Lăng Thành Hoàng ở Cẩm An

Thứ ba - 30/09/2014 21:18
Theo quan niệm của người Việt, mỗi vùng đất đều có vị thần Thổ Công hay Thành Hoàng cai quản và những vị thần này sẽ bảo hộ sự bình an cho nhân dân sinh sống làm ăn trên mảnh đất đó. Trong tâm thức chung, trong quá trình khai hoang lập làng, lập nghiệp, những cộng đồng làng/xã ở Hội An thường lập nên các công trình kiến trúc tín ngưỡng để thờ các vị thần này. Lăng Thành Hoàng ở khối Tân Thành - phường Cẩm An ra đời cũng không nằm ngoài ý nghĩa đó.
Lăng Thành Hoàng ở Cẩm An
               Theo một số thông tin cho biết, lăng này được nhân dân trong ấp Cồn Động, 1 trong 13 ấp của làng/xã Thanh Hà dưới thời nhà Nguyễn tạo lập. Dù chưa có tư liệu để xác định niên đại cụ thể, song căn cứ vào kiểu thức, quy mô kiến trúc có thể đoán định lăng Thành Hoàng này được xây dựng muộn nhất vào đầu thế kỷ XX. Bên cạnh thờ Thành Hoàng, ở di tích còn thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền có công khai phá, lập làng và bài vị thờ “Thiên hậu thánh mẫu nguyên quân”.

               Di tích tọa lạc trên một khu đất có diện tích hơn 1.00m2, mặt tiền xoay hướng Tây Nam, nhìn ra sông Đế Võng. Xung quanh di tích bên phải giáp với nhà dân, bên trái, phía trước và phía sau là nỗng cát.

                Khuôn viên di tích không có cổng, tường rào bao che. Áng ngữ phía trước là bình phong hình cuốn thư. Bình phong có kích thước 1,48 x 1,35m. Mặt ngoài đắp nổi đề tài “Long Mã phụ hà đồ” cẩn mảnh sứ, phía dưới cũng cẩn mảnh sứ hình dây lá. Hai bên đắp nổi những bức tranh sinh động. Bên phải là đề tài “Mai Điểu”, bên trái là đề tài “Tùng Lộc”. Mặt trong bình phong là án thờ Âm linh, gồm 4 bệ thờ bố trí theo hình rẽ quạt. Khoảng cách giữa bình phong và lăng là sân rộng hơn 100m2

                  Bố cục mặt bằng xây dựng của lăng gồm 2 phần: tiền đường và hậu tẩm với hệ mái khá quy mô. Mái tiền đường lợp ngói âm dương. Riêng mái trước tạo thành 2 cấp mái ngăn cách bởi cổ diêm. Cổ diêm tạo dáng các ô hộc, trong trang trí đồ án bát bửu, hoa dây và gắn dĩa men xanh trắng. Ở diềm mái dưới cũng có gắn dĩa men xanh trắng. Bờ nóc đắp thẳng, gắn các con giống cẩn sứ theo đề tài “lưỡng Long triều dương”. Bờ chảy làm uốn lượn, giật cấp. Tại vị trí giật cấp gắn con giống hình dao lá bằng xi măng cẩn sành sứ. Hai bên bờ hồi tạo hai bình phong hình cuốn thư tương đối lớn, ở giữa trang trí đồ án bát bửu. Các mái ở hậu tẩm cũng lợp ngói âm dương với 8 vồng ngói. Bờ nóc trang trí hồi giao, bờ hồi trang trí hình cuốn lá, bờ chảy mái ở cổ lâu gắn con giống hình dao lá bằng xi măng.

                 Tiền đường có diện tích xây dựng hơn 45m2. Kiểu thức kiến trúc của trần mái và cửa theo lối cuốn vòm - đặc trưng của các công trình tín ngưỡng vùng ven biển ở Hội An cũng như miền Trung. Nhìn từ mặt tiền, nội thất lăng chia thành 3 gian, trong đó gian giữa rộng hơn hai gian phải, trái

                 Trên bức tường cửa vào gian thờ tiền đường có các chi tiết trang trí. Ở gian giữa là bức hoành đề 2 chữ Hán cẩn sứ (Phiên âm: Chí thành). Hai gian trái, phải tạo dáng kiểu ô hộc, giữa trang trí các đồ án cát tường với hình ảnh sinh động: Bên phải: Hoa Điểu; bên trái: hoa Cúc, Gà thư hùng. Mặt tường sau hai gian này đặt án thờ Tiền hiền và Hậu hiền. Riêng ở án thờ Tiền hiền có phối thờ bài vị của “Thiên hậu thánh mẫu nguyên quân”.

               Phần hậu tẩm có diện tích xây dựng hơn 8,4m2. Chính giữa là án thờ Thành Hoàng, đắp hình “Long ẩn” cẩn sứ, quần bàn trang trí đề tài “Long Ngư hý thủy”, xung quanh là hình 4 con dơi vẽ đối xứng quay đầu vào trong. Hai tường bên là 2 án thờ Tả ban và Hữu ban.

                Có thể cảm nhận đây là một công trình giàu tính nghệ thuật với kiểu thức kiến trúc cuốn vòm tạo sự mềm mại đặc trưng thường thấy ở các công trình văn hóa tín ngưỡng vùng ven biển ở Hội An cũng như miền Trung và việc trang trí hài hòa các đồ án cát tường tạo cho di tích như một bức tranh sinh động, giàu tính thẩm mỹ. Cùng với các thiết chế tín ngưỡng dân gian khác như thờ cá Ông, thờ Ngũ Hành … ở địa phương, di tích này với việc thờ Thành Hoàng đã góp phần minh chứng cho đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú của cư dân ven biển Hội An. Theo lệ hàng năm, nhân dân địa phương duy trì lễ cúng tế Xuân, Thu nhị kỳ (tế Xuân vào ngày mồng 10/1ÂL và tế Thu vào ngày 24/8ÂL) nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân và nuôi dưỡng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ mai sau đã được cha ông gầy dựng bao đời nay.
 
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây