Những vấn đề đặt ra khi áp dụng các văn bản pháp quy của Nhà nước đối với việc quản lý di sản văn hóa Hội An hiện nay

Chủ nhật - 27/07/2014 21:54
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự hỗ trợ hợp tác của các tổ chức quốc tế; sự nhiệt huyết và kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản; và đặc biệt là sự đồng tâm hợp lực của cộng đồng dân cư ở Hội An mà công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hội An được đánh giá cao và nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu bình chọn từ các tổ chức quốc tế và trong nước đã dành cho Hội An và danh hiệu Di sản Văn hóa Thế giới vẫn được giữ vững.
            Tuy nhiên, hiện nay, công tác quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa phù hợp. Di sản văn hóa Hội An không phải là một di tích đơn lẻ mà bao gồm một quần thể các công trình kiến trúc với nhiều loại hình và là nơi có con người sinh sống và làm ăn trong từng di tích thì vấn đề bất cập, khó khăn trong công tác quản lý càng lớn. Trong đó, vấn đề áp dụng các văn bản pháp quy của Nhà nước đối với việc quản lý di sản văn hóa, đặc biệt là việc áp dụng Nghị định 70 và Nghị định 15 của Chính phủ ban hành trong năm 2012 và 2013 vừa qua tạo ra những khó khăn cho khu di sản Hội An trong việc thực thi các Nghị định này.

             Theo Nghị định 70 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì đối với các di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương lập dự án tu bổ di tích hoặc thẩm định dự án tu bổ di tích. Trong khi đó, quần thể các công trình kiến trúc trong khu phố cổ Hội An không được xếp hạng riêng lẻ theo từng công trình mà được công nhận chung là di tích quốc gia đặc biệt. Nếu áp dụng theo Nghị định này thì việc lập hồ sơ tu bổ cho các công trình trong khu phố cổ phải qua nhiều cấp chính quyền từ Thành phố, đến Tỉnh rồi đến Trung ương, trong khi đó, việc tu bổ di tích trong khu phố cổ Hội An là thường xuyên, số lượng tu bổ nhiều, khẩn cấp, đôi lúc chỉ là sửa chữa nhỏ,… thì việc áp dụng theo Nghị định 70 sẽ kéo dài thời gian với các thủ tục hành chính trong khi ngôi nhà của cộng đồng phải thường xuyên được sửa chữa sau mỗi mùa mưa, bão.

            Còn đối với Nghị định 15 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình thì trong Điều 21 quy định các công trình quan trọng quốc gia được thủ tướng chính phủ giao thì phải được cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm tra thiết kế công trình. Như vậy, quần thể các công trình kiến trúc trong Khu phố cổ nếu cần tu bổ thì hồ sơ thiết kế phải được trình qua cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra. Cũng tương tự ở trên, các thủ tục hành chính về tu bổ di tích ở Hội An sẽ gặp nhiều khó khăn và bất cập.

          Như vậy, thứ nhất nếu áp dụng các văn bản pháp quy của Nhà nước trong việc quản lý di sản văn hóa thế giới Hội An thì một hồ sơ tu bổ di tích nằm trong Khu phố cổ phải được trình qua 2 Bộ đó là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng. Liệu các Bộ có đồng quan điểm thống nhất khi thẩm định hồ sơ hay không? Và ai là người quyết định cuối cùng cho hồ sơ tu bổ di tích ở Hội An?

          Thứ hai, nếu tất cả các hồ sơ tu bổ di tích trong Khu phố cổ, từ loại đặc biệt đến các ngôi nhà không được xếp loại đều phải qua các trình tự thủ tục này sẽ áp lực cho các cơ quan cấp trên khi thỏa thuận chủ trương hoặc thẩm định hồ sơ thiết kế tu bổ di tích. Chỉ riêng năm 2013 đã có 233 lượt cấp giấy phép tu bổ, nếu các hồ sơ này được trình lên cấp trên thì liệu trong 1 năm 233 hồ sơ này có được thực hiện đúng tiến độ? và ngôi nhà của người dân có kịp tu bổ để chống xuống cấp hay không?

           Trong những năm qua, do đặc thù của di sản văn hóa Hội An như vậy nên UBND thành phố Hội An đã ban hành Quy chế về quản lý, bảo tồn và sử dụng di tích ở khu phố cổ Hội An để tiện cho việc quản lý và công tác bảo tồn di sản chủ động được thực hiện. Tuy nhiên, bất kỳ một công trình, di tích nào cũng đều phải dựa vào các văn bản của Nhà nước để thực thi. Vì vậy, việc áp dụng các Nghị định của Chính phủ là cần thiết nhưng tùy với tình hình của mỗi di sản, đặc biệt là đối với di sản văn hóa Hội An thì công tác lập hồ sơ tu bổ di tích cần được xem xét để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bất cập và vướng mắc.
Bảo tồn di sản văn hóa đòi hỏi phải có chuyên môn cao, phải có sự tham gia của nhiều ngành khoa học, nhưng cũng cần lưu ý di sản là những gì của quá khứ để lại, là những thứ dễ hư hỏng nếu không được bảo tồn kịp thời, đúng lúc. Đặc biệt là quần thể các công trình kiến trúc ở Hội An với nhiều công trình đang xuống cấp cần được tu bổ. Vì vậy rất cần sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, ban ngành để có một cơ chế đặc thù về tu bổ di tích ở khu di sản văn hóa Hội An.

Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Uyển

Nguồn tin: Đặc san Nghiên cứu lịch sử xứ Quảng, số 5, 2014

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây