Vài thông tin về ông Trần Trung Tri - một yếu nhân trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam trên đất Hội An

Chủ nhật - 02/11/2014 21:50
Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm chiếm nước ta. Trước sự tồn vong của đất nước, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu cả nước hợp lực cùng nhà vua đánh giặc. Hưởng ứng chiếu Cần Vương, Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập và hoạt động trong suốt thời gian từ năm 1885 đến năm 1887 dưới sự lãnh đạo của Trần Văn Dư và sau đó là Nguyễn Duy Hiệu. Đặc biệt trong thời gian lãnh đạo của Nguyễn Duy Hiệu, lực lượng nghĩa quân có sự phát triển mạnh ở hầu khắp các địa bàn trong tỉnh. Ở Hội An, có nhiều người tham gia vào phong trào Nghĩa hội, trong đó có ông Trần Trung Tri. Cùng với các ông Lương Như Bích, Châu Thượng Văn, ..., ông Trần Trung Tri là một trong những người giữ nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hoạt động của nghĩa quân.
Mộ Ông Trần Trung Tri - Tại Nghĩa Trang Nhân Dân - Xã Cẩm Hà - Hội An
Mộ Ông Trần Trung Tri - Tại Nghĩa Trang Nhân Dân - Xã Cẩm Hà - Hội An
               Qua tìm hiểu gia phả đang được lưu giữ ở nhà thờ phái hai tộc Trần Trung được biết ông Trần Trung Tri là người thuộc đời thứ 4, phái hai tộc Trần Trung. Thân sinh là ông Trần Trung Khanh và bà Lê Thị Sử. Tên ghi trong gia phả của cụ là Trần Trung Truy, tên húy là Tri. Ông sinh ngày 16 tháng 10 năm Ất Mùi, tức năm 1835 tại làng Cẩm Phô, có một số tài liệu khác thì cụ sinh năm 1830, mất ngày 29/2 năm Đinh Hợi, tức năm 1887.

                Theo “Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Cẩm Nam (1945 - 1975)” cho biết trong thời gian bùng nổ cuộc khởi nghĩa của Nghĩa hội Quảng Nam, ông Trần Trung Tri đang giữa chức Chánh tổng Phú Triêm. Tuy nhiên, sẵn lòng yêu nước lại có ý thức giác ngộ mục đích lớn lao của Nghĩa Hội, ông đã không màng tư lợi mà tích cực tham gia cùng Nghĩa hội chống lại thực dân Pháp và triều đình bán nước. Ngoài việc lợi dụng chức Chánh tổng của mình để tuyên truyền, vận động cho Nghĩa hội, ông còn trực tiếp chỉ huy nghĩa quân đánh vào các mục tiêu của địch, góp phần tạo cho Nghĩa hội uy thế lên cao. Vào năm 1887, ông được lệnh chỉ huy một đội quân xuất phát từ căn cứ của Nghĩa hội ở chợ Đồn (Cẩm Kim) vượt sông để tiếp ứng cho một cánh quân khác của Nghĩa hội đang tấn công vào đồn lính địch ở Hội An. Khi chiến sự xảy ra, địch điều thêm một lực lượng lớn đến bao vây vòng ngoài, chặn đường rút lui của nghĩa quân. Trước sự đối phó mạnh mẽ của địch, ông cùng nghĩa quân bị bắt. Ngày 29/2 năm Đinh Hợi, tức ngày 23/3/1887, ông bị xử tử tại ấp Trung Giang thượng, nay thuộc địa phận phường Sơn Phong. Tưởng nhớ công lao của ông, sau khi mất, nhân dân ở ấp Trung Gian Thượng có lập miếu thờ. Tiếc thay do nhiều điều kiện nên không thể bảo toàn được ngôi miếu này đến ngày nay.

                Nhà thờ phái hai tộc Trần Trung ở ấp Tu Lễ, phường Cẩm Phô là nơi ông được con cháu trong chi phái tộc thờ tự và cúng giỗ hàng năm. Mộ ông cũng đã được quy tập về nghĩa trang nhân dân trong khuôn viên nghĩa địa của chi phái. Hiện tên ông cũng đã được chính quyền Hội An đặt cho một con đường ở phường Cẩm Nam. Hy vọng đây sẽ là những địa chỉ quen thuộc được nhiều người dân Hội An tìm đến để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông Trần Trung Tri – một người con đã dâng hiến thân mình cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ quê hương.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây