Vài thông tin về nghề câu Kiều ở Cù Lao Chàm

Chủ nhật - 05/10/2014 22:48
Cù Lao Chàm có lịch sử hình thành và phát triển cách đây hàng ngàn năm, trải qua quá trình định cư và sinh sống, cư dân Cù Lao Chàm sống dựa vào nghề đánh bắt thủy hải sản, đốn củi bứt mây, trồng lúa… Nghề đánh bắt thủy hải sản là một trong những nghề chính có từ lâu đời ở Cù Lao Chàm, trong đó một nghề khá đặc trưng phải kể đến là nghề câu Kiều.
Vài thông tin về nghề câu Kiều ở Cù Lao Chàm

          Về tên gọi câu Kiều đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng. Theo người làm nghề cho biết, gọi câu Kiều là vì nghề này làm gì cũng lâu, phải cẩn thận, tỉ mỉ, không vội vàng, nôn nóng nên người ta gọi “trăm năm kiều vẫn là kiều”.

         Địa bàn hoạt động nghề câu Kiều chủ yếu ở gần bờ, cách Cù Lao Chàm khoảng 3 hải lý. Đối tượng đánh bắt gồm nhiều loại cá như cá đuối, cá mú, cá lạc, cá lị… trong đó chủ yếu là cá đuối.

        Nghề câu Kiều là nghề vất vả và gian khổ, từ khâu chất câu vào rổ đến khi kéo câu lên trải qua nhiều khâu và công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu. Khâu đầu tiên và quan trọng phải kể đến là cách làm lưỡi câu. So với các loại câu khác, lưỡi câu Kiều tự làm chứ không mua lưỡi câu đã có bán sẵn. Thường người làm nghề câu này tự làm lưỡi câu theo cách của mình, nhưng đa số lưỡi được uốn theo kiểu hàm ếch để cá mắc câu khỏi ngát (khỏi sảy). Lưỡi làm xong thì làm nẹp câu và chất nẹp câu vào rổ. Sau khi chuẩn bị xong các vật dung, phương tiện, xuống ghe khởi hành đi câu. Ghe đi câu Kiều thường có công suất 12CV.

         Trong mỗi chuyến đi câu gồm khoảng 2 người, trong đó công việc bủa câu do người chủ ghe đảm nhận, bạn tham gia bủa câu thì điều khiển ghe. Câu Kiều bủa xong phải ngâm qua đêm nên quay ghe trở về nhà. Vào khoảng 3, 4 giờ sáng hôm sau cho ghe ra địa điểm bủa câu để kéo lên. Kéo câu là công đoạn rất vất vả và mất thời gian, đôi khi gặp những con cá lớn không kéo lên được phải cắt dây lưỡi câu đó rồi dùng cần khấu để kéo lên, sau đó nối lại dây lưỡi câu đã cắt vào vị trí cũ. Cá bủa câu được để trên ghe chở về bán cho các nhà hàng tại Cù Lao Chàm, một số cá được các đầu mối thu mua về phân phối tại Hội An. Các nẹp câu kéo, sau khi kéo lên được chất lại trong rổ, đến đây quá trình kéo câu xem như hoàn tất.

          Về công cụ, phương tiện làm nghề câu Kiều rất phong phú và đa dạng, gồm ghe, lưỡi câu, cờ bủa, đá bủa, cần khấu, rổ để câu, nẹp câu, la bàn, máy tín hiệu…. trong đó lưỡi câu đóng vai trò quan trọng đến việc bủa câu được năng suất nhiều hay ít.

           Theo khảo sát, nghề câu Kiều hoạt động quanh năm, trong đó hoạt động mạnh nhất vào các tháng 3,4,5. Nghề này làm gần bờ nên chi phí cho mỗi lần đi câu ít tốn kém. Sản lượng cá mỗi lần đi câu thu được nhiều nhất là 1,5 tạ, ít nhất khoảng 5 kg và có khi không có con nào.

          Đối với nghề câu Kiều, hàng năm cư dân làm nghề đều tổ chức các lễ cúng liên quan đến nghề. Nghề câu Kiều có 2 lễ chính gồm lễ cúng vào 6/2 âm lịch - cúng đầu mùa và lễ cúng vào 10/7 âm lịch - cúng mãn mùa. Đứng lễ cúng thường là những người cao tuổi có thâm niên lâu năm trong nghề. Lễ cúng thì đơn giản, thường lễ cúng đầu mùa tổ chức với quy mô nhỏ hơn so với lễ cúng mãn mùa.

         Bên cạnh các lễ cúng, để công việc làm nghề được thuận lợi, không gặp trắc trở người làm nghề câu Kiều có những kiêng cữ riêng đối với nghề. Họ kiêng cữ những người nặng vía (?), hay phải xem ngày giờ tốt mới tiến hành đi câu.

       Ngoài ra, trong qua trình làm nghề, người làm nghề câu Kiều còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm riêng cho mình. Công việc đầu tiên là phải thường xuyên theo dõi thời tiết, gió cấp 3,4 trở xuống mới khởi hành đi câu được. Tiếp đến, chọn điểm bủa câu phù hợp, điểm bủa câu phải có rảnh, có cồn mới bủa được nhiều cá. Khi nước lên phải bủa câu lên xuôi theo dòng nước vì bủa ngược dòng nước lưỡi câu bị rối sẽ mắc vào nhau, khi nước xuống bủa câu xuôi xuống theo dòng nước. Hay khi gặp các ghe làm nghề lưới giả, lưới cào mà bủa câu lưới sẽ kéo mất lưỡi câu nên phải tránh xa.

        Nhìn chung, nghề câu Kiều góp phần làm phong phú thêm nghề đánh bắt thủy hải sản của cư dân Cù Lao Chàm. Với một hộ còn đang hoạt động nguy cơ mai một, khả năng mất đi của nghề là rất cao, trong khi lớp trẻ kế cận địa phương không mặn mà với nghề này, nghề lại vất vả và thu nhập thấp. Do đó, các cấp chính quyền cần quan tâm và tạo điều kiện để duy trì hoạt động nghề câu Kiều Cù Lao Chàm, đồng thời tạo điểm tham quan và nghiên cứu loại hình câu thú vị này.
 
*Tài liệu tham khảo:
- Kết quả khảo sát nghề câu Cù Lao Chàm tháng 8/2014, trong đó có nghề câu Kiều.
 
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây