Cao lầu - đặc sản Hội An

Thứ sáu - 08/08/2014 04:17
(Cinet) – Nếu đã từng đến Hội An, chắc hẳn ai cũng phải biết đến 3 món ăn được coi là đặc sản nơi đây đó chính là Cao Lầu, Bánh Bao, Bánh Vạc. Trong số 3 món đặc sản đó thì cao lầu là món ăn nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất

        Là vùng đất hội tụ nhiều tinh hoa văn hóa, ẩm thực của vùng đất này rất đa dạng và hấp dẫn. Có lẽ bởi nằm ở vị trí ven biển, là nơi gặp nhau của nhiều tuyến giao thông đường thủy đồng thời là vùng đất giao thương buôn bán trong nhiều thế kỷ nên Hội An có 1 nền ẩm thực t đa dạng với ảnh hưởng đến từ nhiều nền văn hóa. Vì ở vùng cửa biển nên trong mỗi bữa ăn của các gia đình Hội An không thể thiếu món cá. Ngày nay, tại Hội An vẫn lưu truyền một số thói quen, tập tục ẩm thực cửa những gia đình người Hoa như vào dịp lễ tết, hiếu hỉ phải có món bún xào Phước Kiến, cơm Dương Châu…Những người hoa đến và sinh sống ở vùng đất này từ nhiều thế kỷ trước đã góp phần không nhỏ tạo nên nền ẩm thực Hội An ngày nay.

        Trong rất nhiều món ăn nổi tiếng thì có 3 món được coi là đặc sản của Hội An đó là Cao lầu, Bánh Bao, Bánh Vạc. Và 3 món đặc sản đó thì cao lầu là món ăn nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất.

        Mới nhìn, cao lầu có vẻ giống mì nhưng lại không phải là mì

        Cao lầu mới nhìn có vẻ giống mì nhưng lại không phải là mì, nguồn gốc cũng như tên gọi của món ăn này đến nay vẫn chưa thể xác định. Nhiều người cho rằng đây là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa song các Hoa kiều ở Hội An lại không nhận món ăn này là của họ. Một số chuyên gia nói rằng nó giống mì udon của Nhật Bản nhưng hương vị và cách chế biến lại hoàn toàn khác với mì udon. Lại có câu chuyện kể rằng: sở dĩ có tên Cao lầu vì xưa kia Hội An là nơi giao thương buôn bán nên rất nhiều các quán ăn. Phong cách thiết kế quán xá xưa kia là phải ngồi trên tầng 2 bởi vậy muốn ăn các doanh nhân phải leo lên lầu, từ đó sinh ra cái tên Cao lầu. Câu chuyện đó có thật hay không, không ai dám chắc chỉ rằng ngày nay người ta vẫn cứ hay kể vui với nhau như vậy. Tuy câu chuyện có phần hoang đường, ấy thế nhưng lại rất được lòng du khách bởi nó vừa mang tính khôi hài, vừa có chút hợp lý lại khơi gợi được trí tưởng tượng của nhiều người, điều này càng khiến cho cao lầu thêm phần hấp dẫn thực khách.





Đến với Hội An có thể dễ dàng tìm thấy món cao lầu, từ quán bình dân cho đến
những nhà hàng sang trọng, ở đâu cũng có thể bắt gặp đặc sản nổi tiếng này 


         Nổi tiếng là vậy nhưng cao lầu không thực sự quyến rũ thực khách bởi nó ngon mà là nó dễ ăn và khiêm nhường. Cao lầu không giống như bún hay phở, đây là một món trộn chỉ có ở Đà Nẵng, Hội An..Mặc dù có vài nét tương đồng với mỳ quảng nhưng cao lầu lại là một món ẩm thực được chế biến công phu hơn nhiều.

Chế biến món cao lầu, cầu kỳ nhất là làm mì..Sợi mì làm sao
phải tạo độ giòn và dẻo mới có được 1 bát cao lầu ngon 

         Tinh túy của món cao lầu là sợi mì. Để làm sợi mì ngon đầu tiên phải chọn gạo ngon thì mới tạo độ giòn và dẻo khô đặc trưng của cao lầu. Gạo đem ngâm vào nước tro, mà tro phải lấy củi ở tận Cù lao Chàm mới cho mùi thơm đúng vị. Sau khi lọc kỹ, xay thành bột, nước xay lại phải lấy nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm xây dựng cách đây đã gần nghìn năm. Tiếp tục dùng vải lọc nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa rồi xắt thành từng sợi, hấp đi hấp hấp lại nhiều lần cuối cùng mới đem phơi khô. Sợi mì phải qua sử lý nhiều lần như vậy mới không bị hỏng và cho hương vị đậm, ngon. Vì là món ăn trộn nên cao lầu không cần nước dùng, chỉ cần có nhân gồm thịt xá xíu, nước trộn, tóp mỡ. Ăn cùng với cao lầu thường có rau sống và giá trần. Cao lầu thực sự không phải là món ăn xuất sắc nhưng nó mang phong vị riêng cửa sứ Quảng, đặc biệt là Hội An. Thưởng thức cao lầu cho cảm giác dai giòn sừn sựt của sợi mì, có đủ vị chua, cay, ngọt và vị béo của tóp mỡ cộng thêm sự thanh mát của rau sống…khiến người ăn cảm thấy rất vừa miệng.

        Dù hiện nay có nhiều nơi khác cũng đã bán cao lầu như Huế, thành phố Đà Nẵng, Hà Nội,  ở nhiều nước trên thế giới như Pháp, Anh, Úc…song chẳng có ở đâu mà cao lầu lại ngon như khi thưởng thức tại Hội An. Có lẽ bởi khi thưởng thức cao lầu tại Hội An, người ta không chỉ thưởng thức 1 món ăn mà còn thưởng thức cả phong vị của nó.
Lan Hương

Tác giả: Lan Hương

Nguồn tin: Trích sách Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu, Nguyễn Phước Tương, tr 129 - 137, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2007

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây