Nước lá lao

Thứ ba - 28/10/2014 03:57
Cù Lao Chàm với vị thế là vùng hải đảo, xung quanh núi rừng và biển bao bọc, vì thế gắn liền với địa hình này thì nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp là những nghề có truyền thống lâu đời của xã Tân Hiệp.
Bà Chức đang chặt cây bươm bướm
Bà Chức đang chặt cây bươm bướm
            Trong đó, những công việc gắn liền với núi rừng rất phong phú, đa dạng như nghề đốn củi, bứt mây, đốn lá, hái rau rừng... Trước tiên, đây chủ yếu là những nghề mang tính chất tự cung, tự cấp, xuất phát từ nhu cầu của người dân xứ đảo nhưng dần dần để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng nên đã phát triển thành nghề truyền thống của người dân địa phương.

          Theo ý kiến của người dân sống trên đảo Cù Lao Chàm, từ lâu người dân nơi đây đã đốn cây lá trên rừng về nấu uống, nhưng không biết ai là người đầu tiên làm việc này. Chỉ biết trước đây đa số người dân ở đây lên rừng đốn lá về nấu uống và chữa một số bệnh thông thường như đau bụng, ho, cảm, sốt…
 

Ông Nguyễn Vinh đang bằm lám bồ đề núi 
 

          Theo ông Nguyễn Từ, ở Bãi Làng, năm nay 71 tuổi, từ đời ông Nội ông Từ đã đốn lá về nấu uống. Như vậy, việc đốn cây lá trên rừng về sử dụng đã có từ khoảng đầu thế kỷ XIX hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, trước đây người ta chỉ đốn vào dịp Tết Đoan Ngọ và để sử dụng trong cả năm. Nhưng từ khoảng những năm 2000 trở lại gần đây thì những kinh nghiệm, tri thức trong việc khai thác và sử dụng cây lá ở Cù Lao Chàm đã được đúc kết, lưu truyền và trở thành một nghề vì sản phẩm đã bắt đầu có sự tiêu thụ rộng rãi.
Qua kết quả điều tra, khảo sát, hiện tại người dân ở Cù Lao Chàm sử dụng khoảng trên 50 loại cây lá rừng để uống, chữa bệnh. Trong đó, dùng để làm nước lá uống hàng ngày khoảng từ 10 loại đến khoảng 15 loại cây, lá. Còn lại, một số loại cây lá khác dùng để chữa một số bệnh thông thường hoặc dùng để uống trong những trường hợp khác, chẳng hạn như có loại uống dành cho người sinh nở, uống để đen tóc, dẹp da…

         Hiện nay, sản phẩm cây lá Lao được tiêu thụ tại chỗ hoặc đi các nơi như Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng … Cũng qua khảo sát sơ bộ, hiện tại ở Cù Lao Chàm, đa số người dân địa phương đều uống nước lá Lao, có một số ít hộ gia đình uống nước trà hoặc nước lọc. Tại các hàng quán ở Cù Lao Chàm đều sử dụng nước lá Lao để uống, đồng thời để giới thiệu với du khách, góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhằm tạo nên thương hiệu cho nước lá Lao ở xã đảo.

         Từ trong quá trình thực hành việc đốn lá về để nấu uống và ứng dụng trong các phương thức chữa bệnh dân gian, người dân địa phương đã đúc kết nên kinh nghiệm trong việc khai thác và sử dụng một số loại cây lá để chữa một số bệnh thông thường mà không cần thuốc, phù hợp với điều kiện cách trở của đất đảo và đặc biệt cho ra một sản phẩm nước lá lao với công dụng tốt cho sức khỏe được nhiều người ưa chuộng. Vì vậy, mặc dù với sự phát triển của khoa học nhưng những bài thuốc, những kinh nghiệm dân gian trong việc chữa trị những bệnh thông thường từ cây lá ở Cù Lao Chàm vẫn được sử dụng.

          Từ trong lao động, sáng tạo người dân đã hình thành nên tập quán thu hái, sử dụng cây lá Lao và dần dần hình thành nên một nghề đặc trưng của địa phương. Góp phần làm đa dạng, phong phú di sản văn hoá phi vật thể của Hội An nói chung, của xã đảo Tân Hiệp nói chung. Vì thế, cần có những chương trình hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương để phát triển sản phẩm của di sản văn hóa này. Vì hiện nay, người dân địa phương theo kinh nghiệm từ xưa nên đi hái lá về để uống và để bán chứ chưa đầu tư về mẫu mã bao bì, quảng bá thương hiệu... Tăng cường quảng bá hơn nữa về sản phẩm từ cây lá Lao bằng nhiều hình thức, đặc biệt chú trọng về chất lượng sản phẩm (đảm bảo nhiều loại cây, lá để cho ra nhiều vị hòa quyện vào nhau tạo nên sản phảm đặc trưng)...  Cần nhân rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, có thể đem sản phẩm đặc trưng này ở đảo vào đất liền để giới thiệu cho du khách, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của Hội An.
 
 
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây