỹ năng thủ công tinh xảo với bộ tứ bình Xuân-Hạ-Thu-Đông. Năm 2003, ông được Bộ Văn hóa thông tin tặng Huy chương vì sự nghiệp văn hóa thông tin và nhiều phần thưởng cao quý khác do tổ chức UNESCO, UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An trao tặng. Ngày 8/12/2008, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam. Đặc biệt, ngày 14/6/2010 ông đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Đây là sự tôn vinh xứng đáng cho tài năng và công lao đóng góp của ông đối với việc khôi phục và phát triển nghề mộc Kim Bồng.

          Hiện nay, nghệ nhân Huỳnh Ri đang làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, hy vọng một ngày không xa, nghệ nhân Huỳnh Ri sẽ được vinh danh. Đây là niềm tự hào của nhân dân xã Cẩm Kim nói riêng và thành phố Hội An nói chung.

*Tài liệu tham khảo:
            - Lý lịch đề nghị xét công nhận nghệ nhân nhân dân của ông Huỳnh Ri cung cấp.
            - Phan Văn Hiển (2012), Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề Kim Bồng, tỉnh Quảng Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây