Ba Đúng với niềm đam mê nghệ thuật

Thứ ba - 02/09/2014 22:38
Đến thôn Vạn Lăng xã Cẩm Thanh thành phố Hội An, hỏi ông Ba Đúng thì từ người nhỏ tuổi đến người lớn tuổi ai ai cũng biết và chỉ rành rọt đường vào nhà ông. Ông nổi tiếng không chỉ vì tài hát hò khoan kiến tại mà còn vì niềm đam mê với môn nghệ thuật bả trạo đặc trưng của ngư dân vùng sông nước. Ông Ba đúng tên thật Phạm Đúng sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước Cẩm Thanh. Từ nhỏ Ông đã gắn bó với nghề biển cũng như các hoạt động lễ hội đặc trưng của người dân miền biển và những câu hát hò khoan, bả trạo đã ngấm trong ông từ khi nào cũng không rõ.
          Ông Đúng cho biết, với bộ môn hát hò khoan kiến tại ông bắt đầu biết hát từ năm 20 tuổi nhưng thời điểm đó khả năng sáng tạo câu hát của ông còn hạn chế chỉ đạt khoảng 40%. Nhưng dần theo thời gian khả năng hát của Ông đạt gần như tuyệt đối, các câu hát được mở rộng hơn, ông có thể kiến tại mọi lúc mọi nơi, trong mọi tình huống như theo ông nói là “xuất khẩu thành thơ” và không theo một bài vở nào có sẵn mà tự nghĩ ra trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Chính vì lẽ đó mà ông không có ghi chép lại những bài hát nào cho mình, bởi theo ông hát theo tình huống chứ nếu ngồi ghi lại thì khả năng sáng tạo trong ông sẽ không đạt yêu cầu và gần như khó có thể nghĩ ra được bởi hò khoan đối đáp phải trong hoàn cảnh cụ thể cần hai người trở lên tạo tình huống để có thể hát được. Thường trong hát hò khoan tập trung vào các thành phần như huê tình (hát về chồng vợ), nhơn ngãi (?) (hát về bạn bè), hát về tình yêu lứa đôi nên cần phải là cặp nam nữ mới có thể đối đáp và tạo môi trường cho người hát có thể truyền đạt được tâm tư, tình cảm, sự mong muốn của mình đến với đối phương.

         Ngoài tài hát hò khoan kiến tại ông còn có một tài khác đó là hát bả trạo. Ông đã gắn bó với nghề này 15 năm và thường phục vụ trong nghi thức lễ cúng cá ông tại các vạn chài hoặc có khi biểu biễn phục vụ cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật tại các huyện thị trong tỉnh như Điện Bàn, Tân Hiệp, Chu Lai, Thăng Bình…và các vùng lân cận. Người thầy đầu tiên truyền dạy lại cho ông đó là Ông Nguyễn Mè cũng là người ở Cẩm Thanh. Ông Mè là người gắn bó rất lâu với bộ môn này và tỉ mỉ ghi chép lại từng câu hát để truyền lại cho con cháu. Với năng khiếu sẵn có nên ông Đúng nắm bắt rất nhanh, cộng với giọng hát to khỏe nên việc xử lý các câu hát một cách điêu luyện mà không cần phải tập luyện nhiều.  Ban đầu chỉ làm con trạo có nhiệm vụ diễn cảnh chèo thuyền, hát những câu hát đơn giản bằng làn điệu dân ca, hò khoan và Ông nhanh chóng được giao cho nhiệm vụ ở vị trí quan trọng làm tổng thương, tổng lái hoặc tổng chèo.

        Thời gian trôi qua, Ba Đúng không còn sức khỏe để đi biển nữa nên ông chuyển sang đi hát bả trạo trong các lễ cúng và hát hò khoan kiến tại phục vụ khách du lịch vào ngày 14 âm lich hàng tháng trên sông Hoài thơ mộng. Bây giờ tuổi đã 63 nhưng giọng hát của ông vẫn to khỏe như ngày nào. Mỗi lần nói về hát hò khoan hay bả trạo dường dư ông quên hết mọi thứ xung quanh rồi ngẫu hứng hát một vài đoạn cho mọi người thưởng thức. Có lẽ hai bộ môn nghệ thuật này đã thấm sâu vào trong tâm trí của Ông và những gì thuộc về hò khoan, bả trạo được ông nâng niu giữ gìn như báu vật của mình.

        Ông tham gia rất nhiều hội thi hát hò khoan được tổ chức trong và ngoài Tỉnh, đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi và nhiều bằng khen được chính quyền địa phương trao tặng cho những đóng góp của Ông trong phong trào giữ gìn và phát huy di sản văn hóa truyền thống mà cha ông đã để lại.  

         Tuy nhiên, Ông tâm sự, những người hát bả trạo như ông không còn được mấy người, trong khi lớp trẻ trong làng không mấy ai mặn mà với loại hình nghệ thuật này, chính vì lẽ đó Ông thường phải về các làng ven biển lân cận như Tân Hiệp, Bình Minh - Thăng Bình, Điện Bàn, Đà Nẵng… để đào tạo cho đội bả trạo của các thôn này, với mong muốn truyền lại văn hóa truyền thống của cha ông, truyền những kinh nghiệm, hiểu biết và cũng để thỏa mãn niềm đam mê của mình.

        Có thể nói rằng với tâm huyết mong muốn gìn giữ lại vốn văn hóa truyền thống của thế hệ đi trước, những đóng góp của Ông cho loại hình nghệ thuật này là đáng trân trọng, thiết nghĩ các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa xã hội có chính sách đãi ngộ, vinh danh những con người như ông để từ đó có hướng bảo tồn và phát huy hiệu quả trong tương lai. 

Tác giả: Ngọc Hương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây