Di sản Văn hóa Hội An - 15 năm bảo tồn và phát triển

Thứ ba - 18/11/2014 03:27
15 năm qua là một chặng đường dài, trăn trở, đầy trách nhiệm và gặt hái nhiều thành công của di sản văn hoá Hội An trong công tác bảo tồn và phát triển. Kể từ khi được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hoá thế giới đã mở ra cho Hội An một con đường mới, con đường bảo tồn những giá trị văn hoá của cha ông để lại, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hoá đó lan toả đến bạn bè trong nước và quốc tế.
       Từ một thành phố nhỏ nằm cuối tả ngạn sông Thu Bồn ít được ai biết đến những năm sau giải phóng bổng hồi sinh thành một trung tâm du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà quốc tế cũng biết đến. Hội An bây giờ như một cái tên quen thuộc mà chỉ cần vào mục tìm kiếm trong google đã có 13,6 triệu thông tin về Hội An. Trong 15 năm qua, nhận thấy được tầm quan trọng của di sản văn hoá Hội An, chính quyền và nhân dân Hội An đã đồng tâm, hợp lực ra sức bảo tồn và phát huy giá trị di sản và đã đạt được những thành công.

       Về kinh tế: Nhận diện được các giá trị của Đô thị cổ Hội An thông qua các cuộc hội thảo quốc gia năm 1985 và hội thảo quốc tế năm 1990, Hội An đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, lấy văn hoá làm nền tảng cho sự phát triển và tập trung đẩy mạnh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong 15 năm qua, từ mức GDP bình quân toàn thành phố là 410 tỷ đồng năm 2000 đã tăng lên 3.037 tỷ đồng năm 2013. Trong đó thu nhập bình quân đầu người từ 417 USD năm 2000 đã tăng lên 1.558 USD/người/năm 2013. Đặc biệt doanh thu từ thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm một tỷ trọng rất lớn từ 54% năm 2000 đã tăng lên 70% năm 2013. Đời sống của cộng đồng người dân tăng lên rõ rệt. Giải quyết được số lượng lớn công ăn việc làm cho lao động ở địa phương và các vùng phụ cận.

        Về văn hoá - xã hội: Trên cơ sở những giá trị văn hoá truyền thống bao gồm văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể của cha ông để lại. Cộng đồng người dân đã ra sức bảo tồn tốt những giá trị này và biết khai thác những giá trị đó để phát triển. Nhiều di tích giờ trở thành các điểm tham quan cho du khách, nhiều ngôi nhà đã được đầu tư tu bổ, tái sử dụng vào các mục đích văn hoá - xã hội như mở 4 bảo tàng chuyên đề, 2 nhà hát cổ truyền, 1 phòng triển lãm, 2 phòng tư vấn thông tin di sản, thông tin du lịch,… Kinh phí sử dụng cho việc đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố được quan tâm. Qua 15 năm đã đầu tư tu bổ 414 ngôi nhà với tổng kinh phí 188.610 tỷ đồng. Các hoạt động sinh hoạt, tín ngưỡng, lễ hội, tôn giáo,… vẫn được duy trì và tiếp tục sáng tạo trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo như đêm rằm phố cổ, giao lưu văn hoá Việt - Nhật, đêm hội Trung thu,… đã thu hút du khách gần xa. Không những Khu phố cổ được bảo tồn và phát triển mà các làng nghề truyền thống, các di tích văn hoá lịch sử ở các vùng phụ cận cũng được bảo tồn và phát huy. Hiện nay, mỗi địa bàn xã phường đã có những sản phẩm du lịch của riêng mình, góp phần thúc đẩy kinh tế của thành phố nói chung, của từng địa phương nói riêng. Từ đó, đời sống vật chất của cộng đồng không những được nâng lên mà chính nhờ bảo tồn và khôi phục các giá trị văn hoá truyền thống mà cộng đồng hưởng thụ tốt giá trị tinh thần, điều này giúp cho sự ổn định xã hội.

       Về an ninh: Hội An đã từng là nơi giao thương với các nước trên thế giới và ngày nay Hội An là nơi hội tụ của du khách gần xa. Việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức thế giới đã giúp cho Hội An học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt tình hình, hoà nhập cùng với thế giới. Du khách đến Hội An ngày một đông như vậy đòi hỏi phải có một sự đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách. Các đội kiểm tra quy tắc, đội văn minh đô thị tại các xã phường được thành lập là điều hết sức sáng tạo của Hội An, tạo cho du khách sự an toàn khi tham quan phố cổ và không căng thẳng, không có cảm giác không an toàn khi thấy lực lượng công an đông đúc trên đường phố. Trong 15 năm qua, Hội An vẫn được đánh giá là điểm đến du lịch an toàn, tình trạng cò mồi chèo kéo du khách ít, tình trạng tranh giành khách hạn chế xảy ra.

      Sự thành công của Hội An trong 15 năm qua là nhờ sự đóng góp của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, cộng đồng người dân Hội An đã nỗ lực hết mình, cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá Hội An trên mọi phương diện. Đó chính là cơ sở để cho Hội An đón nhiều danh hiệu, nhiều giải thưởng của các tổ chức trong nước và quốc tế. Sự thành công của Hội An hôm nay cũng chỉ là bước đầu trong công tác bảo tồn và phát triển, nhiều khó khăn thách thức với di sản văn hoá Hội An đã, đang và sẽ tồn tại trong tương lai, trong đó những khó khăn, thách thức với vấn đề tự nhiên khi mà sự biến đổi khí hậu xảy ra mạnh hơn; những khó khăn, thách thức đối với sự biến đổi văn hoá do bối cảnh toàn cầu hoá; sự khó khăn, thách thức khi ngành thương mại, dịch vụ, du lịch đứng trước những nguy cơ bất ổn do dịch bệnh, chiến tranh,… Tất cả những khó khăn này sẽ tiếp tục khiến các cấp, các ngành, các nhà khoa học làm việc không ngừng nghỉ và cộng đồng cần phải nhận thức hơn để làm giảm thiểu và đẩy lùi những khó khăn, thách thức này, phấn đấu giữ vững danh hiệu di sản văn hoá thế giới, đời sống văn hoá - xã hội của Hội An được nâng cao, trở thành trung tâm du lịch tiêu biểu của cả nước.  

Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Uyển

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây